Tin tức nổi bật
Tiến tới liên kết tạo thương hiệu mây tre đan Việt Nam
(Ngày đăng: 21/03/2014   Lượt xem: 761)

Langnghevietnam.vn - Hiện nay, cả nước có khoảng 1,4 triệu ha tre, tương đương 6,2 tỷ cây. Trong đó, khoảng 6% diện tích rừng trồng, phần còn lại là tự nhiên. Có khoảng 37 tỉnh có rừng tre tập trung, nhưng chỉ có 23 tỉnh có diện tích tre từ 10.000 ha trở lên. Các tỉnh có trữ lượng tre lớn, tập trung là: Thanh Hóa, Lâm Đồng, Kon Tum, Nghệ An, Tuyên Quang, Yên Bái,…Trong số khoảng 40 loài tre, nứa của cả nước, chỉ có 9 loài có giá trị kinh tế là vầu, lồ ô, tre, tre gai, mạnh tong, luồng, tầm vông, trúc sào,…Theo thống kê của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện nay ngành mây tre đang đứng trước cơ hội chiếm lĩnh tới 10% nhu cầu thị trường thế giới và thu về khoảng 1 tỷ USD từ xuất khẩu. Theo số liệu thống kê từ TCHQ, kết thúc năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói thảm đạt 229,7 triệu USD, tăng 8,58% so với năm 2012.

Việt Nam xuất khẩu mặt hàng mây, tre, cói thảm sang 18 thị trường trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ là thị trường chính, chiếm 22,7% thị phần, đạt kim ngạch 52,2 triệu USD, tăng 27,09% so với năm trước. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản với kim ngạch 39,6 triệu USD, tăng 15,10%.

Để xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, trong quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý: Xử lý mau lẹ các yêu cầu của khách hàng, đảm bảo thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, có dịch vụ chăm sóc sau bán hàng, làm rõ nguồn cung cấp nguyên vật liệu, không sử dụng lao động trẻ em, hiểu được người sản xuất.

Đề xuất phương hướng cho xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, thiết kế sản phẩm là vấn đề nan giải nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam, Muốn xuất khẩu tốt sang thị trường này thì các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường khâu thiết kế sản phẩm nhưng không nên chỉ đơn thuần chạy theo thiết kế mà phải đảm bảo cả tính năng sử dụng của sản phẩm nữa. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm độc đáo mang tính khu vực của Việt Nam (sản phẩm vùng) mà vẫn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Nhật.

Về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang các thị trường trong năm 2013, thì số thị trường có kim ngạch tăng trưởng chiếm 67%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh đó là Thụy Điển, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, tróng đó Thụy Điển là thị trường tăng trưởng mạnh hơn cả, tuy kim ngạch chỉ đạt 3,6 triệu USD nhưng tăng 29,48%; kế đến là Hàn Quốc tăng 27,28%.

Với kim ngạch đạt được trong năm 2013 là 225 triệu USD, tuy nhiên ngành mây tre, đan vẫn cần có sự đầu tư hơn nữa để phát huy hết tiềm năng để đạt tới cơ hội 1 tỷ USD.

 Theo Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, cả nước có 713 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% trong tổng số làng nghề thủ công mỹ nghệ, thu hút khoảng 350 nghìn lao động. Từ năm 2009 đến nay, các làng nghề mây tre nổi tiếng như Phú Nghĩa, nón Chuông, làng Vát, Chàng Sơn, Phú Túc, nón Huế... gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bấp bênh, nguồn nguyện liệu không ổn định, sản xuất cầm chừng.Trong khi người tiêu dùng ở các nước phát triển ưa chuộng những sản phẩm đơn giản, có tính hình khối thì sản phẩm mây tre Việt Nam thường rườm rà, nhiều chi tiết và lắm góc cạnh, uốn lượn,… nên khó có thị trường bền vững. Chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu chung cho các sản phẩm tre Việt Nam.

Hiện nay, trên 80% các cơ sở sản xuất trong ngành mây tre đan không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, hầu hết đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế sức cạnh tranh cả trên thị trưởng trong nước lẫn XK.

Theo Ông Phạm Công Dũng,Trưởng Phòng Thương mại, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), từ mây và tre có thể chế biến được hàng trăm loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho tiêu dùng nội địa và XK. Cụ thể, những vật liệu này có thể sản xuất thành 2 nhóm hàng lớn: các sản phẩm truyền thống như măng tre làm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, mành, chiếu, tăm, giấy…; các sản phẩm mới như tre ép làm ván sàn và đồ nội thất, tre ép phục vụ xây dựng, làm than hoạt tính, làm sợi,… Trong đó, các sản phẩm chế biến công nghiệp từ tre như tre ép khối và đặc biệt là tấm lót đường từ tre mặc dù mới được nghiên cứu và đưa vào sản xuất nhưng đã có một vị thế đầy tiềm năng ở cả thị trường trong và ngoài nước, có giá trị gia tăng rất cao. 

Điều tra thực địa tại 28 tỉnh trên cả nước, ước tính nguồn tài nguyên song mây tại Việt Nam có tổng diện tích 381.936 ha. Trong đó vùng Bắc Trung Bộ có mây nhiều nhất (201.076ha), sau đó là vùng Nam Trung Bộ với diện tích song mây 180.270 ha. Sản lượng song mây có thể được thu hoạch được trong cả nước ước khoảng 36.510 tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế khoảng 70.000 tấn/năm, có nghĩa mỗi năm chúng ta đang phải nhập khẩu trên 33.000 tấn mây.

 Tre nứa, song mây là những loài cây lâm sản ngoài gỗ có khả năng gây trồng thành vùng nguyên liệu chuyên canh hoặc bảo tồn khai thác bền vững. So với các loài cây gỗ, tre nứa có ưu điểm nổi trội là tốc độ sinh trưởng rất nhanh, trồng sau 3-4 năm có thể khai thác, năng suất cao 4-12 tấn/ha/năm. Luân kỳ khai thác của rừng tre, nứa rất ngắn, từ 2-3 năm. Với đòi hỏi từ thị trường, từ nay đến năm 2020 và 2030, cơ cấu sản phẩm của ngành chế biến tre nên là 30% cho các sản phẩm truyền thống và 70% sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm mới. 

Như vậy, song song với việc phát triển, khoảng trống trong nhu cầu các sản phẩm mây tre đan trên thế giới vẫn còn khá lớn. Việc tăng cường năng lực doanh nghiệp cho ngành hàng này, tiến tới liên kết tạo thương hiệu mây tre đan Việt Nam để tiến thẳng vào khoảng trống về cầu các sản phẩm mây tre của thế giới. Xây dựng mối lien kết chặt chẽ giữa người trồng tre, luồng, doanh nghiệp chế biến và đơn vị kinh doanh sản phẩm tre, tiến tới hình thành Hiệp hội chế biến tre Việt Nam nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao tính cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm tre chế biến trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để tạo tiền đề thúc đẩy ngành mây tre Việt Nam phát triển, được sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Hội nghị khách hàng các sản phẩm về tre Việt Nam 2014 vào trung tuần tháng 5 tới tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn.

Nguyễn Vân

 

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.669.893
Tổng truy cập: