Tin tức nổi bật
"Phù thủy" của gốm đắp nổi
(Ngày đăng: 21/02/2014   Lượt xem: 808)

Làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hiện là một trung tâm sản xuất gốm lớn, có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi tài hoa với những phong cách nghệ thuật khác nhau. Nhưng nói đến những tác phẩm gốm có hoa văn đắp nổi, không thể không nhắc đến nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Những tác phẩm của anh được làm theo phương pháp thủ công rất sống động, có hồn, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm gốm Bát Tràng.

Gọi anh Vũ Đức Thắng (trong ảnh) là nghệ nhân không hoàn toàn đúng. Bởi người đàn ông sinh năm 1955 này từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, từng ước mơ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau khi rời trường, trở về làng gốm, hằng ngày tiếp xúc với đất, với men, với những lò nung, chàng thanh niên ngày ấy đã nhận ra giá trị đích thực của gốm mỹ nghệ Bát Tràng. Anh đã quyết định gắn cuộc đời mình với nghề gốm quê hương. Vũ Đức Thắng trở về với nghề gốm vào thời điểm mà đất nước vẫn còn chế độ bao cấp, gốm sản xuất theo kế hoạch phân phối bao cấp, nên trình độ tay nghề của người làm gốm cứ thế bị mài mòn. Trăn trở trước bối cảnh ấy, anh Thắng thường xuyên tìm tòi phương hướng làm sao để nghệ thuật gốm Bát Tràng có thể đạt đỉnh cao.

Đến năm 1986, Vũ Đức Thắng là một trong những người tiên phong mạnh dạn tìm được con đường riêng cho mình. Từ chất liệu truyền thống, ông tìm tòi và sáng tạo ra những tác phẩm vừa có sự khéo léo của nghệ nhân, vừa có sự sáng tạo, bay bổng của người nghệ sĩ. Điểm nổi bật trong sáng tác của Vũ Đức Thắng là tạo ra những hoa văn đắp nổi trên gốm. Năm 1992, ông tham gia triển lãm gốm kết hợp với tranh của họa sĩ đương đại tại TP Hồ Chí Minh, tên tuổi của ông được biết đến từ đó.

Khách tham quan triển lãm ở TP Hồ Chí Minh ngỡ ngàng trước những sản phẩm gốm độc đáo được làm bởi người con đất Hà thành. Những hợp đồng đặt hàng tới tấp bay về càng thôi thúc anh xây dựng thương hiệu riêng cho xương gốm của mình với tên gọi "Hồn Đất Việt".

Đến xưởng gốm của Vũ Đức Thắng, khách tham quan ai cũng muốn được có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm để đời của anh. Lúc đầu xem để thỏa mãn sự tò mò nhưng sau đó thì say mê sự sáng tạo trong từng tác phẩm, từ cảm hứng "Việt Nam bốn mùa", hay long - ly -quy - phượng, cho đến các sản phẩm như thạp - thống - chóe -lư - đỉnh - tranh gốm... đều có nét rất riêng. Ngày nào cũng cặm cụi với đất, với bút mực và lò nung... đã làm nên một Vũ Đức Thắng nổi tiếng trong giới làm gốm bởi những tác phẩm đắp nổi - kỹ thuật mà không phải nghệ nhân làng Bát Tràng nào cũng có thể làm được.

Những sản phẩm đắp nổi đòi hỏi kỹ thuật hoàn hảo ngay từ việc vuốt sản phẩm đến đắp hoa văn, họa tiết cũng như nung đất đều phải rất cẩn thận, kỳ công, bởi toàn bộ quá trình đều phải làm bằng tay, không máy móc, không khuôn đúc nào hỗ trợ, một góc trang trí có khi phải làm cả tháng trời. Để có một tác phẩm tinh xảo, công đoạn nung cũng rất quan trọng. Bởi vì nếu không thực hiện đúng kỹ thuật thì sản phẩm dù đẹp đến mấy đến khi ra lò cũng chỉ trở thành đồ thứ phẩm, không bảo đảm chất lượng. Trong những tác phẩm ấy, hai chiếc bình gốm đắp nổi cao gần 1 m có chủ đề "Lịch sử đấu tranh của dân tộc qua từng thời kỳ" và "Phong cảnh đẹp lịch sử Hà Nội 1000 năm Thăng Long" là những tác phẩm mà ông ưng ý nhất. Tác phẩm thứ nhất là hình ảnh thu nhỏ của lịch sử dân tộc từ thời đại Hùng Vương đến nay. Còn tác phẩm thứ hai là một bản giới thiệu những danh lam thắng cảnh của Hà Nội như Lăng Bác Hồ, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột...

Nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm chuốt tay truyền thống. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn. Trong đó nổi bật nhất là danh hiệu Nghệ nhân ưu tú quốc gia năm 2010. Ngoài ra, xưởng sản xuất của Vũ Đức Thắng ở xóm 2, Bát Tràng còn được Cục Di sản công nhận là một trong ba điểm đến hấp dẫn dành cho khách tham quan tại Bát Tràng.
                                                                                                 Theo: nhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.659.317
Tổng truy cập: