Tin tức nổi bật
“Lệch chuẩn” do mê muội nhiều thứ
(Ngày đăng: 17/02/2014   Lượt xem: 823)
 Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, những tồn tại hiện nay ở lễ hội nếu nhìn ở góc độ quản lý hành chính để điều chỉnh thì sẽ không giải quyết được tận gốc rễ. Người dân là chủ thể của lễ hội nên chỉ khi nào ý thức của họ được nâng lên thì những lộn xộn hiện nay mới vãn.

“Lệch chuẩn” do mê muội nhiều thứ 1

Lực lượng công an vất vả bảo vệ kiệu tiến vào làm lễ khai ấn tại đền Trần. Ảnh: Tuấn Mark.

Còn thiếu hiểu biết thì còn mê muội

Mỗi năm đến mùa lễ hội, địa phương nơi có lễ hội lớn như chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), Yên Tử (Quảng Ninh), Hội Lim (Bắc Ninh)… lại gần như huy động cả hệ thống quản lý cùng vào cuộc để đề ra các giải pháp tổ chức nhằm khắc phục những thực trạng của năm trước. Nhưng cứ “đẻ” ra cơ chế này thì vấn đề mới lại nảy sinh, hoặc cũng không thể hạn chế được những những nhức nhối như: chặt chém, bói toán dạo, rải tiền lẻ, cướp lộc…

GS Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân gian cho rằng, mọi biện pháp nếu cứ nhìn ở góc độ quản lý để khắc phục thì rất khó giải quyết: “Bản chất của lễ hội là nơi sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng và do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Từ nhiều năm qua, họ tự gây dựng và quản lý rất tốt. Người dân chính là chủ thể của lễ hội, những thực trạng hiện nay đang tồn tại cũng xuất phát từ chính “chủ thể”. Chính vì vậy, cách giải quyết gốc rễ cũng phải xuất phát từ người dân. Hãy để cho họ làm chủ, còn vai trò quản lý nhà nước không nên “nhúng tay” vào mà chỉ nên “quản lý” bằng thể chế, luật pháp. Hãy nhìn vào lễ hội đền Trần, dù huy động rất nhiều người của Ban tổ chức nhưng vừa lễ xong thì người dân quay sang cướp lễ, giẫm đạp lên nhau để có được chiếc ấn… Không có Ban tổ chức nào quản lý xuể nếu như ý thức người dân chưa tốt”.

Đồng quan điểm với GS Ngô Đức Thịnh, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo cho rằng: “Dường như năm nào cũng có các quy định, chỉ thị, khi thì đề ra việc quản lý hòm công đức, nay lại hạn chế tiền lẻ… nhưng chúng hoàn toàn chỉ nằm trên giấy tờ và phản tác dụng trước ý thức hạn chế của người dân. Cốt lõi của vấn đề phải là tạo nên một cộng đồng có hiểu biết về tín ngưỡng. Nhưng hiện nay, không ai tạo cho họ môi trường tìm hiểu mà tất cả chỉ là hiệu ứng đám đông, tin một cách mê muội chứ không có sự hiểu biết đúng nghĩa về lễ hội đó”.

Dân lộn xộn, nhà quản lý cũng thiếu hiểu biết 

Ngay tại Hà Nội, nơi “được tiếng” là người dân có trình độ hiểu biết cao hơn ở nông thôn, nhưng đến bất kỳ ngôi chùa nào cũng thấy cảnh xì xụp khấn vái để xin tài lộc, buôn may, bán đắt chứ không coi đó là nơi để tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính trước những người có công với đất nước…

Lễ cầu an, giải hạn ở chùa Phúc Khánh hôm Rằm tháng Giêng khiến đoạn đường xung quanh chùa bị tê liệt trong nhiều giờ bởi hàng nghìn người ngồi dưới lòng đường khấn vái. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã nhiều lần khuyến cáo rằng, “nếu phải ngồi ở ngoài đường thì sao không ngồi ở nhà mà cầu? Phật ở quanh ta, tâm ở đâu thì Phật ở đó, sao phải chen lấn, xô đẩy để thể hiện “lòng thành” với Phật?”.

Không chỉ người dân thiếu hiểu biết mà ngay cả những người làm công tác quản lý ở các lễ hội lớn cũng được các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, họ đang làm sai lệch bản chất của lễ hội truyền thống. Ví dụ như lễ Khai ấn của đền Trần, vốn là tục lệ cổ mở đầu ngày làm việc chính thức đầu tiên của triều đình trong một năm mới. Nó đơn giản là một thủ tục mang tính chất hành chính và không liên quan gì đến việc ban thưởng hay ban chức tước cho quan lại. Mặt khác, vào thời điểm đó, lễ khai ấn cũng chỉ được tổ chức lớn vào những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, tức là 3 năm mới tổ chức lớn một lần, chứ không phải năm nào cũng tổ chức đại lễ. Hay như đền Bà Chúa Kho, từ chỗ là nơi thờ cúng người giữ kho lương thành bà Chúa giữ tiền, trở thành nơi xin - vay tiền tài… Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về trụ trì và Ban quản lý của đền, chùa, nên làm tốt công tác tuyên truyền vì đó là nơi mà các phật tử đến chiêm bái liên tục trong năm. 

Khi được hỏi về việc người dân đi lễ chùa rất nhiều nhưng vẫn thiếu hiểu biết về giá trị thực sự của lễ hội? GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, tất cả những tồn tại hiện nay dù xuất phát từ ý thức của người dân nhưng đó không phải lỗi do họ. Đó là hệ quả do quá khứ để lại và ngày nay không được quan tâm về tuyên truyền, giáo dục. Để giải quyết được tình trạng lộn xộn hiện nay ở lễ hội không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian. “Có thể sẽ mất 10 năm hoặc lâu hơn nữa thì ý thức của người dân mới được nâng lên. Để làm được điều đó, cần sớm trả lại vai trò làm chủ cho người dân”, GS Thịnh kiến nghị.
                                                                                                  Theo: giadinh.net.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

427
Đang xem:
73.104.926
Tổng truy cập: