Tin tức nổi bật
Ngày xuân đi hội xứ Mường
(Ngày đăng: 17/02/2014   Lượt xem: 2305)

Trên hành trình du xuân ở cung đường hoa Tây Bắc, ngoài những sắc hồng thắm  hoa đào, sắc trắng tinh khôi hoa mận… còn có cả màu sắc của những nụ cười xúng xính váy áo ngày xuân. Đồng bào các dân tộc vùng cao vào mùa hội. Người Mông, Dao ở vùng cao có Lễ hội Lồng Tồng. 



Người Thái ở vùng thấp có Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Xên Bản, Xên Mường. Còn người Mường ở xứ Mường Bi, ngay đoạn đầu của cung đường Tây Bắc thì có Lễ hội Khai Hạ – Tịch Điền mà những bước chân “Phượt tử” không thể bỏ qua.

Đây là một lễ hội xuống đồng, mở cửa rừng diễn ra vào ngày 7-8 tháng Giêng. Sau lễ hội, người dân xuống đồng và lên rừng sản xuất. Lễ hội là sự khởi đầu cho một năm mới, là dịp để nhân dân bày tỏ lòng kính trọng vị thần đã lập ra Mường và cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp. Lễ hội đã làm sống lại những nét văn hoá dân gian xưa, kết hợp hài hòa với văn hoá hiện đại. Theo sự tích, ở vùng Ba Vì (Sơn Tây), vùng sông Tích Giang và các vùng Mường cổ đều thờ Thánh Tản Viên (người Mường Hòa Bình gọi là Thánh Đản). 

Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, đồng bào Mường ở vùng Mường Bi (Tân Lạc) thờ vong hồn Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Lễ hội diễn ra gồm 2 phần. Phần nghi lễ tế được tổ chức trang nghiêm tại miếu thờ xóm Lũy, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Đồ tế gồm có thịt trâu, xôi trắng và đặc biệt là một con hoẵng săn được trong thời gian chuẩn bị lễ hội (đôi khi được thay bằng bò). Thầy tế xướng lên những lời văn khấn cổ, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhân dân an thái. Sau khi thầy mo làm lễ cúng thành hoàng là Quốc Mẫu Hoàng Bà và tam vị Tản Viên Sơn Thánh, người dân rước thành hoàng ra sân vận động xem hội với dàn cò ke ống sáo và đoàn tấu diễn cồng chiêng, đoàn cờ, đoàn tế, các cụ cao niên và nhân dân trong xã. Ở cuối phần lễ là nghi thức Tịch Điền, tái hiện đường cày đầu tiên của năm mới trên một thửa ruộng thẳng. Sau lễ Tịch Điền là Lễ tu sửa mương Lò. Đây là con mương đảm nhiệm việc tưới tiêu cho toàn vùng, có vai trò hết sức quan trọng với nền nông nghiệp. Theo quy định, mỗi gia đình trong vùng đều cử một người tham gia vào việc chung như: nạo vét lòng mương, lưu thông dòng chảy để cầu cho mùa màng tươi tốt.

Phần hội diễn ra sôi động với nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn Cồng chiêng xứ Mường, các trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc như: Hát Ví Mường, hát Thường đang Bọ mẹng, bắn nỏ, bóng chuyền, đẩy gậy, đánh mảng… và thi người đẹp. 

Nhân dân các xã trong huyện Tân Lạc mang đến ngày hội những món ăn cổ truyền thường ngày như: rượu cần, cá nướng, thịt chuột rừng, cơm lam, rau đồ, cua đá, ốc lá khao, nhái ôm măng… vô cùng hấp dẫn.
                                                                                          Theo: anninhthudo
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

422
Đang xem:
73.104.371
Tổng truy cập: