Tin tức nổi bật
Hồi sinh tranh dân gian
(Ngày đăng: 22/01/2014   Lượt xem: 717)

Tết đến, xuân về người dân Hà Nội lại có dịp hoài niệm về dòng tranh dân gian truyền thống tại cuộc triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam - tranh bộ ba” do Viện Viễn đông bác cổ Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội từ nay đến hết tháng 2/2014.

Người nước ngoài rất yêu thích tranh dân gian Việt Nam

Người nước ngoài rất yêu thích tranh dân gian Việt Nam

Những cái Tết xưa, mỗi gia đình dù giàu hay nghèo, ngoài bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, không thể thiếu câu đối đỏ và những bức tranh dân gian để “vui cửa vui nhà”, giúp xuân thêm tươi sắc. Vì thế, theo thống kê, trong những năm đầu thế kỷ XX, gần Tết, số lượng tranh in từ ván khắc có khi tới gần hai triệu bản. Và những bức tranh tinh tế về họa tiết, tinh xảo về kỹ thuật giúp Đông Hồ, Hàng Trống trở thành làng nghề, phố nghề nổi tiếng.

15 khung ảnh gồm những mảng hình được chọn lọc từ tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” của tác giả Henri Oger và các bức tranh trong bộ sưu tập 400 bức tranh dân gian của tác giả Maurice Durand tại triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam- tranh bộ ba” tổ chức đúng vào dịp đón Tết Nguyên đán 2014 đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân thủ đô. Đồng thời triển lãm này đã đưa công chúng về với quá khứ của nghệ thuật truyền thống dân tộc dưới góc nhìn của người Pháp một cách ấn tượng.

Các tác phẩm tranh vẽ in trên giấy gió và tranh khắc gỗ của Henri Oger thực hiện và thu thập giúp công chúng hiểu được những cách thức sản xuất các sản phẩm thủ công, cảnh sinh hoạt, lao động của người Việt Nam đầu thế kỷ XX rất tỉ mỉ, công phu.  Còn bộ tranh dân gian của Maurice Durand được thu thập từ những năm 1950, xuất bản thành sách tại Pháp lại phản ánh rất đa dạng, phong phú cuộc sống thường nhật của người Việt Nam xưa như: Buôn bán, xây nhà, các trò chơi dân gian. Với kỹ thuật in, nhiều bức tranh được in  trên giấy báo, chứ không phải giấy điệp như truyền thống.

Việc những người bạn Pháp sưu tầm, gìn giữ tranh dân gian Việt Nam công phu, yêu mến như một di sản quý của đất nước là điều rất đáng trân trọng.

Đánh giá về bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam của những người bạn Pháp, Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội sử học Việt Nam- cho rằng, tranh dân gian trong đó tranh Đông Hồ, Hàng Trống có ý nghĩa rất lớn trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.  Vì vậy, theo Giáo sư, việc những người bạn Pháp sưu tầm, gìn giữ tranh dân gian Việt Nam công phu, yêu mến như một di sản quý của đất nước là điều rất đáng trân trọng. Đây còn như là lời cảnh báo đối với  công cuộc bảo tồn các tư liệu thành văn của Việt Nam hiện nay.

Không những thế, những người tham quan triển lãm không khỏi trăn trở về một dòng tranh truyền thống của dân tộc đã mai một, nay chỉ còn là miền ký ức nhạt nhòa. Giáo sư Phan Huy Lê chia sẻ, nếu có nhu cầu ông phải tìm mỏi mắt mới có thể mua được tranh Đông Hồ ở phố Tràng Tiền (Hà Nội). Nếu tìm thấy hàng bán, thì tranh được làm rất ẩu và không đúng kỹ thuật in tranh Đông Hồ xưa. Còn tranh Hàng Trống giờ cũng thuộc về quá khứ, vì hiện chỉ có duy nhất một nghệ nhân làm giấy dó còn sống và không còn khả năng truyền nghề. 

Vậy, làm cách nào để làm sống lại dòng tranh dân gian, khơi gợi tình yêu của người dân đối với nghệ thuật truyền thống này? Để “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mồng sáu tháng chạp nhớ về buôn tranh”? Theo Giáo sư Phan Huy Lê, ngay từ bây giờ phải đẩy mạnh sưu tầm, bảo tồn kỹ thuật làm tranh dân gian và có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho các nghệ nhân còn sống để họ truyền nghề cho thế hệ trẻ kế tục. Nhưng muốn hồi sinh dòng tranh dân gian, vị giáo sư cho rằng điều quan trọng nhất là phải nuôi sống được nó trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại nhiều đổi thay hiện nay. “Không còn cách nào khác là tạo dựng thị trường, tạo dựng nhu cầu cho mỗi người, cho mỗi gia đình. Nghĩa là khi đón Tết cổ truyền, nhà nhà lại tìm mua tranh, hay trong hoạt động của ngành du lịch phải lấy tranh dân gian là sản phẩm chính để bán cho du khách” - giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh.

                                                                                             Theo: congthuong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

474
Đang xem:
73.104.423
Tổng truy cập: