Tin tức nổi bật
Đâu phố, đâu làng?
(Ngày đăng: 06/01/2014   Lượt xem: 661)
Hiện đại hóa là đòi hỏi, cũng là xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Kiến trúc Việt cũng không nằm ngoài qui luật này. Dẫu vậy, sự phát triển quá đà, có phần hơi thái quá đã khiến cho bản sắc kiến trúc Việt phôi phai. Vào làng giờ đây người ta không biết mình đang đi giữa làng hay giữa phố. Lâu ngày ra phố, lại ngỡ mình như lạc giữa trời Âu…



Cổng làng Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Nội)

Lố nhố phố - làng… 

Khi xã hội phát triển thì kiến trúc nông thôn cũng có nhiều thay đổi, cơ sở vật chất cũng vận động theo.  Mái nhà tranh đã được "ngói hóa”, tường trình thay thế bằng gạch xây bền vững, ngôi nhà khó cháy hơn, đó là yêu cầu bức thiết, có điều kiện thì thực hiện ngay. 

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà nước ta có chủ trương quy hoạch cải tạo làng xóm ở miền Bắc theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu của làng xóm mới bao gồm: Khu sản xuất ngoài đồng ruộng và khu sản xuất trong làng xóm; Khu văn hóa xã hội gồm có nhà trẻ - mẫu giáo, trụ sở, câu lạc bộ, thư viện, sân TDTT, trường học, nhà trạm xá, cửa hàng, bưu điện, v.v… Ngôi nhà ở được sắp xếp lại, quy hoạch theo hàng, theo dãy, có hệ thống cấp thoát nước và trang thiết bị điện sinh hoạt. Từng ngôi nhà cũng được đổi mới về nội dung, hình thức, cao 1 - 2 tầng để phù hợp với đời sống mới. 

Sau bao năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, chỉ có hệ thống đường sá đối nội và đối ngoại được bê tông hóa, phương tiện đi lại bằng cơ giới được cải thiện rõ ràng. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, những dự kiến xây dựng các công trình công cộng và nhà ở theo phong cách mới vẫn không thực hiện được, không tạo ra được bộ mặt nông thôn mới. Trên dưới một vạn kiến trúc sư nước ta vẫn đứng ngoài cuộc, chưa để lại dấu ấn gì đáng kể trong việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Những di sản cổ kính, từ ngôi nhà, cổng ngõ, vật liệu xây dựng truyền thống, vườn cây, ao cá là những nét đẹp của làng cổ cứ mai một dần. Những công trình và không gian công cộng như đình, chùa, đền, miếu, từ đường, sân vườn, hồ nước bị những ngôi nhà mới cao tầng lấn át cả về không gian lẫn diện tích. Nơi thờ tự của cả làng giờ đây thấp hơn những ban công của các tầng nhà xung quanh. Đây là thời điểm môi trường nông thôn bị tan rã, kiến trúc xanh không còn là bao. Quy hoạch xây dựng nhà ở nông thôn bị bỏ ngỏ, không có định hướng rõ ràng, mạnh ai nấy làm. Có điều, theo cái gốc truyền thống thì ít mà học theo lối sống đô thị thì nhiều. Nhà ở nông thôn cũng làm nhà ống cao ba, bốn tầng như nhà thành phố, trông như những chiếc hộp dựng đứng, không còn là làng quê thơ mộng nữa.  

Do không có quy hoạch nên nhiều làng quê ở ven đô đã không còn là làng mà cũng không phải là phố. Đó là thứ kiến trúc hổ lốn, nhằng nhịt: Những ngôi nhà ống ba, bốn tầng bám vào những con đường làng vốn nhỏ hẹp quanh co, tạo nên những con ngõ nhà cửa dày đặc, hun hút. Người đứng trên ban công hai nhà đối diện có thể bắt tay nhau. Đường đi nhỏ hẹp, không có vỉa hè, cống rãnh thoát nước. Xe máy tránh nhau đã khó, xe ô tô không vào được. Xe cấp cứu, xe cứu hỏa đành đứng ngoài xa. Một số làng cổ được bảo tồn làm di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nhưng người ta lại quên mất rằng làng là một cơ thể sống đang phát triển hằng ngày về mật độ dân số, không có hướng cấp đất dãn dân, do vậy các gia đình sống chật chội, có nơi bà con làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích làng cổ. Và hơn lúc nào hết, cần giữ gìn nền kiến trúc xanh trong không gian kiến trúc nông thôn. Có như vậy mới ngăn chặn được sự hủy hoại hệ sinh thái và môi trường, mang phong cách kiến trúc nhiệt đới, tiếp cận giá trị kiến trúc truyền thống và sáng tạo thêm những giá trị mới phù hợp với cuộc sống văn minh.



Đường vào làng Cựu (Phú Xuyên, HN)

Kiến trúc đô thị bị quốc tế hóa 

Không gian các đô thị cổ nước ta hình thành và phát triển từ ngàn năm, sớm cũng ba, bốn trăm năm, hầu như biến đổi rất chậm. Các khu phố còn lại đến nay vẫn đậm đà những nét phát triển tự nhiên, hài hòa với môi trường cảnh quan thiên nhiên. 

Khi người Pháp sang, các đô thị được mở rộng, quy hoạch theo bài bản của châu Âu. Đường phố và vỉa hè rộng rãi, có trồng cây bóng mát hai bên đường thành những dãy phố dài rộng theo ô bàn cờ. Các công trình kiến trúc công cộng mang phong cách châu Âu, biệt thự có sân vườn rộng rãi với kiểu dáng kiến trúc các địa phương của Pháp, do vậy mà bộ mặt kiến trúc thêm phong phú và đa dạng hơn. Ngôi nhà đã cao rộng và khang trang hơn trước đây. Ưu điểm là các công trình vẫn xây dựng dàn trải theo chiều ngang, do đó hài hòa với kiến trúc khu phố cổ. Nếu biết giữ gìn và bảo tồn tốt thì khu phố cổ, khu phố cũ xây dựng thời Pháp thuộc nằm kề bên khu phố mới ngày nay, hoặc gắn kết với khu phố mới hình thành như một lòng chảo – giữa là khu phố cổ, khu phố cũ thấp, xung quanh là khu phố mới cao dần – rất có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ, đáp ứng là một thành phố du lịch mang tính chất lịch sử lâu đời. 

15 năm gần đây là thời kỳ kiến trúc nước ta hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều khu đô thị mới, nhiều công trình kiến trúc do kiến trúc sư nước ngoài và trong nước  thiết kế cao rộng với nội dung và hình thức kiến trúc phong phú, khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mới của đất nước. 



Nhiều công trình kiến trúc "Âu hóa” đang mọc lên giữa Thủ đô

Quy hoạch kiến trúc có bước đột phá, chúng ta đang hướng đến xây dựng một nền kiến trúc xanh thân thiện với môi trường sống. 

Tuy nhiên, quy hoạch kiến trúc đô thị chưa hướng sự ưu tiên về đông đảo tầng lớp nhân dân lao động và người nghèo đô thị. Nhiều khu dân cư hầu như buông lỏng cho các chủ đầu tư, nên xây dựng không đồng bộ về thể loại công trình công cộng, về cơ cấu dân số, do đó không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người ở. Chúng ta xây dựng nhiều nhưng không tạo được diện mạo kiến trúc với những đặc thù riêng phù hợp với con người và khí hậu nước ta. Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc còn chung chung, mờ nhạt, xa vời với kiến trúc truyền thống, thiếu bản sắc dân tộc. Nhiều đô thị đang theo xu hướng quốc tế hóa kiến trúc bản địa. Đô thị trung du, miền núi có cảnh quan thiên nhiên là những gò đồi thơ mộng, có thể tạo nên phong cách đô thị riêng, độc đáo đậm nét dân tộc địa phương thì cũng san phẳng để làm đường thẳng tắp, gắn những dãy nhà chia lô bám mặt đường như bất cứ đô thị nào ở vùng đồng bằng. Các đô thị cổ đang bị mai một, phá cũ xây mới, không gian văn hóa di sản bị xâm lấn và hủy hoại, đang là mối lo chung. 

Mất gốc thì khó phát triển lành mạnh, do đó cần phải giữ gìn và khai thác kiến trúc truyền thống để có một nền kiến trúc Việt Nam dân tộc và hiện đại.
                                                                                            Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.561.451
Tổng truy cập: