Tin tức nổi bật
Nhọc nhằn gốm Cậy
(Ngày đăng: 25/12/2013   Lượt xem: 822)
Không còn được như thời hoàng kim, gốm làng Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) giờ chỉ còn lay lắt. Người tâm huyết, cũng là một trong hai người được công nhận danh hiệu nghệ nhân còn đốt lò cổ là ông Vũ Xuân Năm. Cơ sở của ông có rất nhiều giảng viên,  nhà điêu khắc, sinh viên các trường mỹ thuật về tham khảo, sáng tác, thực tập.



Vợ chồng nghệ nhân Vũ Xuân Năm

Sinh ra…đã biết làm gốm

Ký ức của những người già trong làng về làng gốm thời hoàng kim xa xưa vẫn còn nguyên vẹn, sản phẩm của làng có mặt ở nhiều nơi, được khách hàng rất ưa chuộng. Ngày nào cũng có người đến, người đi, các thương lái về lấy hàng tấp nập lắm. Cũng may làng gốm còn ông Năm và một vài người tâm huyết giữ gìn nghề như nét văn hóa độc đáo của cha ông để lại. 

Dừng tay nghỉ sau cả ngày nặn chóe theo đơn đặt hàng, ông Năm tâm sự về sự thăng trầm của làng và thấy tiếc. Bởi làng trải qua mấy trăm năm, thời hưng thịnh có thể sánh ngang với những làng gốm nổi tiếng như Phù Lãng, Bát Tràng, Chu Đậu…Khi ấy, cả làng Cậy theo nghề, trẻ em cũng tham gia những công việc đơn giản. "30 năm nay thì chỉ còn vài hộ đốt lò và chỉ còn mỗi gia đình tôi dùng lò than củi và sản phẩm chủ yếu xuất lên Hà Nội. Các cửa hàng ở Nghi Tàm Tây Hồ, Hà Nội về lấy hàng rất nhiều. Theo tôi, người ta không làm gốm sứ nữa là vì chậm giàu…”, ông Năm cho biết. Tôi rất thông cảm với lời tâm sự của ông Năm. "Chậm giàu” cùng với nhiều nguyên nhân khác đã khiến rất nhiều làng nghề hoạt động cầm chừng, mai một. Gốm Cậy chỉ là một trong hàng trăm làng nghề như thế. 

Sản phẩm truyền thống của gốm Cậy đều được vuốt bằng tay, và những họa tiết được đắp nổi, tỉa tót hết sức tinh vi. Ông Năm tiếp nối truyền thống của gia đình cùng với kỹ thuật cũng được tích lũy dày hơn theo thời gian. Ông là thế hệ thứ sáu, và hai con ông theo nghiệp cha là thế hệ thứ bảy dốc sức vì nghề. Từ nhỏ, ông đã say mê với các món đồ giả cổ của bố mình và nhiều nghệ nhân khác như: Lọ, đỉnh hương, chóe, đèn, tháp, tượng… và khi 12 tuổi, ông vừa đi học, vừa trở thành một người thợ thuần thục trong xưởng gốm của gia đình. Nói về việc truyền dạy nghề của làng, ông bảo: "Giới trẻ ngày nay họ đi làm những công việc khác. Một số người đã có nền tảng thì theo nghề kiến trúc, làm công trình mỹ thuật, tu sửa đền chùa. Tôi ăn lộc từ nghề và sẽ quyết giữ”.


Say sưa tạo hình

Gốm tri ân người

Hiện ở làng vẫn còn một số hộ làm gốm, nhưng chủ yếu sản xuất bát, ấm, chén cung cấp ra thị trường. Còn làm đồ thờ, đồ giả cổ tinh xảo như ông Năm thì họ chỉ làm rất ít. Cho nên, nói đến đồ giả cổ làng Cậy là phải nhắc đến ông Năm. Mỗi năm, ông xuất ra thị trường khoảng 3.000 sản phẩm.

Để làm được đồ giả cổ, nhất là đối với những sản phẩm làm bằng tay, đắp nổi với nhiều họa tiết, thì người thợ phải kiên trì trong tạo hình. Nếu không được các "cao nhân” dạy thì khó có thể làm được. Cái đặc trưng lớn nhất của gốm làng Cậy là men tro trấu (đốt trấu để lấy tro tạo men). Từ đó, người nghệ nhân có thể chế ra một số màu men như xanh ngọc, xanh lưu ly, màu da lươn, màu hồng… 

Nâng niu một sản phẩm, ông Năm giới thiệu: "Vì sản phẩm có nhiều họa tiết nổi, nên việc nung rất khó vì dễ nứt, vỡ. Như truyền thống, sản phẩm từ lò đốt bằng củi có độ bóng cao, sản phẩm đẹp. Tất nhiên, niềm đam mê, kết hợp với tay nghề cao sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị. Tôi khẳng định tôi sống được bằng nghề, và cũng vì gốm biết tri ân người làm ra chúng”.

Có lẽ ông Năm đã được trả công xứng đáng vì lòng nhiệt thành giữ nghề. Đó là, năm 2010 nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cơ sở của ông có sản phẩm "chum sành rùa dâng kiếm” được trưng bày, nhận được sự ghi nhận, cổ vũ của công chúng. Ông Năm cũng được công nhận là một trong 10 nghệ nhân toàn quốc có "Bàn tay vàng”. Điều đó không chỉ mang lại vinh dự cho gia đình, dòng họ, mà chứng tỏ làng Cậy vẫn còn có niềm hy vọng.

Ông Năm ước gốm Cậy trở lại thời vàng son, nhưng trong dòng chảy của thị trường cũng như rất nhiều yếu tố tác động, điều đó rất khó xảy ra. Nhưng dù thế nào thì ông cũng vẫn giữ nghề, như đã hứa với tổ tiên, như ông đã theo đuổi công việc suốt nửa thế kỷ qua. 

Một người cần mẫn làm việc bên ông suốt mấy chục năm qua, là vợ ông. Bà là người hiểu chồng và cũng tiếp nhận sự truyền dạy kỹ thuật từ chồng để cùng đóng góp công sức vào việc hoàn thiện những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Tôi hỏi: "Có bao giờ bà ấy tạo ra một sản phẩm khiến ông phải ngưỡng mộ?”. "Dù thế nào thì bà ấy cũng là phụ nữ, tay rất dẻo nên đã làm thì tôi không chê được. Cũng có nhiều sản phẩm bà ấy sáng tạo ra mẫu và tôi đóng góp ý kiến, cùng hoàn thiện”, ông chia sẻ.

Sự kỳ vọng của các cụ già làng Cậy vào ông Năm là rất có lý. Bởi họ đã lực bất tòng tâm. Ông Năm còn điều kiện, còn sức khỏe, giữ được phong độ cùng những bí quyết và nhiệt huyết lửa nghề. Điều đó không chỉ giúp cho đời xuất hiện thêm nhiều sản phẩm đẹp, tinh tế, mà còn giúp kết nối và định vị thương hiệu của làng Cậy một thời.

                                                                                          Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

452
Đang xem:
73.108.692
Tổng truy cập: