Dân là ai?

Trong khi bộ và nhiều sở VHTTDL vẫn loay hoay tìm mô hình quản lý cho hơn 8.000 lễ hội ở ta thì TS Trần Hữu Sơn - GĐ Sở VHTTDL Lào Cai lại cảnh tỉnh: Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu sự biến đổi của lễ hội để có cách ứng xử và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, tránh áp đặt. Lễ hội hiện nay không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu tâm linh và vui chơi nữa. 

Muốn hay không muốn, nó cũng dần dần gần hơn ý nghĩa đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Do vậy, không thể nói “trả cho dân” một cách khơi khơi thế được. Ông Sơn giải thích: “Vì nhu cầu quảng bá, phát triển kinh tế địa phương thông qua lễ hội là có thật  nên các lễ hội dân gian ngày càng lớn, người dự lễ hội ngày càng đông, nếu không có sự ra tay của chính quyền địa phương thì  các vấn đề như trật tự an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường... giải quyết ra sao?”. 

Đồng tình với quan điểm này ông Mai Tư - GĐ Sở VHTTDL Thanh Hóa - cũng cho rằng bất kỳ lễ hội nào cũng phải có tổ chức, có nguời đứng đầu và phải có người nhà nước tham gia tổ chức, chỉ đạo, dù cho đó là cấp nhỏ nhất, từ cấp thôn cho đến cấp tỉnh. Ông Mai Tư dẫn chứng: “Lễ hội Lam Kinh - Thanh Hoá năm 2007,  Bộ đưa vào dự án “Lễ hội,  trả lại cho dân”, với kinh phí khoảng 600 triệu đồng. 

Đưa cho dân làm năm đó xong thì sang năm sau mất hết (trang thiết bị). Bởi vì “anh” bảo giao cho dân mà! Đạo cụ, phục trang, trống chiêng họ đem về vứt lay lắt. Đến mùa lễ hội năm sau,  nguời ở nam, nguời ở bắc, nguời đi làm ăn xa, không triệu tập được về để  tổ chức... Thế  là, sau một năm tiêu phí đi 600 - 700 triệu chả để làm gì... Mà kể cả nhà nuớc có làm chăng nữa thì cũng là dân chứ là ai?”. 

Mô hình nào?

Trên 90% lễ hội ở ta  gắn liền với di tích, mà di tích lại thuộc rất nhiều cấp quản lý - từ  tỉnh, huyện, thị xã đến tự quản. Vì thế,  tình trạng quản lý chồng chéo hoặc “cha chung không ai khóc” diễn ra ở nhiều nơi. Hiện tượng thay tượng mới vào chỗ tượng cổ, đưa “vật thể lạ” vào các nơi thờ tự; trục lợi cá nhân trong lễ hội... diễn ra thường xuyên, kể cả ở những di tích cấp quốc gia. Một mô hình quản lý cho từng cấp đơn vị vẫn là bài toán chưa có đáp số của ngành văn hoá trong nhiều năm qua. 

Thế nhưng, theo ông Mai Tư, Bộ VHTTDL chỉ nên chú trọng nghiên cứu, ban hành những chỉ thị, hướng dẫn những việc lớn như: Đề phòng cháy, nổ; tổ chức lễ hội, sự kiện phải đúng với yêu cầu, mục đích, tầm cỡ và lĩnh vực, tránh lãng phí...Còn những chuyện khác thì để cho địa phương và nhân dân, tùy từng tình hình cụ thể, cùng làm thì tốt hơn. Những nơi nào chưa có hiểu biết đầy đủ về văn hóa thì tập huấn để làm cho đúng. 

Còn vấn đề quản lý tiền “dầu,  đèn”, công đức, theo tôi, dù cho là tổ chức nào, đoàn thể nào, bộ phận nào... đụng đến đồng tiền thu chi là phải theo nguyên tắc tài chính nhà nước, cứ thế mà làm. Còn với từng di tích, trong lúc chưa có bộ phận phụ trách về tài chính thì có thể phải giao cho chính quyền địa phương - họ có đủ điều kiện để chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Bây giờ, cán bộ cấp xã cũng toàn là ngưòi đã học đại học rồi chứ có phải như ngày xưa đâu.  Còn ông Trần Hữu Sơn thì khẳng định: “Muốn mô hình (quản lý) nào thì nó vẫn phải thuộc quản lý của Sở VHTTDL. Nói cách khác, phải tăng cường công tác kiểm tra của các cơ quan văn hóa”.

Và cuối cùng, mấu chốt vấn đề có lẽ ở chỗ cần nâng cao sự hiểu biết đầy đủ không những của người dân mà còn cả chính những người làm quản lý nữa, về lễ hội, về di sản.  Chỉ có như vậy thì mới chấm dứt được nạn mất tượng cổ, đưa những tượng thờ lòe loẹt, sư tử đá vào những nơi thờ tự; nạn đốt đồ mã “khủng” cùng  tình trạng chen lấn, xô đẩy “cướp ấn” hoặc đặt lễ mà chả biết lễ ai.. - như giáo sư Trần Lâm Biền đã từng nói.

                                                                                       Theo: laodong