Tin tức nổi bật
Nỗi niềm làng gốm Lư Cấm
(Ngày đăng: 22/11/2013   Lượt xem: 1775)

 

Langnghevietnam.vn - Từ lâu, câu chuyện về làng Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) nức tiếng gần xa với nghề làm gốm. Thế nhưng, trước dòng chảy không ngừng của thời gian, làng gốm Lư Cấm đang ngày một mai một dần và đằng sau đó là sự trăn trở, day dứt về một làng nghề nổi tiếng một thời, nay chỉ còn trong hoài niệm…

Chúng tôi tìm về làng gốm Lư Cấm vào một chiều se lạnh, khác với không khí tấp nập, nhộn nhịp trước đây, làng gốm Lư Cấm bây giờ lặng lẽ nằm nép mình bên dòng sông Cái. Theo những bậc cao niên trong làng kể lại rằng, thuở ấy, cách đây khoảng chừng 200 năm, làng gốm phát triển mạnh, nhà nhà làm gốm, bếp nung cả làng lúc nào cũng đỏ lửa. Làng Lư Cấm từ đó tiếng nổi như cồn, chuyên sản xuất các sản phẩm chính như lu, vại, bình, lò... Sản phẩm gốm Lư Cấm theo những chuyến xe có mặt ở khắp mọi nơi, thương hiệu gốm Lư Cấm nổi tiếng khắp vùng. Chính nghề này đã đưa làng Lư Cấm trở thành một điểm sáng thời đó.


             

                             Sản phẩm của làng gốm Lư Cấm chỉ còn lại là những chiếc lò nung bình dị.

Qua nhiều thế hệ, làng Gốm Lư Cấm sản sinh ra nhiều nghệ nhân với tay nghề điêu luyện, đã dùng đôi tay của mình để tạo ra những sản phẩm bền, đẹp làm mê hồn khách thập phương. Thế nhưng trải qua nhiều biến cố, người dân dần chẳng mấy mặn mà với cái nghề cha ông để lại, lần lượt bỏ nghề. Gọi là làng gốm nhưng tính đến nay chỉ còn lác đác vài ba hộ duy trì được nghề, với sản phẩm duy nhất là lò nung.

Dạo quanh các lò gốm, chúng tôi bắt gặp những bàn tay đang làm việc không ngơi, khéo léo, cắt vuốt, xoay nặn, đôi mắt vẫn không rời khỏi những “đứa con” suốt một đời chăm chút. Chiếc lò nung nhìn thì đơn giản nhưng để làm được nó lại không đơn giản chút nào, để ra đời một chiếc lò cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đất thô sau khi mua về phải được tưới nước cho mềm, nhuyễn, sau đó sẽ được cho lên bàn xoay để tạo ra những hình dáng thô sơ ban đầu của sản phẩm. Khi đã xong phần thô, những chiếc lò sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại thật trơn, phủ lên một lớp đất sét đậm đặc để khi nung lò có màu đỏ.
            

                                       Chiếc lò nung dần hiện ra qua bàn tay khéo léo của người thợ gốm.

Gắn bó với nghề làm gốm ngay từ còn nhỏ ông Lê Văn Chương cho biết: “Nghề cha ông để lại, đến nay đã được 4 đời, từ nhỏ đã thấy ông cha làm rồi. Khi lớn lên, được người lớn trong nhà cầm tay chỉ việc, làm dần thành quen sau này thành cái nghề nhưng chắc đến đời tui nữa là hết thôi”.

Ngày nay, khó khăn của người làm gốm Lư Cấm là vùng nguyên liệu ngày càng cạn kiệt, phải đầu tư nhiều thời gian, công sức mà thu nhập lại chẳng đáng là bao. Bên cạnh đó, trong điều kiện khoa học phát triển, nhiều sản phẩm như bếp gas, bếp điện đã dần thay thế những chiếc lò nung nên thị trường tiêu thụ cũng ngày càng khó khăn. Anh Năm, người đã hơn 30 năm theo đuổi nghề cho biết: “Công việc vất vả, mỗi ngày tôi làm cũng được khoảng 15 – 20 cái, mỗi cái có giá 20.000 đồng, mỗi tháng thu nhập khoảng 3.5 triệu đồng, cũng chỉ đủ để chúng tôi trang trải cuộc sống qua ngày”. Người dân Lư Cấm chẳng mấy ai còn thiết tha với cái nghề này nữa, cũng vì thế mà gốm Lư Cấm đang “sống mòn” và đứng trước nguy cơ bị mai một. “Ngày xưa, cả làng ai cũng làm gốm, họ sống nhờ gốm chứ còn bây giờ người ở lại thì bỏ nghề, lớp trẻ thì lập nghiệp phương xa, chẳng còn ai mặn mà với gốm cổ nữa cả”, ông Chương buồn bã nói. Khó khăn vất vả là vậy nhưng những người thợ gốm vẫn gắn bó với nghề bởi đơn giản với họ đó là nghề truyền thống do cha ông để lại.

Dù đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm nhưng nghề làm gốm ở Lư Cấm không còn được như xưa, những người thợ gốm tên tuổi làm nên thương hiệu gốm Lư Cấm giờ cũng chẳng còn lại được mấy người. Có chăng nữa thì nghề làm gốm Lư Cấm chỉ còn thấy ở những thợ gốm đầy tâm huyết muốn nối tiếp nghề truyền thống. Niềm mong mỏi của họ không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực?...

Hằng năm, làng gốm Lư Cấm đón nhiều lượt khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Những nghệ nhân vừa làm bếp lò vừa tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, níu người ta trở về với những giá trị xưa cũ đồng thời cũng là cơ hội để họ có thể gắn bó với nghề. Mặc dù vậy nhưng để bảo tồn một làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một thực sự là một bài toán nan giải, không phải là chuyện một sớm một chiều và rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước. 

                                                                                                     Bài và  ảnh: Ng. Tâm

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.670.576
Tổng truy cập: