TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(38)- Chuyện con sâu trong cây dó trầm Hà Tĩnh “bị” bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài
(Ngày đăng: 24/06/2024   Lượt xem: 50)

Chuyện thật như đùa về con sâu trong cây dó trầm xứ Hương Khê (Hà Tĩnh) “bị” bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài đang đặt ra nhiều vấn đề trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

4.jpg
 
 
Con sâu trong thân cây trầm hương Phúc Trạch.

Con sâu “bị” bảo hộ ở nước ngoài được nhắc đến ở đây là con bù xè (ấu trùng chuyên ăn thân cây trầm hương). Với cây dó, để có trầm hương tự nhiên, cần các loài ấu trùng đục khoét, ăn sâu vào trong thân cây. Sau đó, cây dó sẽ tự chữa lành vết thương bằng việc tiết ra tinh dầu, sau nhiều năm sẽ kết tinh thành trầm hương. Dù khoa học công nghệ phát triển, con người có thể thay thế ấu trùng để tạo vết thương trên thân cây dó, song giá trị trầm nhân tạo luôn thua kém trầm tự nhiên vài bậc.

Ở huyện Hương Khê có làng trầm hương nổi tiếng là xã Phúc Trạch. Không có thống kê chính thức nhưng theo lãnh đạo địa phương thì có gần 100% hộ gia đình ở Phúc Trạch có trồng cây dó trầm (tổng diện tích ước tính khoảng 300 ha), hằng năm mang về giá trị kinh tế cho người dân trong xã gần 100 tỷ đồng. Tại địa phương đã có làng nghề chế tác trầm hương và nhiều sản phẩm từ trầm hương của các cơ sở sản xuất đạt chuẩn OCOP.
5.jpg
Khi bị ấu trùng đục khoét, cây dó sẽ tự chữa lành vết thương bằng việc tiết ra tinh dầu, lâu dần thành trầm hương (phần màu đen).

Ông Đinh Công Ánh (97 tuổi) là người làm nghề đẽo dó tìm trầm ở thôn 1, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê chia sẻ: Từ trước đến nay, ở xã Phúc Trạch luôn tồn tại một nghịch lý, sâu đục thân cây dó nhiều thì bà con càng vui lên nhiều lần. Trên cây dó trầm trưởng thành thường có những vết thương tròn, rộng bằng đầu đũa do côn trùng gây ra, người dân còn gọi là sâu. Cộng với tác động của nhiều yếu tố, sau một thời gian rất dài cây sẽ sinh ra trầm, thời gian càng lâu, trầm càng có giá trị. Vì thế, ở làng trầm, con côn trùng trong cây dó rất có giá trị. Ngày nay, người dân còn biết đến cách tạo trầm nhân tạo, chứ trước đây thì cây dó không có sâu cũng chỉ là thứ bỏ đi.

Những ngày gần đây, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ trầm hương “tá hỏa” khi đón nhận thông tin: con sâu đục thân trên cây trầm hương Phúc Trạch đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước Hàn Quốc. Đáng nói, cá nhân/đơn vị bảo hộ lại không phải đến từ Phúc Trạch mà có “hộ khẩu” tại Hàn Quốc.
1.jpg
Nhãn hiệu “Phuc Trach Agarwood Larva” (tạm dịch là: Ấu trùng Trầm hương Phúc Trạch) đã được bảo hộ nhãn hiệu tại Hàn Quốc.

Ông Hàn Tường Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Concetti (Hà Nội) cho biết, qua công tác tra cứu nhãn hiệu, chúng tôi phát hiện nhãn hiệu “Phuc Trach Agarwood Larva” (tạm dịch là: Ấu trùng Trầm hương Phúc Trạch) đã được bảo hộ nhãn hiệu tại Hàn Quốc. Với việc họ đăng ký bảo hộ ở nhóm 3 thì có nghĩa là các sản phẩm tinh dầu trầm hương khi mang nhãn hiệu “Trầm hương Phúc Trạch” nếu xuất khẩu qua Hàn Quốc sẽ có nguy cơ không được thông quan vì bị cho là hàng nhái, hàng giả. Cùng đó, các đơn vị ở Việt Nam thực hiện đăng ký nhãn hiệu mang tên “Trầm hương Phúc Trạch” tại đất nước Hàn Quốc cũng sẽ bị từ chối do cụm từ này phần lớn trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Dù chúng ta có thể thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ bảo hộ đó nhưng sẽ tốn nhiều công sức, kinh phí và thời gian (không dưới 2 năm).

Dù chưa rõ dụng ý của cá nhân/đơn vị ở nước bạn thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Phuc Trach Agarwood Larva”, nhưng ở một khía cạnh nào đó, chúng ta tự hào khi sản phẩm của địa phương đã được người dân Hàn Quốc biết đến, thậm chí là đánh giá cao về chất lượng và tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, nhìn sâu xa, sự việc này đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm trầm hương nói riêng, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu nói chung.
3.jpg
Trong môi trường thương mại điện tử, khi "bị" đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, trầm hương Phúc Trạch cũng như các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bị “mất” thương hiệu là rất cao

Thời gian qua, chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc Việt Nam “bị mất thương hiệu” ở nước ngoài, như: “Kẹo dừa Bến Tre”, “Cà phê Trung Nguyên”, “Cà phê Buôn Mê Thuột”, “Thuốc lá Vinataba”, “Nước mắm Phú Quốc”, “Võng xếp Duy Lợi”, “Petro Vietnam”... và gần đây là: “Gạo ST25”, “Phở Thìn”. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng chưa thực sự chủ động trong việc trang bị và thực hiện đầy đủ các biện pháp về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, sự chuyển đổi về mô hình kinh doanh cũ sang thương mại điện tử thì nguy cơ các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bị “mất” thương hiệu là rất cao.

Ông Trần Mạnh Hùng – Trưởng phòng Quản lý Công nghệ - Chuyên ngành (Sở KH&CN Hà Tĩnh) phân tích: Để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở, doanh nghiệp thường không quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hoặc có thực hiện đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, nhưng không chú ý một đặc điểm quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là “bảo hộ theo phạm vi lãnh thổ”. Do đó, các chủ thể “vô tư” thực hiện các hoạt động chào bán, liên kết chào bán sản phẩm, hàng hóa ra nước ngoài mà không thực hiện các biện pháp bảo hộ tại các thị trường mình xuất khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, hệ quả của việc mất tài sản sở hữu trí tuệ ở nước ngoài sẽ dẫn đến các vấn đề như: Mất thị trường, mất cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài; phải đối mặt với rủi ro bị kiện tụng, chặn hàng xuất khẩu ở biên giới của nước nhập khẩu và bồi thường thiệt hại; phải bỏ rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để đòi lại chính thương hiệu của mình; không được hưởng các lợi ích có được từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết gần đây như CPTPP, EVFTA và RCEP…”
130d3223502t23116l0
Hà Tĩnh đang có nhiều sản phẩm được xuất khẩu, đặt ra vấn đề về sở hữu trí tuệ để tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Theo số liệu thống kê, Hà Tĩnh đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài như: Bánh ram Anh Thu (Thạch Hà), bánh ram Nam Chi (thành phố Hà Tĩnh) xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; Cu đơ Bà Hường (Hương Sơn) xuất khẩu sang thị trường New Zealand; Bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản; Sứa Mai Dung (Thạch Hà) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Nước mắm Luận Nghiệp (thị xã Kỳ Anh) xuất khẩu sang thị trường Nga và đang hoàn thiện hồ sơ xuất sang Úc… Ngoài ra, một số sản phẩm khác đang tiếp cận thị trường Đông Nam Á và xuất khẩu dưới hình thức phụ thuộc về thương hiệu.

Điều này cho thấy, nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa của Hà Tĩnh trong thời gian tới sẽ rất lớn và là xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế. Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra cho tỉnh và các cơ sở, doanh nghiệp về nội dung sở hữu trí tuệ để giúp các sản phẩm của tỉnh chủ động trong tiếp cận các thị trường nước ngoài và đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định của quốc tế về sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu.
2.jpg
Hà Tĩnh vừa tổ chức hội thảo khoa học “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài - quy định pháp luật và thực tiễn”.

Ông Phan Trọng Bình – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, do đặc điểm “bảo hộ theo phạm vi lãnh thổ” của sở hữu trí tuệ nên khi thực hiện đăng ký quốc tế, các cơ sở, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về pháp lý và những vấn đề thực tiễn phát sinh trong suốt quá trình đăng ký, bảo vệ quyền và xúc tiến thương mại tại mỗi quốc gia. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp lý và những vấn đề thực tiễn sẽ phát sinh khi đăng ký bảo hộ tại một số quốc gia có thị trường xuất khẩu tiềm năng. Qua đó, giúp các cơ sở, doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh chủ động, hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình tham gia hoạt động thương mại quốc tế; sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh khi ra thị trường quốc tế.

                                                          Theo: baohatinh.vn 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.631.755
Tổng truy cập: