TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Phát triển văn hóa - Khơi nguồn di sản trong thời đại số - Bài 1: Vui buồn bên lề di sản
(Ngày đăng: 01/06/2024   Lượt xem: 37)

LTS: Văn hóa và các di sản văn hóa chính là hồn cốt, nền tảng quan trọng, dòng chảy xuyên suốt tạo nên lịch sử hơn mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số; việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của các bộ ngành liên quan, các cấp chính quyền và chính người dân đang “sống cùng” di sản.

Di sản Tràng An (Ninh Bình) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước
Di sản Tràng An (Ninh Bình) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước

Theo UNESCO, di sản văn hóa là di sản của các hiện vật vật thể và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm, tổ chức, hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau. Việc giữ gìn, phát huy giá trị các di sản luôn là yêu cầu bức thiết và có nhiều thách thức đi kèm. Nhưng, trước khi giải bài toán đầu tư và khai thác các di sản như thế nào, thì câu chuyện của những người dân đang sống bên lề di sản rất cần được quan tâm.

Chuyện ở cố đô Hoa Lư

Đến Ninh Bình vào những ngày đầu tháng 5 vừa qua, thật bất ngờ khi thấy du khách quốc tế đông chưa từng thấy. Tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, có những thời điểm, đò chở khách phải hoạt động hết công suất. Tràng An mê hoặc du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ của hệ thống núi đá vôi hơn 250 triệu năm tuổi và hệ sinh thái đa dạng như rừng ngập nước, rừng núi đá vôi, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học, được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép vào năm 2014.

Di tích Tràng An đang được khai thác tốt, góp phần đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (TripAdvisor, Telegraph, Business insider...) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng du khách, đời sống của những người dân ở trong vùng di sản cũng có sự đổi thay rõ nét.

Chị Hà Thị Thọ (50 tuổi, thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân) cho biết, gia đình chị ở trong vùng di sản Tràng An nên các anh chị em trong gia đình đều làm nghề dịch vụ phục vụ du khách. Bản thân chị làm nghề chèo đò đã nhiều năm nay, chèo 1 chuyến đò được công ty trả 200.000 đồng, ngày ít chèo 2-3 chuyến, ngày nhiều được 5 chuyến. Mức thu nhập như vậy cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp trước đây.

Cố đô Hoa Lư cũng nườm nượp du khách. Ông Giang Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Lịch sử Văn hóa cố đô Hoa Lư cho biết, năm 2023, khu di tích này đón 436.519 lượt khách, tăng 154% so với năm 2022; trong đó, khách quốc tế 190.636 lượt, tăng 255% so với năm 2022. Đầu năm 2024, khu di tích này tiếp khoảng 2.000 lượt du khách/ngày, cao hơn cả thời điểm trước dịch Covid-19…

Tại đền thờ vua Đinh, vua Lê, chúng tôi gặp nhiều đoàn du khách nước ngoài chăm chú nghe những câu chuyện về Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh; về sự thăng trầm của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý…

Ông Familie Gluck, đến từ Frankfurt (Đức), cho biết: “Tôi và gia đình đã đi thăm nhiều nước khu vực Đông Nam Á nhưng thực sự ấn tượng với Việt Nam, đặc biệt là quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình, trong đó có cố đô Hoa Lư. Điều tôi thích nhất ở đây là các khu di tích đều giữ được vẻ cổ kính, linh thiêng của nơi thờ tự, không có cảnh mua bán ồn ào làm ảnh hưởng đến cảm nhận của du khách. Các bảo vật quốc gia đều là những “độc bản”, có tuổi đời vài trăm năm”.

Tuy nhiên, đằng sau sự nhộn nhịp của du khách, trong vùng lõi của cố đô Hoa Lư vẫn còn 80 hộ dân sinh sống chưa được di dời. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới di tích mà cả cuộc sống của người dân.

Ông Đỗ Văn Bảng (76 tuổi, thôn Nam, xã Trường Yên, Hoa Lư), một trong số các hộ dân trong diện kiểm đếm để di dời, cho biết, gia đình ông nhiều đời sinh sống ngay trong lòng Khu di tích cố đô Hoa Lư. Hiểu rõ tầm quan trọng của di sản với sự phát triển kinh tế của địa phương, ông và các hộ dân ở đây rất sẵn lòng di dời để trả lại sự nguyên vẹn và tôn nghiêm của di tích.
%6a.jpg
Chị Hà Thị Thọ và nhiều người dân ở thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân, Ninh Bình sống trong vùng di sản Tràng An với nghề chèo đò đưa du khách tham quan

Tuy nhiên, sự chậm trễ của địa phương trong việc triển khai kế hoạch, quy hoạch treo, khiến gia đình ông đang phải sống trong ngôi nhà xập xệ cũ nát mà không được chính quyền cho sửa chữa. Các con ông cũng theo các nghề khác để kiếm sống vì trong vùng lõi di tích không được phép kinh doanh… Tương tự, bà Trần Thị Sen, thôn Tây, xã Trường Yên cũng chia sẻ, dự án quy hoạch trong vùng lõi cố đô đã bị treo hàng chục năm nay, người dân không được trồng cấy, khai thác, trong khi họ chưa thực sự được tạo điều kiện về sinh kế.

Chưa sống được nhờ di sản

Có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng Bắc Ninh lại là một trong những địa phương có mật độ di sản văn hóa đậm đặc, đứng đầu về số lượng với 1.589 di tích, trong đó 651 di tích được xếp hạng. Tính riêng huyện Thuận Thành, chỉ cần đi dọc bờ sông Đuống, cứ khoảng 2-3km lại có một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.

Cách khu di tích đền thờ và lăng mộ thủy tổ Việt Nam Kinh Dương Vương không xa là Luy Lâu - một trong những tòa thành cổ nhất Việt Nam chỉ sau Cổ Loa, là khu di tích lăng và đền thờ Sỹ Nhiếp “Nam giao học tổ” - tổ đình của Nho giáo Việt Nam, là chùa Dâu - tổ đình của Phật giáo Việt Nam, là chùa Bút Tháp - được mệnh danh là danh lam cổ tự với 4 bảo vật quốc gia...

Mặc dù tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhưng những di tích lịch sử, văn hóa ở Thuận Thành ít bị cơn bão “trùng tu” càn quét. Chùa Dâu, chùa Bút Tháp vẫn còn nguyên vẻ cổ kính, thâm u, mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của vùng châu thổ Bắc bộ. Tại chùa Dâu, chúng tôi bắt gặp nhiều du khách từ xa lặn lội về để được chiêm bái ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, đặt ở trung tâm Phật giáo được hình thành sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc thời kỳ nhà Hán là Bành Thành và Lạc Dương.

Anh Nguyễn Duy Thương, thành viên Ban Quản lý chùa Dâu tự hào cho chúng tôi xem 107 tấm mộc bản và 199 mặt ván được khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Đây là nguồn di sản tư liệu phong phú giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự ra đời của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vùng Dâu, về sự ra đời và phát triển của Phật giáo Việt Nam, về các nghi thức cầu mưa, cầu tạnh, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền…

Ở chùa Bút Tháp, chúng tôi cũng bắt gặp những nhiếp ảnh gia, những sinh viên mỹ thuật, kiến trúc đang say mê tìm kiếm những nét đẹp mang hồn cốt dân tộc mà cha ông để lại. Anh Nguyễn Hữu Chiến, Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, cho biết, đặc sắc nhất tại chùa Bút Tháp là pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay và 3 pho tượng Tam Thế, được đánh giá là những tuyệt phẩm điêu khắc. Thế nhưng, những người dân sống cạnh những ngôi chùa cổ này mới chỉ coi đây là một phần đời sống tâm linh chứ chưa nhìn ra đây có thể đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương.

Chị Vũ Thanh (ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thuận Thành) cho biết, với lượng khách rải rác không đều trong năm, những người dân trong thôn không thể trông chờ vào những dịch vụ phục vụ du khách, phải làm nhiều nghề khác để kiếm sống. Các điểm di tích này cũng không có sản phẩm, dịch vụ nào hấp dẫn du khách, bởi những người dân ở đây chưa vào cuộc để cùng phát huy những di sản. Và đó cũng là câu chuyện chung của người dân sống bên cạnh các di tích quan trọng, được xếp hạng di tích đặc biệt, di tích quốc gia tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông để lại

“Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới. Hiện nay, cả nước ta có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (riêng Hà Nội có 21 lễ hội); 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (riêng tỉnh Bắc Ninh đã có 2 di sản văn hóa thế giới là Dân ca quan họ và Ca trù)... Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”.

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021

                                           Theo: sggp.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

41
Đang xem:
72.661.352
Tổng truy cập: