TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(79)- Lạc xứ trầm hương
(Ngày đăng: 31/05/2024   Lượt xem: 92)

Mỗi lần về Nha Trang, trong tôi lại vọng lên câu hò xứ biển vùng sông Cái. Cho dù đã mươi năm qua nhưng giọng hò trong vắt của cô gái làng chài bên tháp Bà vẫn ngọt ngào: “Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Núi cao biển rộng người thương đi về”. Đôi mắt liếc ngang ấy to tròn trên con đò đi dọc sông mê trôi ra biển. Lòng tôi mơ hóa thành một khúc kỳ nam ngát thơm trôi theo nàng tới chân trời. Đó là hồn vía của bà chúa xứ trầm hương hiện trên biển xanh.

Bà chúa thơm

Biểu tượng nụ trầm hương trên đường Trần Phú (thành phố Nha Trang) tựa một nốt lặng trong bản nhạc dạt dào của bãi biển xinh đẹp. Câu chuyện về trầm hương của xứ sở Khánh Hòa bắt đầu từ ngọn đồi Ponagar xinh đẹp trên cửa sông Cái. Nơi đây người dân xóm Bóng vẫn múa hát ca ngợi Bà là chúa của những đền thờ Trầm hương tại các khu rừng ở Khánh Hòa. Bởi lẽ thần Ponagar hóa thân từ khúc kỳ nam thơm thảo ngàn năm trên núi cao. Bà được sinh ra từ những nỗi đau của thiên nhiên do phải chịu tội giáng trần của Ngọc hoàng đày xuống trần gian.

Bản thánh ca tôn thờ dâng Bà luôn nhớ tới công ơn người đã khai phá cuộc sống an lành và ấm no cho xứ sở Kauthara (Chăm) ngàn năm sinh thành. Bởi xưa nơi đây là tiểu vương quốc “Tây Quốc Dị” một vùng đất thuộc Chăm (Khauthara) ở Nha Trang. Vương quốc Chăm này còn mở rộng tới vùng đất Phú Yên đều thờ thần Ponagar (Thiên Y Ana). Đã lâu, dân từ đỉnh núi Đại Lãnh điệp trùng đã truyền đi lời sấm: “Tỉnh Khánh Hòa đậm đà mưa nắng/ Non chồng nghĩa nặng, nước chứa tình thâm/ Ngọn gió bay phảng phất hơi trầm/ Mây xây tháp bút, trăng dầm bến ngân”.
2-tháp bà thờ ponagar tổ trầm đất khánh hòa.jpg -0

 
Tháp Bà thờ Ponagar, tổ trầm đất Khánh Hòa.

Một rừng núi linh thiêng ngát hương trong gió biển. Xứ sở thánh địa trầm này đã đổ máu vì quân cướp biển tới quấy nhiễu và tàn phá khu đền Ponagar. Bởi lẽ nơi đây được coi là kho báu có một không hai được tích lũy bao đời trải qua những tiểu vương quốc Chăm hiến tế thần Ponagar. Những ông Hoàng, bà Chúa khắp nơi đã dâng lễ cho Bà để cầu sự bình an và phát triển. Cứ chiểu theo gần 20 bia đá khắc trên đồi mới thấy họ đã hiến tặng cho bà chúa xứ sở không biết bao nhiêu vàng bạc châu báu.

Thậm chí có những đêm ngọn đồi phát sáng tạo nên không gian lấp lánh ánh trăng từ đáy sông Cái hắt lên vàng ửng như mật ong vậy. Khi ấy hương trầm trong những trụ kỳ nam tượng trưng thánh bà Ponagar bay lên bầu trời những đám khói thẳng vút thơm ngào ngạt. Dàn kèn Saranai réo rắt trong đêm tối vang lên như hiệu lệnh cho một nghi lễ bắt đầu. Nhưng ánh vàng quyến rũ ấy đã dụ những tên cướp biển tìm đến. Các bộ tộc Chăm chặn đánh cướp biển khắp nơi. Cuộc tàn sát đẫm máu đã xảy ra. Dân tình và nhà cửa bị tàn phá nặng nề.

Bọn cướp biển dàn quân tiến lên vơ vét vàng bạc châu báu và đốt phá đền đài tháp Bà. Dựa vào bia ký ghi lại số của cải vàng bạc ngọc ngà bị cướp đi thật sự khổng lồ. Trong đó có pho tượng nữ thần đúc bằng vàng ròng. Sau đó vua Chăm đã cho hàng chục chiến thuyền đuổi bắt cướp biển. Không ngờ những con tàu chở đầy của cải cướp được đã bị trúng đạn chìm dưới đáy biển sâu (bia ký ghi sự kiện xảy ra năm 950). Những câu thơ của Chế Lan Viên một thời đã ghi dấu ấn: “Đây những Tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than”. (Trên đường về). Đền thờ và tượng đá ngọc hiện nay do vua Jaya Indravarman I dựng năm 965 cùng với giai đoạn dựng lại đền thờ Ponagar. Không gian của những đền đài còn trụ vững ngàn năm trên đồi Ponagar (hay còn gọi là đồi Ngọc) ngày càng linh thiêng với hình ảnh thân cây kỳ nam thần bí tỏa hương.

Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm

Ai cũng biết, Khánh Hòa là nơi có số giờ nắng nhiều nhất nước ta. Rừng núi phía tây vùng đất bazan nơi đây màu mỡ chạy từ Tây Nguyên xuống tận vịnh biển Nha Trang. Những cánh rừng cây Dó bầu nguyên sinh một thời lại nhận không gian tiểu khí hậu hai dòng hải lưu (nóng và lạnh) từ biển nên phát triển mạnh. Đây là gốc dinh dưỡng của “mỏ” trầm hương và kỳ nam từ cổ xưa ở vùng đất Khánh Hòa. Dân gian lưu truyền rằng: “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/ Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm/ Đôi lứa ta như quế với trầm/ Trời xui đất khiến sắt cầm gặp nhau”. Mới đây chúng tôi có dịp về Vạn Giã càng thấy rõ nghề khai thác trầm ở đây vẫn luôn sôi động như ngày nào. Những câu chuyện “Ngậm ngải tìm trầm” xưa chỉ còn là huyền tích nhưng nghiệp của những kẻ đi săn kỳ nam cho tới nay vẫn luôn là sự bí ẩn khôn lường.

Nghệ nhân Minh Thanh ở làng nghề khai thác trầm Phú Hội 1 (thị xã Vạn Giã) cho biết, hiện kho báu kỳ nam (trầm hương trăm năm) trên rừng Khánh Hòa đã cạn kiệt. Bởi lẽ mỗi cân kỳ nam có giá tới bạc tỷ nên hàng trăm năm qua những cây Dó bàu lớn đã bị đốn chặt gần hết. Phần lớn rừng Dó bàu mới được dân trồng vài chục năm qua là nguồn nguyên liệu sinh trầm dồi dào trong tương lai.

Tuy vậy việc đi tìm trầm tự nhiên trên rừng núi Tây Nguyên vẫn luôn hấp dẫn những kẻ đi “điệu trầm” (còn gọi là dân đi “địu”). Nghề làm phu sơn tràng đi tìm trầm hương luôn gặp hiểm nguy nơi rừng thiêng nước độc. Họ thường phải đeo bùa ngải (chính là túi thuốc giải độc) để phòng bệnh tật và chống côn trùng khi ăn uống và ngủ lại rừng sâu.

Khi vào xưởng xoi (tỉa lọc) trầm của nghệ nhân Minh Thanh chúng tôi mới biết chỉ có cây Dó bầu mới tạo được trầm hương hay kỳ nam. Anh nói có không ít cây thân gỗ khác cũng chiết xuất được tinh dầu thơm nhưng không được gọi là trầm hương. Bởi lẽ trầm hương chính là một loại nhựa hay còn gọi là mủ Dó bầu tự tiết ra để chữa những vết thương trên thân cây. Những vết thương này dễ xảy ra tự nhiên như bị gãy đổ, sâu kiến đục khoét, hoặc bị thú dữ gặm nhấm. Đặc biệt những vết thương do bị cưa cắt hoặc đục sâu vào thân cây thì nhựa Dó bàu càng ứa ra nhiều ngấm vào thớ gỗ. Những đoạn gỗ thấm nhựa (mủ) tỏa mùi thơm chính là nguyên liệu trầm hương.
7-nghề xoi trầm và sản xuất các sản phẩm từ trầm hương.jpg -1

 
Nghề xoi trầm và sản xuất các sản phẩm từ trầm hương.

Nghệ nhân Minh Thanh bày ra những sản phẩm làm từ trầm hương cho chúng tôi xem. Đó là những hộp hương thanh hay nụ trầm (hình tháp); hoặc bên cạnh là những lõi trầm tạo hình độc đáo; cùng với đó là hàng chục loại vòng hạt gỗ trầm đủ kích cỡ. Đây là những loại hàng bán theo lượng trầm chứa nhiều hay ít trong thân gỗ. Do vậy giá cả vô cùng biến động có miếng gỗ lũa trầm quý có giá hàng trăm triệu đồng.

Nghệ nhân Minh Thanh đốt thử vài loại gỗ trầm để chúng tôi phân biệt độ đậm hương thơm của mỗi loại. Anh còn giới thiệu cho chúng tôi những loại tinh dầu và nước hoa được chế biến từ chiết xuất trầm hương (Do một số công ty mỹ phẩm quốc tế sản xuất). Đó chính là nguồn đinh hương từ trầm hay kỳ nam để sản xuất mỹ phẩm cao cấp. Ấy là chưa nói trầm hương còn là vị thuốc quý hiếm có tính trị độc và kháng sinh mạnh.

Nghi lễ tổ nghề trầm hương

Năm nay, Hội trầm hương Khánh Hòa tổ chức dâng hương bái tổ nghề bà mẹ xứ sở Ponagar (2/3 âm lịch); đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Nha Trang (1924-2024). Những vũ công của các làng nghề hội tụ biểu diễn với nghi lễ linh thiêng. Đây là sự thể hiện lòng thành kính tôn vinh mẹ xứ sở đã sinh ra năng lượng trầm hương lan tỏa trên đất biển Khánh Hòa. Thậm chí Bà còn tạo nên một thứ trầm quý (kỳ nam) chỉ có ở Việt Nam. Hàng chục loại trầm hương được chế tạo để dâng lên trong lễ tưởng nhớ công ơn đức Bà.

Nhịp điệu cuộc sống nơi đây luôn rộn ràng trong lời ca Chăm say mê: “Apsara là đá, là mây hay lửa/ Trên đồi Bà bất chợt hiện về/ Mặc ma hời than khóc u mê/ Ngực trăng trầm thơm trên tháp nắng”. (Vũ điệu Chăm - Quách Xương). Nào trầm hương Vạn Giã, Tu Bông của Vạn Ninh; nào trầm hương Bình Dương, Diên Khánh… Tất cả tạo nên rừng trầm bạt ngàn trên đồi Bà. Những cô gái mang tượng hình Apsara đội trên đầu những vương miện gỗ thơm xinh đẹp. Bản giao hưởng đất nước vang trên đồi cao chào đón thành phố biển Nha Trang rợp trời chim yến. Khi đó nghi lễ bắt đầu trong khói trầm bay lên với linh hồn mẹ xứ sở trở về trên đồi cao ngát hương.

                                     Theo: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

52
Đang xem:
72.661.762
Tổng truy cập: