TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, kết nối cộng đồng tại bảo tàng
(Ngày đăng: 17/05/2024   Lượt xem: 79)

Theo ý kiến chuyên gia, các bảo tàng nên phối hợp với các đơn vị, nhà trường tổ chức thêm nhiều hoạt động giáo dục, đa dạng hóa nội dung học tập tại bảo tàng.

Khách tham quan phòng trưng bày Văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khách tham quan phòng trưng bày Văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Để thu hút khách tham quan, tăng cường hiệu quả giáo dục, các bảo tàng sẽ phải nghiên cứu, tìm ra cách trưng bày sáng tạo và tổ chức các hoạt động hấp dẫn công chúng.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong toạ đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng - Kết nối cộng đồng” do Bảo tàng Hà Nội tổ chức ngày 17/5.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ, cùng với quá trình phát triển lịch sử, bảo tàng có một vai trò ngày càng lớn trong xã hội, chức năng của bảo tàng luôn được bổ sung, đáp ứng nhu cầu người dân.

Trong thế kỷ 21, thử thách lớn nhất mà tất cả các bảo tàng phải đối đầu chính là sự khẳng định:“Các bảo tàng là để dành cho con người và do đó tương lai của các bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rõ.”

Năm 2024, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng trên toàn thế giới xây dựng hoạt động với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu.” Do đó, nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), Bảo tàng Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề này.
baotang1.jpg

Trẻ em tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Với vai trò là một thiết chế văn hóa gắn với giáo dục, khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo của công chúng và hướng tới các nhóm cộng đồng giáo dục, Bảo tàng Hà Nội mong muốn ý kiến chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức các hoạt động giáo dục và gợi ý cho các hoạt động trong tương lai,” ông Đặng Minh Vệ nói.

Tại tọa đàm, các đơn vị từng phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện về ý tưởng, hành trình khi xây dựng chương trình giáo dục; các hoạt động giáo dục đã thực hiện.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiện nay, đối tượng tham quan bảo tàng phần lớn là học sinh, sinh viên các trường theo chương trình giáo dục trải nghiệm, vì thế các bảo tàng cũng nên phối hợp với các đơn vị, nhà trường tổ chức thêm nhiều hoạt động giáo dục, đa dạng hóa nội dung học tập tại bảo tàng.

Di tích hóa thạch các sinh vật sống trên trái đất cách đây hàng trăm triệu năm được vỏ trái đất lưu trữ gần như nguyên vẹn, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Đạo diễn, nhà sản xuất, MC truyền hình Ninh Quang Trường cho rằng bảo tàng cần hiểu được “cốt lõi” nhu cầu của người đến thưởng thức, từ đó thiết kế những sản phẩm phù hợp, cung cấp lượng thông tin thích hợp và chọn cách kể chuyện sao cho cuốn hút.

Ông Ninh Quang Trường cho rằng người làm bảo tàng cần phải nghĩ ra những từ khóa để thu hút công chúng đến với mình, phải dò tìm “long mạch” - nắm bắt nhu cầu của khách tham quan để xây dựng chương trình hấp dẫn, có tính giáo dục nhưng cũng phải có yếu tố giải trí.
ninhquangtruong.jpg

Đạo diễn Ninh Quang Trường (giữa) chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đóng góp ý kiến, bà Lê Thị Liên, cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng bảo tàng và cộng đồng có mối quan hệ tương hỗ sâu sắc. Bảo tàng ra đời để phục vụ cộng đồng, mang lại cho công chúng những giá trị và trải nghiệm quý giá. Tuy nhiên, giá trị đó không chỉ nằm ở những hiện vật trưng bày trong tủ kính, mà còn thể hiện ở trách nhiệm của những người làm bảo tàng và giáo dục.

“Đó là làm sao để công chúng có thể cảm nhận, hiểu và lưu giữ ấn tượng tốt về di sản. Để đạt được điều này, cần phải nhìn từ góc độ của công chúng, từ đó đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và trải nghiệm. Thêm vào đó, chúng ta cần kết nối với các đơn vị, tổ chức, và doanh nghiệp có liên quan để đưa vai trò của bảo tàng đến gần hơn với công chúng,” bà Liên nói./.

Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ một kho tàng di sản quý giá trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, xã hội của Thủ đô. Với lợi thế không gian lớn, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ở khuôn viên bảo tàng, gồm các trò chơi dân gian, chợ Tết, ngắm trăng Trung thu...

Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, giao lưu với các nghệ nhân. Nhiều hoạt động hấp dẫn du khách trải nghiệm như: Làm tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, gốm Bát Tràng… và các chương trình biểu diễn nghệ thuật như múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm…

Ngoài ra, Bảo tàng còn tổ chức nhiều chương trình có sự tham gia của người khuyết tật đến từ các doanh nghiệp xã hội như Vụn Art, Kym Việt…

                                            Theo:  vietnamplus.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.661.937
Tổng truy cập: