TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Xây dựng thương hiệu cho hàng thủ công
(Ngày đăng: 26/10/2011   Lượt xem: 791)

Người Việt Nam nổi tiếng với những làng nghề truyền thống. Nhiều mặt hàng thủ công phong phú tinh xảo và lạ mắt được ưa chuộng ở nhiều thị trường, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này của chúng ta đang ngày một tăng.

festivallangnghe634479804045000000.jpg

Nhưng điều đáng buồn là hiện nay, hàng thủ công vẫn chưa thể được “khai sinh” khi mà sản phẩm của chúng ta trên đường xuất khẩu đang tự làm mất đi tên tuổi tuổi của chính mình.

Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam như mây tre, gốm sứ, hàng thêu,... được làm tỷ mỷ bằng tay nên rất đẹp và độc đáo khiến các sản phẩm thủ công của Trung Quốc, Thái Lan đã không thể cạnh tranh được vì họ làm nhiều chi tiết bằng máy. Đây là thế mạnh của chúng ta khi phải cạnh tranh với những sản phẩm đã xuất hiện từ lâu trên thị trường. Mặt hàng thủ công được các nước phương Tây ưa chuộng, chỉ tính riêng nước Mỹ mỗi năm phải nhập 55 tỷ USD các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Hơn nữa mặt hàng này hầu như không phải chịu những rào cản về thương mại so với những mặt hàng khác, nhưng hiện nay các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vẫn không phát huy được thế mạnh.

Những doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh chuyên về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không nhiều, chủ yếu là các cơ sở đang tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu trực tiếp là chưa có sự hiểu biết về các thị trường cũng như cách thức để giới thiệu sản phẩm khi tiếp cận thị trường. ở mỗi thị trường khác nhau, khách hàng có một sở thích và lựa chọn khác nhau, trong khi chúng ta lại có thói quen sản xuất một mặt hàng và giới thiệu, xuất đi tất cả các thị trường.

Người phương Tây rất chuộng những sản phẩm mới mang tính thời trang, còn các cơ sở của ta lại sản xuất theo kiểu mình có sẵn chứ không phải là thị trường cần nên không đáp ứng được thị hiếu. Ngay cả khi có được những đối tác để xuất khẩu với một số lượng lớn, doanh nghiệp cũng không đáp ứng được do năng lực sản xuất còn quá thấp, phần lớn là các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ và rất thủ công. Điều này khiến các đối tác không hài lòng khi đặt quan hệ làm ăn lâu dài. Doanh nghiệp chưa hiểu biết cặn kẽ những nguyên tắc khi tiêu thụ sản phẩm cũng như thủ tục pháp lý nên gặp nhiều khó khăn, sản phẩm không tiêu thụ được hoặc bán theo kiểu “hàng chợ chiều”. 

Những doanh nghiệp chưa có khả năng xuất khẩu trực tiếp sẽ phải thông qua các nhà nhập khẩu và các hệ thống phân phối đã khiến sản phẩm bị trượt giá rất nhiều. Bà Phạm Thị Dung, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại quốc tế Hoàng Gia chuyên sản xuất hàng thêu thủ công, bức xúc: “Một sản phẩm trong nước giá bán chỉ khoảng 100 USD. Nhưng nhà phân phối bán tại nước ngoài có thể gấp từ 5-7 lần, công sức người lao động bỏ ra như vậy xót lắm”...

Trong khi năng lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu và ít chú trọng đến thị trường nước ngoài thì các doanh nghiệp nước ngoài đã nhận thấy tiềm năng của làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đem lại. Những mặt hàng thủ công hiện đang chiếm nhu cầu lớn trong trang trí nội thất và mặt hàng quà tặng vào những dịp lễ trong năm của người phương Tây, trở thành một ngành kinh doanh rất có lãi. Qua những mặt hàng thủ công mà họ từng biết đến khi đi du lịch sang Việt Nam, nhiều doanh nhân nước ngoài đã tìm đến đầu tư hợp tác xuất khẩu trực tiếp tại các làng nghề. Trên những chất liệu cổ truyền và bằng bàn tay khéo léo của người thợ thủ công đã tạo ra những sản phẩm độc đáo hơn rất nhiều.Vốn đã tham gia vào thị trường này nhiều năm nên họ hiểu đặc trưng văn hoá của khách hàng từng nước khi kết hợp mẫu mã và phong cách khác nhau vào tác phẩm.

Mất tên tuổi khi lên đường “xuất ngoại”?

Đơn cử như ở Bát Tràng, hiện nay có hàng trăm hộ gia đình mở xưởng hợp tác với các công ty của Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản,... để xuất khẩu sản phẩm gốm sứ. Các công ty này đứng ra đầu tư về công nghệ như mua lò ga thay cho lò nung, nhập khẩu cả nguyên liệu làm gốm từ nhiều nơi để đa dạng hơn về mẫu mã. Cơ sở tại làng nghề sẽ lo tuyển dụng nhân công với tay nghề cao để sáng tạo tác phẩm theo đặt hàng của các công ty này. Với những chất liệu cao cấp và công nghệ hiện đại, cộng với đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm với chất lượng và giá trị nghệ thuật của gốm Bát Tràng được nhiều thị trường yêu thích. Nhưng điều đáng buồn là khi những sản phẩm này được xuất khẩu đã không còn mang tên xuất xứ hay một chỉ dẫn địa lý cho gốm Bát Tràng mà mang một cái tên khác của chính công ty này hay tên của một vùng gốm sứ khác. Họ lý giải là vì tên Bát Tràng vẫn rất mơ hồ với khách hàng của họ nếu họ chưa từng đến Việt Nam, những sản phẩm này đến được thị trường bằng uy tín và tên tuổi của chính công ty họ.

Và người làng nghề vẫn chấp nhận điều này mà không hề băn khoăn. Họ chỉ cần biết đến lợi ích kinh tế khi sản phẩm được xuất khẩu. Với họ, sản phẩm của mình làm ra bị mất tên tuổi khi “xuất ngoại” chỉ là chuyện nhỏ, còn chuyện tranh chấp tên Bát Tràng giữa hai thôn Giang Cao và Bát Tràng mới là chuyện lớn, khi cả hai thôn đều muốn nhận là nơi xuất xứ của vùng gốm cổ để tranh chấp hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài. Tinh hoa và tài hoa của người Bát Tràng đã không đi cùng sản phẩm do chính họ làm ra. Trước mắt thì sự hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp những người thợ làng nghề đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và ổn định thu nhập cho người dân. Các chủ cơ sở được tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng và giá trị thẩm mỹ của sản phẩm.

Đây cũng là thực tế chung của nhiều ngành hàng hiện nay. Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thì hiện có 90% hàng Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua các trung gian dưới dạng thô hay gia công cho những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Và một khi chúng ta chỉ xuất khẩu theo hình thức này thì hàng thủ công Việt Nam sẽ vẫn chỉ là một cái tên rất mơ hồ, thậm chí là không có cả tên trên thị trường.

Cái yếu của nhiều làng nghề hiện nay là chưa thành lập được Hiệp hội, hoạt động vẫn mang tính cá nhân, mạnh ai nấy làm và tự khuếch trương cho cơ sở mình. Người dân làng nghề chưa nhận thức được việc phải đăng ký bảo hộ về chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng thủ công của mình cho nên chưa thể được thị trường biết đến, thậm chí sẽ bị chính các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước. Số doanh nghiệp trong nước thấy được giá trị của hàng thủ công Việt Nam không nhiều, cộng với năng lực còn yếu nên đành chấp nhận xuất khẩu sản phẩm dưới một cái tên khác và chấp nhận bị trượt giá. Khi chấp nhận xuất khẩu thông qua các kênh phân phối bán hàng cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm trôi nổi hoặc không có tên hoặc được gắn bằng một nhãn hiệu khác. Thực tế xuất khẩu hàng thủ công của chúng ta chỉ là bề ngoài, thị phần xuất khẩu mặt hàng này của ta thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Sẽ thật là xót xa khi đứa con của mình thai nghén, lại không được mang tên và của mình.

Ông Đỗ Thắng Hải, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại) cho biết: Cục đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong việc tiếp cận các thị trường lớn thông qua việc đưa họ tham gia vào những hội chợ thủ công mỹ nghệ và quà tặng. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình và ký kết những hợp đồng xuất khẩu trực tiếp. Chỉ khi nào có những doanh nghiệp trong nước tự đứng ra làm mọi công đoạn từ tìm hiểu thị hiếu, cải tiến sản phẩm để xuất khẩu bằng con đường chính ngạch,... thì những sản phẩm thủ công mang thương hiệu Việt Nam, được làm ra bằng trí óc, tài hoa và và và của người làng nghề mới hy vọng được “khai sinh”.

Nguyễn Thu

nguồn:  http://vietcraft.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

66
Đang xem:
72.656.745
Tổng truy cập: