TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Phát triển hàng thủ công truyền thống gắn với hoạt động Du lịch
(Ngày đăng: 26/10/2011   Lượt xem: 909)

Hàng thủ công truyền thống là đồ lưu niệm không thể thiếu trong chuyến đi du lịch của du khách. Một sản phẩm thủ công chất lượng tốt được mang về nhà từ một kỳ nghỉ thú vị luôn có sức thu hút để gợi nhớ những kỷ niệm tuyệt vời, thật sự tạo nên mối quan tâm của những người khác khi nhìn thấy nó và khuyến khích họ đến nơi đó.

img1634334699014375000.jpg

Hàng thủ công truyền thống là đồ lưu niệm không thể thiếu trong chuyến đi du lịch của du khách. Một sản phẩm thủ công chất lượng tốt được mang về nhà từ một kỳ nghỉ thú vị luôn có sức thu hút để gợi nhớ những kỷ niệm tuyệt vời, thật sự tạo nên mối quan tâm của những người khác khi nhìn thấy nó và khuyến khích họ đến nơi đó. Ngày nay, khách du lịch không còn bằng lòng với việc nhìn từ xa và chụp ảnh, họ ngày càng muốn tham gia vào nền văn hóa và tương tác với người dân địa phương. Xu hướng hiện nay là các chuyến du lịch cá nhân và tự thiết kế được ưu tiên hơn du lịch trọn gói. Khách du lịch đang tìm kiếm trải nghiệm thực tế, tham gia nhiều hơn và mua sắm hàng thủ công không chỉ dành cho họ sự liên kết với một nền văn hóa khác mà còn nâng cao rất nhiều trải nghiệm du lịch. Từ đó có thể nhận thấy tầm quan trọng của hàng thủ công địa phương trong việc phát triển du lịch và mối quan hệ tương hỗ giữa chúng: hàng thủ công là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch, khiến mức chi tiêu trung bình của mỗi khách du lịch cao hơn; du lịch đóng vai trò như một tác nhân đối với việc bảo vệ và bảo tồn các nghề thủ công truyền thống, các phương pháp sản xuất và nền văn hóa.

                Hà Nam là một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có hàng chục làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng nhưng không kém phần độc đáo, thể hiện sự khéo léo, tài hoa của nghệ nhân và phản ánh một cách tinh tế những nét văn hóa địa phương đặc sắc như lụa Nha Xá, gốm son Quyết Thành, sừng mỹ nghệ Đô Hai, thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi, mây giang đan Ngọc Động, … Đặc biệt làng nghề trống Đọi Tam là một trong những làng nghề lâu đời nhất trong cả nước, tiếng trống Đọi Tam đã từng làm hiệu lệnh trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và vang rền trong các lễ hội lớn của dân tộc như lễ hội 990 năm Thăng Long, SEA GAMES 22 và phục vụ cho lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

                Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh Hà Nam, năm 2010 ước tính các làng nghề thủ công trên địa bàn tỉnh sản xuất được 10.834.000 sản phẩm mây giang đan, 32.763.760 sản phẩm thêu ren, 320.000 sản phẩm gốm, 54.000.000 sản phẩm sừng mỹ nghệ, 4.200.000 m vải lụa. Tuy nhiên, đa số là hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch còn rất hạn chế. Vậy làm thế nào để tăng thị phần sản phẩm phục vụ khách du lịch - vốn là những người có khả năng chi tiêu rộng rãi hơn?

                Thứ nhất là, các làng nghề thủ công truyền thống cần xây dựng chiến lược Marketing hợp lý nhằm phát triển thương hiệu đã có từ lâu đời. Sau đây là một số gợi ý:

                - Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho các làng nghề. Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ tránh được sự xâm nhập của hàng nhái kém chất lượng, làm giảm uy tín của sản phẩm.

                - Mô tả những nét nổi bật của nghề thủ công du lịch, trưng bày những mặt hàng độc đáo với chất lượng hàng đầu và đáng tin cậy tại các triển lãm thương mại.

                Ví dụ như, ưu thế vượt trội của sản phẩm gốm Quyết Thành là đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn, không sử dụng các phụ gia hóa chất và màu đỏ son độc đáo. Đó là một loại đất đỏ như son chỉ có ở làng, người thợ lấy về nghiền nhỏ pha với nước đề nhúng sản phẩm, khi nung có màu đỏ tươi. Theo quan niệm của người phương Đông thì trong gốm hội tụ đủ cả âm dương, ngũ hành: đất là thổ, trong thổ có kim, nước để nhào nặn đất là thủy, củi đốt là mộc và lửa để nung chín là hỏa. Vì vậy, gốm mang lại sự hài hòa, cân bằng cho người sử dụng.

                - Xây dựng các gian hàng cho phép khách du lịch tham gia vào một số hoặc tất cả các công đoạn sản xuất hàng thủ công tại các hội chợ, triển lãm.

                - Bán hàng thủ công thông qua các đại lý chính thức như văn phòng đại diện, các cửa hàng trưng bày dọc tuyến quốc lộ, …

                - Thông qua các lễ hội, sự kiện, cộng đồng địa phương xác định vị trí, tiềm năng bán hàng của họ.

                - Làm cho nghề thủ công chiếm một phần quan trọng trong những chuyến đi làm quen (fam trips) của các phương tiện truyền thông và thương mại du lịch.

                Thứ hai là, các làng nghề cần nghiên cứu các động lực và thị hiếu của khách du lịch nhằm đảm bảo rằng thiết kế và phát triển sản phẩm theo đúng nhu càu nhưng không làm hại đến tính nguyên vẹn văn hóa.

                Ví dụ: Trên chất liệu nõn bóng, mượt mà mang đậm nét cổ truyền vốn có của các sản phẩm lụa, đũi, lanh, tơ tằm, tơ hóa học làng Nha Xá có thể sản xuất những chiếc khăn quàng, cavat, xắc tay, váy áo, … với kiểu dáng, màu sắc hiện đại để khách du lịch sử dụng hàng ngày thay cho các sản phẩm mang tính chất trưng bày trước kia. Cũng có thể làm tương tự đối với hàng thêu ren như sản xuất tranh thêu, khăn tay, rèm trang trí, khăn bàn, …

                Thứ ba là, chúng ta cần tạo cơ hội giáo dục và đào tạo cho các nghệ nhân, người bán buôn, bán lẻ, người điều hành du lịch và cộng đồng địa phương để nâng cao kỹ năng, năng lực của họ trong sản xuất, tiếp thị hàng thủ công địa phương cũng như nhận thức của họ liên quan đến tiềm năng của việc bán hàng thủ công, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm.

                Thứ tư là, cần cung cấp một môi trường thuận lợi cho việc sản xuất và tiếp thị hàng thủ công, cụ thể như trong việc cấp phép, quản lý chất lượng, khung pháp lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nghệ nhân.

                Thứ năm là, cần tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân tiếp cận tín dụng về nguyên liệu thô, vốn hoạt động và vay khởi nghiệp.

                Thứ sáu là, khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng thêm kinh nghiệm về du lịch nghề thủ công vào các tour trọn gói.

                Thứ bảy là, khuyến khích ngành kinh doanh du lịch củng cố mối quan hệ giữa du lịch và nghề thủ công bằng cách đầu tư nghề thủ công địa phương cho các đồ dùng và trang trí trong khách sạn, nhà hàng…

                Để tìm ra hướng đi đúng đắn nhằm phát huy thế mạnh của các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhất là trong mối quan hệ tương hỗ với việc phát triển du lịch, chắc chắn cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ và hơn nữa giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương và chính quyền địa phương. Hy vọng rằng trong những năm tiếp theo, các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Hà Nam đúng với tiềm năng và và và ủa dạng tài nguyên du lịch nhân văn này.

Tập san Văn hoá Hà Nam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

39
Đang xem:
72.657.013
Tổng truy cập: