Mang trên mình sứ mệnh kế thừa, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nhiều người trẻ hiện nay đã và đang góp phần quan trọng trong việc lan tỏa, quảng bá văn hóa, du lịch vùng Đất Tổ thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Tiktok,Youtube, Facebook... họ đang dần trở thành những “sứ giả” văn hóa, du lịch “không chuyên” trên chính quê hương mình.
Cô gái trẻ vùng cao - Nguyễn Thị Thu Hoa, huyện Thanh Sơn không chỉ được biết đến là Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại Trường Foods, gần đây cô cũng đang đồng hành góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, ẩm thực độc đáo vùng Đất Tổ thông qua kênh Tiktok “Hoa Thịt Chua”.
Sở hữu kênh Tiktok với gần bốn nghìn lượt follower, 2.1 triệu lượt thích, Hoa đã tận dụng trang cá nhân của mình để đăng tải các clip ngắn được quay tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Hát Xoan, đồi chè Long Cốc, các làng nghề truyền thống... Chị khéo léo giới thiệu, truyền tải những điểm đặc sắc, hấp dẫn tại mỗi nơi mình đến, mỗi điểm mình dừng chân thông qua các câu chuyện xoay quanh cuộc sống, sinh hoạt đời thường và trong lao động sản xuất của người dân từ trung du đến miền núi. Những clip được đăng tải đã tạo được nét đặc trưng riêng thu hút nhiều lượt tương tác tích cực, trung bình mỗi video có từ vài chục đến vài trăm nghìn lượt xem.
Kênh Tiktok của Hoa giới thiệu về Hát Xoan.
Cùng chung lý tưởng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn vẫn được biết đến với những buổi học, lớp học “không biên giới”. Cùng với công nghệ và sự đổi mới sáng tạo trong cách dạy và học, cô giáo Phượng đã đưa học trò ở huyện miền núi “đi du lịch” vòng quanh thế giới, tìm hiểu, giao lưu văn hóa, ngôn ngữ các quốc gia một cách trực quan, sinh động. Thông qua internet, học sinh Trường THPT Hương Cần có thể giao tiếp, trò chuyện với học sinh nước ngoài trong môi trường học tập xuyên biên giới bằng ngôn ngữ tiếng Anh bằng ứng dụng Zoom và Skype dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của cô.
Cô Phượng từng tâm sự: Cô trò chúng tôi đã không còn bị giới hạn ở bốn bức tường của lớp học nữa mà đã cùng nhau vượt qua biên giới quốc gia tới 51 nước trên thế giới... Mô hình lớp học xuyên biên giới không chỉ giúp học sinh có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài mà còn góp phần giúp lan tỏa văn hóa, ẩm thực vùng Đất Tổ đến với bạn bè quốc tế, điển hình như: Nhà sàn của người Mường, hát Xoan, ẩm thực vùng đồng bào dân tộc thiểu số... để bạn bè quốc tế hiểu hơn về phong tuc, tập quán, tín ngưỡng văn hóa của đất nước Việt Nam.
Cô giáo Hà Ánh Phượng (ở giữa) với những lớp học không biên giới, góp phần lan tỏa văn hóa vùng Đất Tổ đến với bạn bè quốc tế.
Cô giáo Phượng hay cô gái trẻ “Hoa Thịt Chua” chỉ là hai trong số rất nhiều người trẻ thời gian qua đã dùng mạng xã hội để lan tỏa văn hóa truyền thống tới bạn bè trong nước và quốc tế. Còn nhiều tiktoker, youtuber đã tận dụng sự phát triển của công nghệ hiện đại, giới thiệu nhiều điểm du lịch hấp dẫn, những nét văn hóa, lễ hội đặc sắc, món ăn độc đáo ở nhiều nơi trong tỉnh. Họ chính là những thanh niên “bản địa số”, những “sứ giả” mang những nét đẹp văn hóa truyền thống đến gần hơn với cộng đồng khiến người xem phải tò mò, thích thú và tìm đến để trải nghiệm.
Qua những clip đăng tải trên Tiktok của nhiều bạn trẻ, du khách đã tìm đến đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn để tận mắt ngắm nhìn những đồi chè bát úp xanh mướt.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, tiếp cận, khai thác mạng xã hội của những người trẻ với tình yêu quê hương, đất nước đang hứa hẹn trở thành “bảo tàng di động” cho mỗi địa phương. Trách nhiệm, chủ động và nhiệt huyết, những thanh niên hiện nay đang tận dụng hiệu quả mạng xã hội để quảng bá cho chính văn hóa cộng đồng mình, trở thành những “đại sứ” thực tế và hiệu quả nhất tuy nhiên để làm được điều đó, người trẻ phải luôn trau dồi nền tảng tri thức về văn hóa và giữ trong mình lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Theo: baophutho,vn
Xem thêm:
>> Định hướng phát triển các làng nghề tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 đến năm 2020