TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
“Tiếp lửa” cho thanh niên làng nghề
(Ngày đăng: 10/08/2011   Lượt xem: 1081)
Untitled Document

Theo ktdt.com.vn 

Tiếp lửa cho thanh niên làng nghề
Vũ Văn Hải trình diễn tay nghề thêu cho khách. Ảnh: Thiên Tú

KTĐT - Trước tình trạng lớp trẻ tại các làng nghề đang có xu hướng "ly hương" dẫn đến thiếu hụt lao động nghiêm trọng, việc đào tạo nghề và giúp thanh niên làm giàu từ nghề truyền thống là một hướng đi hiệu quả nhằm giữ "lửa" cho làng nghề.

Những “ông chủ” trẻ

Đến làng nghề dát quì vàng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, chúng tôi được người dân trong làng chỉ đến xưởng dát quì vàng Tươi Anh của "ông chủ" trẻ Lê Bá Tươi. Bất chấp thời tiết nóng nực của mùa Hè, hàng chục người thợ trẻ vẫn miệt mài làm việc. Dừng tay nện búa trên những tấm quì , Lê Bá Tươi chia sẻ: "Em biết đến nghề từ nhỏ nhưng năm 2009, em xin phép bố mẹ cho mở một xưởng riêng". Chỉ sau hai năm, xưởng dát quì vàng của chàng trai 25 tuổi đã cho thu nhập 120 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho hơn chục thanh niên trong làng và các tỉnh khác với mức lương 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nghệ nhân Lê Văn Chung, Chủ nhiệm HTX Dát quì vàng Kiêu Kỵ phấn khởi: "Xưởng của Lê Bá Tươi là mô hình duy nhất trong toàn xã thu hút và đào tạo nghề truyền thống cho thanh niên trong làng".

Cũng giống như Tươi, say mê với nghề truyền thống của cha ông, Nguyễn Trọng Hiếu, sinh năm 1982, hội viên trẻ của Hiệp hội gốm sứ xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm cũng ấp ủ ước mơ làm giàu từ nghề gốm. Hiện tại, xưởng gốm của Hiếu cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 20 nhân công với mức lương 2 - 3 triệu đồng/tháng, những lao động có tay nghề cao, mức lương lên tới 7 - 8 triệu đồng/tháng. Hiếu tâm sự: "Thị hiếu của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi những người làm nghề phải thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm liên tục. Do đó, mình phải thường xuyên đọc sách báo, tham khảo trên internet để tìm tòi và thử nghiệm những phương pháp tạo màu men, mẫu hoa văn mới lạ, đáp ứng nhu cầu thị trường". Hay như anh Vũ Văn Hải, sinh năm 1980, làng nghề thêu Đào Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín cũng tìm cho mình hướng đi độc đáo là mở quán cà phê tranh thêu, tạo việc làm cho hơn 10 lao động trẻ trong làng.

Tìm một hướng đi

Bên cạnh số ít thanh niên trẻ gắn bó và thành công với làng nghề như Tươi, Hải, Hiếu, hiện có một thực trạng đáng lo ngại là nhiều thanh niên có tư tưởng thoát ly làng nghề để tìm công việc khác. Nghệ nhân Lê Văn Chung, Chủ nhiệm HTX Dát quì vàng Kiêu Kỵ tỏ ra lo lắng vì tình trạng lớp trẻ tìm đến các thành phố lớn, khu công nghiệp, khiến các làng nghề lâm vào cảnh thiếu thợ, nhất là thợ trẻ có kỹ thuật.

Theo khảo sát mới đây của Thành đoàn Hà Nội, nhiều doanh nghiệp trong làng nghề sẵn sàng bỏ tiền đào tạo nghề miễn phí, trả lương 2 - 3 triệu đồng/tháng cho lao động trẻ nhưng không mấy người mặn mà. Anh Nguyễn Đình Trung, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Thành đoàn Hà Nội cho rằng, cần phải giúp thanh niên làng nghề hiểu đúng về bản chất và hệ luỵ của việc rời làng ra đi. Trong đó, tuyên truyền những mô hình thành công hay các gương thanh niên làm giàu từ nghề truyền thống là một cách làm hay.

TS Tôn Gia Hoá, Trưởng ban Dự án, Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng cho biết, hiện nay giới trẻ đóng vai trò quyết định trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và quảng bá sản phẩm của làng nghề. Do đó, thời gian tới, cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện để những người thợ giỏi được đào tạo trong trường lớp chính qui. Đồng thời, lớp người cao tuổi cũng phải có trách nhiệm xác định các giá trị cần bảo tồn, sẵn sàng truyền đạt cho lớp trẻ. Đây cũng là một hướng giữ chân thanh niên ở lại với làng nghề, bởi qua đó họ thấy được rằng phát triển làng nghề là trách nhiệm và cũng là một hướng làm giàu hiệu quả ngay tại quê hương.q

Đầu tháng 7 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức Hội thi "Bàn tay vàng làng nghề 2011" theo cụm gồm 3 huyện Thường Tín, Thanh Oai và Phú Xuyên thi với hai nghề thêu và điêu khắc. Hội thi là dịp để tôn vinh những thanh niên trẻ gắn bó với làng nghề truyền thống, thông qua đó truyền ngọn lửa đam mê cho nhiều thanh niên nông thôn khác trên địa bàn thành phố.

 

Thiên Tú

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

55
Đang xem:
72.657.061
Tổng truy cập: