TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
'Nghệ thuật Đờn ca tài tử không thể mai một'
(Ngày đăng: 10/01/2014   Lượt xem: 449)
Nghệ thuật Đờn ca tài tử có sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nam Bộ nên không lo bị mai một. Điều quan trọng là làm thế nào để phát huy giá trị và quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử đến đông đảo người dân trong nước và quốc tế.

Đây là khẳng định của bà Lê Thị Ái Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó BTC Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I- Bạc Liêu 2014.

Ngay sau khi nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các tài tử đờn, tài tử ca của 21 tỉnh thành phố Nam Bộ sẽ hội tụ tại Bạc Liêu trong Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4 tới. Đây là một hoạt động góp phần bảo tồn, tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị di sản trong đời sống. Nhưng để di sản được bảo tồn và phát huy giá trị một cách bền vững, sẽ còn cần nhiều hơn là một kỳ Festival. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Ái Nam về vấn đề này.

+ Ngay sau khi UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử, Festival Đờn ca tài tử quốc gia đã được tổ chức. Điều này có ý nghĩa gì đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, thưa bà?

- UNESCO vừa vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là người dân Nam Bộ nói riêng. Nhân dịp này, chúng tôi mong muốn tôn vinh, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử không chỉ trong nước mà ra cả quốc tế. Thứ hai, Festival là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử- một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thông qua đó định hướng bảo tồn, phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trong đời sống hiện đại.



"Sắp tới, sẽ đưa bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử vào các trường phổ thông qua giáo viên dạy nhạc" - bà Lê Thị Ái Nam cho biết

Festival cũng sẽ giới thiệu đất nước, con người Bạc Liêu nói riêng và đặc biệt là tính cách phóng khoáng, trọng nghĩa tình, nhân hậu, thủy chung của người Nam Bộ nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách đến với vùng đất Nam Bộ- quê hương của di sản.

+ Được biết, hồ sơ về nghệ thuật Đờn ca tài tử gây ấn tượng với UNESCO bởi sức sống, sức lan tỏa đậm đặc của di sản trong đời sống người dân Nam Bộ. Như vậy, nghệ thuật Đờn ca tài tử khác với nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác đó là không phải đối mặt với nỗi lo mai một. Bà có đánh giá thế nào về sức sống của nghệ thuật Đờn ca tài tử tại địa phương nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung?

- Đờn ca tài tử tồn tại mạnh mẽ trong đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn của 21 tỉnh, thành có nghệ thuật này. Có các câu lạc bộ Đờn ca tài do người nông dân tự thành lập và sinh hoạt ở nông thôn. Ở các gia đình truyền thống vẫn 3, 4 thế hệ sinh hoạt Đờn ca tài tử và đồng thời, những điểm du lịch vẫn có Đờn ca tài tử để biểu diễn cho khách xem.

Hiện, riêng Bạc Liêu có hơn 300 CLB Đờn ca tài tử với hơn 2000 thành viên. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng thêm các CLB Đờn ca tài tử gắn với các khu, điểm du lịch để phục vụ du khách, tăng cường giao lưu, quảng bá.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử không thể nào mai một trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nam Bộ. Vì người dân Nam Bộ, khi được sinh ra đã được ru bằng những điệu lý hoặc những câu vọng cổ. Nghệ thuật Đờn ca tài tử như gắn trong máu thịt của người dân Nam Bộ.

Phong trào Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu đến giờ vẫn duy trì và có xu hướng phát triển hơn.

+ Không đối mặt với nỗi lo mai một, nhưng để phát huy giá trị di sản, bảo tồn di sản một cách bền vững hẳn vẫn cần nhiều hành động hơn, sau Festival này?

- Chúng tôi có định hướng bảo tồn gắn phong trào Đờn ca tài tử ở cơ sở với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ví dụ, chúng tôi công nhận một ấp, xóm văn hóa thì gắn với xây dựng câu lạc bộ Đờn ca tài tử, trao tặng cho CLB các nhạc cụ, hệ thống âm thanh. Kể cả một số điểm du lịch, chúng tôi cũng hỗ trợ nhạc cụ, hệ thống âm thanh và các trang phục biểu diễn phục vụ du khách. Đó là những việc làm cụ thể để giao lưu, phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử.


Quảng bá cũng là cách để bảo tồn di sản một cách bền vững (Ảnh: Đại Thắng)

Không chỉ giới trẻ nông thôn, hiện nay xu hướng giới trẻ thành thị cũng rất yêu thích nghệ thuật Đờn ca tài tử. Chúng tôi có định hướng bảo tồn bằng cách xây dựng các CLB Đờn ca tài tử trong các trường Đại học, Trung cấp chuyên nghiệp…Ví dụ, CLB Nghệ thuật Đờn ca tài tử của Đại học Bạc Liêu là một CLB sinh viên hoạt động rất tích cực. Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo Trường Trung cấp Văn hóa nghệt thuật biên soạn giáo trình để đưa bộ môn vào trường giảng dạy. Sắp tới, sẽ đưa bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử vào các trường phổ thông qua giáo viên dạy nhạc. Sẽ tập huấn cho giáo viên dạy nhạc và các trung tâm văn hóa tổ chức các lớp để dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử cho nhân dân nói chung, đặc biệt là trong giới trẻ… Chính điều này sẽ góp phần bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử lâu dài hơn, bền vững hơn, quảng bá di sản được rộng hơn như kế hoạch và chương trình hành động mà chúng ta cam kết với UNESCO.

+ Là quê hương của soạn giả Cao Văn Lầu- người được mệnh danh là tổ nghề Đờn ca tài tử, Bạc Liêu có khai thác lợi thế này so với 20 tỉnh thành cùng sở hữu di sản để hấp dẫn du khách không, thưa bà?

- Trong dịp Festival, Bạc Liêu sẽ khánh thành Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử và soạn giả Cao Văn Lầu- một bảo tàng chuyên đề về nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Đây có thể coi là “đặc sản” của Bạc Liêu trong việc thu hút du khách. Trước đây, khu lưu niệm có diện tích 3.000m2, hiện được mở rộng lên 12.500m2. Có nhiều hạng mục công trình như nhà trưng bày triển lãm những hiện vật tư liệu rất quý liên quan đến nghệ thuật Đờn ca tài tử, cải lương; trưng bày liên quan đến sự ra đời của bản Dạ cổ hoài lang, thân thế sự nghiệp của soạn giả Cao Văn Lầu; biểu tượng của cây Đàn kìm; nhà làm việc được khắc 20 bản tổ nghệ thuật Đờn ca tài tử lên vách để phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu; vườn nhạc cụ Đờn ca tài tử để phục vụ du khách chụp ảnh lưu niệm; nhà biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử phục vụ du khách thưởng thức nghệ thuật Đờn ca tài tử, nghe biểu diễn, học hát, giao lưu với nghệ sỹ....

+ Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

                                                                                    Theo: toquoc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

42
Đang xem:
72.658.331
Tổng truy cập: