TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Tăng mức xử phạt đối với sai phạm
(Ngày đăng: 03/01/2014   Lượt xem: 467)
Càng gần Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) càng gia tăng. Trước những bất cập liên quan đến vấn đề ATVSTP, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác ATTP năm 2014 được tổ chức sáng hôm qua (2-1) Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vấn đề ATVSTP không chỉ liên quan đến yếu tố sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến giống nòi, do đó phải rất quyết liệt hành động. 



Quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Tết đến, xuân về, toàn dân tộc vui vì đón xuân mới, nhưng lại luôn canh cánh những nỗi lo về vấn đề ATVSTP, dịch bệnh gia tăng... Đáng lo ngại, tình trạng nhập lậu gia súc gia cầm dù đã được cơ quan chức năng tích cực ngăn chặn, song tình hình vẫn theo chiều hướng phức tạp hơn. Thực trạng này là nguy cơ các bệnh dịch lây truyền từ gia súc, gia cầm sang người gia tăng. Đặc biệt, càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, vấn đề này càng đáng lo ngại hơn.

Thực trạng nhập lậu gia súc gia cầm thời gian qua đã khiến dư luận toàn xã hội bức xúc, cơ quan quản lý đau đầu… Trong khi đó, do lợi nhuận lớn nên các đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để tuồn gia cầm lậu vào trong nước. Tình hình này sẽ khiến nguy cơ gây các bệnh dịch do các virus cúm H5N1, H7N8, H10N9… gây nên. Và trên thực tế, nhiều địa phương đã xuất hiện các ca bệnh liên quan đến các loại virus cúm này, thậm chí đã có trường hợp dẫn đến tử vong. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cần phải quyết liệt ngăn chặn thực trạng này hơn nữa, và phải chặn ngay sự xâm nhập của gia cầm lậu từ ở biên giới, không để gia cầm lậu có cơ hội tuồn sâu vào trong nước, gây nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. 

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, dịch cúm gia cầm mặc dù đã giảm nhiều so với năm 2012 tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cho thấy, các chợ gia cầm vẫn có tỷ lệ lưu hành virus H5N1 khá cao. Kết quả giám sát 147 chợ gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ phát hiện virút H5N1 là 61,22%.

"Đã xuất hiện chủng H5N1 độc lực cao ở Campuchia. Tại tỉnh Tây Ninh đã có hai người lây và một người chết. Do vậy, công tác chống buôn lậu, đặc biệt là chống gia cầm nhập lậu cần làm quyết liệt, không chỉ biên giới phía Bắc mà cả biên giới phía Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.



An toàn thực phẩm luôn là nỗi lo 
của người tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm

Chế tài quá nhẹ

Liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát ATVSTP, báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, trong năm 2013, tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP đã giảm từ 21,2% (năm 2012) xuống còn 20,1%; số mẫu được kiểm nghiệm đạt yêu cầu tăng từ 82,3% (2012) lên 88,8%. Nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết, công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, số vụ ngộ độc thực phẩm đã  giảm hẳn so với năm 2012.

Tuy nhiên, nhìn vào con số trên có thể thấy có sự suy giảm đáng kể, song, trên thực tế, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo thường trực trong gia đình mỗi người dân Việt Nam, và đặc biệt lo hơn khi dịp Tết đang đến gần. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh lo ngại, hiện nay người dân vào viện rất nhiều vì mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Số bệnh nhân ung thư cũng gia tăng.

Đó là những hệ lụy của sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, chế tài lại quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên khó có thể xử lý được triệt để các bất cập liên quan đến vấn đề này. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần phải có biện pháp mạnh, hữu hiệu để hạn chế những sai phạm liên quan đến lĩnh vực ATTP, đó là phải tăng chế tài xử phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân loại bỏ những sản phẩm không đạt chất lượng.  

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, bảo đảm ATVSTP là rất quan trọng, liên quan rộng lớn không chỉ việc sản xuất, lưu thông mà còn vấn đề thói quen tiêu dùng, thậm chí đến cả vấn đề về giống nòi. "Làm người khác bị thương tới 11% thì xử lý hình sự. Còn việc cho thuốc độc, gây tổn hại tới sức khỏe thì mức phạt ra sao?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Bởi vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong tháng Tết, tập trung vào các khâu, mặt hàng, vùng trọng điểm với tinh thần các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.

Vi phạm ATTP có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Bắt đầu từ 31-12-2013, Nghị định số 178/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP chính thức có hiệu lực, thay thế Nghị định số 91/2012, với một số điểm mới, nổi bật. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Như vậy, mức phạt tiền đối với cá nhân và tổ chức vi phạm là khác nhau, cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Châu An

Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.669.346
Tổng truy cập: