TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Cắt nguồn “tiền lẻ phản cảm” nơi tôn nghiêm
(Ngày đăng: 27/12/2013   Lượt xem: 477)


Tiền lẻ “ăn khách” đi chùa. Ảnh: Kỳ Anh

Truyền thống cúng tiền của người Việt có ý nghĩa đẹp, như là một chút công đức xây dựng tu bổ chùa chiền, là “giọt dầu”, hương đèn dâng thờ Phật… Thế nhưng, thực tế việc dâng lễ cúng tiền ở nơi chốn linh thiêng đã trở nên không thể chấp nhận được, khi tình trạng rải tiền, ném tiền, cài cắm tiền lẻ diễn ra hết sức phản cảm ở khắp nơi.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra biện pháp mạnh - hạn chế tối đa in tiền mệnh giá nhỏ phục vụ tết và lễ hội nhằm cắt nguồn nuôi dưỡng “tiền lẻ phản cảm” như nói trên. Tuy nhiên, điều này không nhiều khả quan, bởi gốc rễ vấn đề cần có là sự thay đổi trong nhận thức và ý thức… 

Vấn đề không phải là tiền lẻ!

GS-TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng VN - cho rằng, việc không in tiền với mệnh giá nhỏ cũng không bớt đi được tình trạng rải tiền lẻ ở các nơi đền chùa, vì đó là nhu cầu có thật của người dân.

Trả lời câu hỏi, điều đó có đúng với văn hóa tín ngưỡng truyền thống không, GS Đức Thịnh giải thích: Quan niệm đi chùa có giọt dầu đã có từ lâu đời, là một nhu cầu tâm linh. Toàn bộ hệ thống, thiết chế thờ cúng hiện có ở ta toàn do tiền công đức mà có, do một ông vua, bà chúa, hay vị quan nào đó bỏ tiền ra xây dựng, chứ làm sao có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra. 

Bây giờ đến các đền, chùa vẫn có những bia công đức. Người xưa nghĩ làm như thế sẽ để lại may mắn, phúc đức cho con cháu và nó đã trở thành một truyền thống dân tộc. Nhờ đó, bây giờ để lại cho chúng ta khoảng 44.000 di tích thờ cúng. Đó là công lao của người dân. Nhà nước phong kiến chỉ xây dựng những chùa lớn ở kinh đô thôi.

Cho đến nay phần lớn việc tu bổ, đình, chùa vẫn là từ tiền của dân. Nhà nước chỉ bỏ tiền ra hỗ trợ trùng tu một số công trình chính, quốc gia đặc biệt thôi. Còn tiền để người ta  thực hành đèn nhang mà các cụ gọi là “giọt dầu”  thì cũng là của người dân, các đền, chùa sống bằng tiền đó. 

Thiếu hẳn tri thức về văn hóa tâm linh

Nói về hiện tượng tiền lẻ  được rải khắp nơi chốn chùa chiền, thậm chí giắt cả vào tay thánh thần... rất phản cảm..., GS Ngô Đức Thịnh nói rằng, ngày xưa đến chùa, dù ít, dù nhiều thì người ta cũng rất trân trọng vào cái đĩa, rồi dâng lên cho nhà chùa, nhà đền. Cái gọi là hòm công đức có muộn hơn. Nhà chùa, nhà đền rất trân trọng đồng tiền đó. 

Hiện nay, việc dâng tiền công đức, giọt dầu được thực hiện rất thiếu văn hóa, nhiều người lại muốn được trao tiền tận tay... thần linh. Các cụ ngày xưa đã nói, quý nhất là tấm lòng chứ không phải là vật phẩm, cỗ bàn, tiền nong, “tâm xuất thì Phật biết”, nhưng giờ tâm thế với đời sống tâm linh bị phai nhạt, biến tướng. Cốt lõi, đó là sự thiếu hẳn tri thức về văn hóa tâm linh. 

“Trao tiền’ tận tay... thần linh.  Ảnh: Việt Văn 

Do khoảng 6 thập niên, chúng ta bị đứt đoạn về truyền thống tín ngưỡng, cái áo “mê tín dị đoan” đã bị khoác lên. Do vậy, có thể nói hiện nay chúng ta thiếu hai thứ: Tâm thế và trí thức đối với tín ngưỡng. Nhiều người đến chùa với tâm thế rất vô thức, đi lễ mà chẳng biết lễ ai.

Để hạn chế việc cúng lễ tiền lẻ phản cảm tại chùa chiền, theo GS Nguyễn Đức Thịnh: Chúng ta phải giải quyết vấn đề từ gốc. Phải tuyên truyền tri thức văn hóa tín ngưỡng cho người dân. Người ta phải hiểu sâu xa vấn đề tiền giọt dầu, công đức là để tu bổ nơi thờ tự chứ không phải là “hối lộ” thần thánh để “đổi” những ước muốn của mình, như nhiều người vẫn nghĩ và đến cúng tiến với tâm thế ấy. 

Cho dù mệnh giá tiền lớn hay nhỏ đều xuất phát từ cả tấm lòng của người đi lễ, “con giàu một bó, con khó một nén” kia mà, chỉ cần thành kính dâng lên ban thờ là được. Muốn làm được việc này, không thể áp đặt những thiết chế, luật lệ của Nhà nước vào mà được đâu.

Kinh nghiệm từ CLB Đạo mẫu của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng cho thấy, nếu những người làm chủ đền, không vì những tư lợi cá nhân và giải thích cho các con nhang, đệ tử những điều cần thiết thì sẽ ổn. 

Còn với biện pháp không in tiền mệnh giá nhỏ nữa thì theo tôi, có khi lại có tác dụng ngược. Tôi được biết, trong mùa lễ hội, có những tụ điểm đổi tiền 10 ăn 7, 8... Bây giờ, nếu khan hiếm tiền lẻ, có khi người ta lại phải đổi 10 ăn 5 cũng nên. 

* Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 25.12 đã ra thông cáo báo chí cho biết, sẽ hạn chế tối đa in tiền mệnh giá nhỏ phục vụ tết và lễ hội.  Phó Thống đốc Đào Minh Tú giải thích, NHNN quyết định như vậy là bởi người dân đi lễ chùa có thói quen thả tiền mệnh giá nhỏ vào những nơi tôn nghiêm; tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, đặc biệt làm xấu đi hình ảnh của đồng tiền Việt. Trong bối cảnh như vậy, việc hạn chế  in tiền mệnh giá nhỏ phục vụ tết và lễ hội cũng là một biện pháp để tiết kiệm ngân sách. Bởi lẽ, chi phí để in một tờ mệnh giá 500 đồng mất tới... 2.500 đồng.

 Nếu hạn chế in thêm tiền mệnh giá nhỏ, nhà nước sẽ tiết kiệm được 300 tỉ đồng. Theo NHNN, nhu cầu tiền mới, mệnh giá nhỏ tăng cao chính là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ. Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán - 2014, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ở các chùa chiền, khu di tích.

* Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng thư ký T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Tôi hoàn toàn ủng hộ việc NHNN quyết định không in tiền lẻ vào dịp tết năm nay nhằm tránh tình trạng lãng phí. Việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ để đi lễ đầu năm cũng là quan điểm rất sai lầm. Công đức là việc phát tâm từ bản thân chúng ta, không phân biệt nhiều hay ít. Việc in ra quá nhiều tiền lẻ dẫn đến người đi lễ vứt tiền bừa bãi trên ban thờ, có người còn nhét vào tay, cài tiền lên thân tượng vô cùng phản cảm và thiếu văn hóa. 

Đức Phật đâu có cần điều này, đi lễ là đến với giáo lý của đức Phật, tâm hướng về Phật là được. Tâm xuất Phật biết, vì chúng ta không cần đặt tiền trước mặt đức Phật, các ngài mới biết. Đã là người phật tử chân chính, chúng ta phải loại bỏ quan niệm sai lầm rằng cứ phải đặt tiền lên ban thờ, thì Phật mới độ ra khỏi suy nghĩ của mình. Tôi mong rằng các phật tử, khách hành hương, bà con nhân dân không nên tiếp tục để sai lầm này tiếp diễn.

* Đại Đức Thích Thanh Hùng - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Trực Ninh, Nam Định, tu hành tại chùa Cổ Lễ. Việc đổi tiền lẻ đi lễ đầu năm dẫn đến tiền lẻ vứt bừa bãi trên ban thờ, trên thân tượng... việc làm này rất đáng lên án, vì  tiền vứt vương vãi khắp nơi, tạo hình ảnh vô cùng phản cảm, làm mất đi tính tôn nghiêm, linh thiêng ở nơi thờ tự. Vì vậy tôi cho rằng không nên in thêm tiền lẻ để ngăn chặn hành vi thiếu văn hóa này. Việc không in thêm tiền lẻ sẽ vừa mang lại lợi ích cho đất nước là tiết kiệm chi phí in ấn, mà còn mang lại sự tôn nghiêm cho tín ngưỡng tôn giáo. P.V

                                                                                           Theo: laodong

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.669.257
Tổng truy cập: