TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tìm lại dấu xưa
(Ngày đăng: 20/12/2013   Lượt xem: 426)
Khách tham quan và mua sắm tại phiên chợ đồ cũ "Dấu xưa".

Nếu như trước đây, Hà Nội chỉ có một phiên chợ đồ cổ duy nhất vào những ngày cuối năm ở chợ hoa Hàng Lược, thì nay những người yêu văn hóa nói chung, cổ vật nói riêng có thêm một không gian sinh hoạt mới, đó là chợ phiên "Dấu xưa" được Hội Cổ vật Thăng Long phối hợp Bảo tàng Hà Nội tổ chức. Những đồ vật nhuốm màu thời gian gợi cho người xem những ký ức về một thời xưa cũ.

Có lẽ không người yêu Hà Nội nào lại chưa từng biết đến chợ cổ vật phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm họp vào những ngày giáp Tết. Cổ vật vốn chỉ được dành cho một nhóm những người chơi có trình độ nhất định, thì vào dịp này, cổ vật tìm đến công chúng, không chỉ là nơi dành cho người chơi cổ vật nữa. Tất nhiên, người thường không phải ai cũng dám mua, vì không đủ khả năng thẩm định. Nhưng đến ngắm, thì chẳng ai chối từ. Chợ cổ vật Hàng Lược đã trở thành một "thương hiệu" của Thủ đô. Người Hà Nội không mấy ai không ưa hoài niệm. Và khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày một lớn dần. Mỗi năm gặp nhau một lần để giao lưu về cổ vật là không đủ. Ðã xuất hiện một số mô hình như cà-phê cổ vật, chợ cổ vật, hay cả con phố bán đồ cổ, giả cổ... nhưng vẫn cần một mô hình tổ chức chuyên nghiệp hơn. Ðó là lý do Hội Cổ vật Thăng Long đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho ra đời chợ phiên với tên gọi "Dấu xưa" nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Hà Nội, làm nơi mua bán, trao đổi cổ vật, đồ cũ.

Phiên chợ đầu tiên được tổ chức vào đầu tháng 11 vừa qua. Ðến nay, chợ đã bắt đầu thành nếp. Những gian hàng ở đây được thiết kế theo mô hình chợ quê cổ truyền với những hình ảnh gợi lại không gian văn hóa truyền thống như: cầu đá, cây đa, đình làng... Ông Ðào Phan Long, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long cho biết: "Hiện nay, chợ có 40 gian hàng. Không chỉ có người yêu cổ vật tại Hà Nội mà một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Nam Ðịnh... cũng tham gia. Khi tổ chức khu chợ này, chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ là nơi kinh doanh, trao đổi sản phẩm, mà còn là nơi để những người yêu thích sản phẩm độc đáo đến giao lưu, kết bạn, trao đổi". Cứ chủ nhật hàng tuần, người mê cổ vật, người thích tìm hoài niệm lại rủ nhau đến Bảo tàng Hà Nội để ngắm những cổ vật đủ loại, vừa lạ, vừa quen trong các gian hàng. Ở đây, người ta bắt gặp những đồ vật vốn một thời thân thuộc với cuộc sống người Việt từ bình vôi, điếu bát đến mâm đồng, ống nhổ... hay các đồ dùng trong thờ cúng như: tượng Phật, lư hương, lọ lộc bình... Bên cạnh đó, cũng có những bát, đĩa, tượng, lọ lộc bình được cho là thuộc vào các mặt hàng độc đáo chỉ dành cho những người chơi am hiểu về cổ vật. Ngoài đồ cổ, một số gian hàng cũng bán nhiều loại đồ cũ như đèn dầu, máy quay đĩa cũ, đồng hồ, máy ảnh kiểu cổ... Ông Nguyễn Bá Thanh Long, một người có nhiều năm chơi đồ cổ cho biết: "Từ lâu, chúng tôi đã mong muốn có một địa điểm để những người yêu thích cổ vật có thể mua, bán những món đồ mà mình thích. Không những thế, đây còn là dịp để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, chúng tôi đến đây không chỉ để mua, mà còn để chiêm ngưỡng những món đồ đẹp của anh em chơi cổ vật". Trong những người đến với phiên chợ, có rất nhiều bạn trẻ, khách nước ngoài. Bạn Nguyễn Thanh Tùng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết: "Trước đây, khi nghe nói về đồ cổ, em cũng rất tò mò muốn tìm hiểu, nhưng không có cơ hội tiếp cận. Những người chơi cổ vật thường là người lớn tuổi và kín đáo. Nhưng nhờ có phiên chợ này, em biết thêm được nhiều điều thú vị. Riêng em rất thích các loại đồ cổ, đồ cũ là các đồ sinh hoạt hằng ngày, vì qua đó, có thể hiểu thêm về cuộc sống của những người lớp trước".

Theo ông Ðào Phan Long, giá trị của đồ cổ, đồ cũ chính là lưu lại dấu ấn kỹ thuật, dấu ấn về thẩm mỹ của các thế hệ đi trước. Sau cả một tuần mệt mỏi, con người có nhu cầu thưởng thức văn hóa. Bởi vậy, không gian rộng, đẹp của Bảo tàng Hà Nội là một địa điểm lý tưởng để mọi người đến tìm hiểu, đồng thời đến đây để thư giãn trong ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều khách tham quan, nhất là những người cao tuổi lặng người đi khi ngắm những đồ cổ, đồ cũ từng một thời thân quen. Không phải tất cả mọi người đến với chợ đồ cổ, đồ cũ đều chọn cho mình một vài món đồ, song, ai cũng có những cảm xúc riêng khi được trở về quá khứ...

CHỢ phiên "Dấu xưa" đã qua gần hai tháng hoạt động. Thời gian ấy cũng đủ để bộc lộ những băn khoăn từ phiên chợ. Nhiều người nghi ngại khi những gian hàng trong chợ phiên bày bán những pho tượng thờ, tượng Phật. Mặc dù Ban tổ chức chợ phiên khẳng định phiên chợ không bán những mặt hàng pháp luật cấm, nhưng liệu Ban tổ chức có kiểm soát được hết nguồn gốc của những pho tượng này? Mặt khác, cổ vật là vấn đề khá "nhạy cảm", nhất là việc xác định thật, giả. Ngay cả những người có chuyên môn đôi khi vẫn không thể phân biệt đồ thật, đồ giả nếu chúng được làm một cách tinh vi. Vì vậy, nếu không có sự kiểm soát tốt, rất có thể nhiều người sẽ bị mắc lừa khi mua phải đồ giả cổ, nhưng được bán với giá cắt cổ. Ở nhiều nước trên thế giới, các khu chợ đồ cổ, đồ cũ đã trở thành một nét văn hóa, thu hút khách du lịch. Khi đồng ý Hội Cổ vật Thăng Long tổ chức chợ phiên "Dấu xưa", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng định hướng đây sẽ trở thành một sinh hoạt văn hóa, một địa chỉ để khai thác du lịch trong nước và quốc tế. Ở mảnh đất có bề dày văn hóa như Hà Nội, điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Tuy nhiên, để phiên chợ có thể tồn tại bền vững, thì những vấn đề kể trên cần sớm được giải quyết.

                                                                                   Theo: nhandandientu

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

62
Đang xem:
73.194.890
Tổng truy cập: