TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Thủ công mỹ nghệ - những tiềm năng cần khai thác
(Ngày đăng: 02/05/2012   Lượt xem: 804)

Sản phẩm TCMN là mặt hàng có truyền thống lâu đời của Việt Nam, được xuất khẩu khá sớm so với các mặt hàng khác, đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đồng thời có một vai trò quan trọng trong giải quyết một số vấn đề kinh tế, xã hội tại nông thôn. Các mặt hàng TCMN có mức độ tăng trưởng khá cao trong những năm qua, bình quân khoảng 20%/ năm, với kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD trong năm 2004 và đạt hơn 750 triệu USD vào năm 2007, năm 2008 mặc dù bị tác động ít nhiều của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng đã đạt gần 1 tỷ USD.

Thời gian qua, thị trường xuất khẩu hàng TCMN ở nước ta ngày càng được mở rộng, ngoài các nước chủ yếu như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan... Hiện hàng TCMN Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đây cũng là mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN trong những năm qua tuy không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn có thể coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, những năm gần đây, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu khoảng trên 15 tỷ USD/năm hàng TCMN. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng TCMN của Việt Nam năm 2006 vào thị trường Hoa Kỳ chỉ khoảng 77 triệu USD, trong đó 36,8% là hàng gốm sứ. Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 sẽ nâng tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN vào Hoa Kỳ lên 3% (đạt kim ngạch 0,4 tỷ USD). Trong khi đó, thị trường EU cũng có nhu cầu rất lớn về mặt hàng này. Trong những năm qua, thị trường EU đã nhập khẩu khoảng 7 tỷ USD và Việt Nam cũng đã chiếm được 5,4% kim ngạch nhập khẩu trong số đó. Trong tương lai, EU sẽ là thị trường hứa hẹn của hàng TCMN Việt Nam.

Tuy nhiên, với những lợi thế về thị trường và tính truyền thống sẵn có của ngành TCMN như vậy, nhưng hiện tại ngành TCMN và các sản phẩm TCMN vẫn đang trong tình trạng lúng túng tìm đầu ra và tìm chiến lược để phát triển. Thực tiễn đó bắt nguồn từ những tồn tại yếu kém của bản thân ngành TCMN mà hầu như ai cũng có thể gọi tên, nhưng chưa có lời giải nào thực sự được tìm ra:

Thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu nhất ở ba khâu: kiểu dáng mẫu mã và thông tin thị trường, quy mô sản xuất, và chiến lược về giá sản phẩm.

Nếu như những năm trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất được người Nhật ưa chuộng do tính chất mới lạ và rẻ thì đến nay, sức hấp dẫn đã bị giảm nhiều mà nguyên nhân chính là trong suốt thời gian qua rất nhiều mẫu mã chúng ta đã không có sự thay đổi. Các doanh nghiệp TCMN Việt Nam còn đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường, nhất là nghiên cứu thị trường dành riêng cho tạo mẫu và thiết kế. Việc tạo ra những mẫu mã riêng, phù hợp với nhu cầu thị trường là cách tốt nhất để khẳng định mình và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ. Đây chính là năng lực cạnh tranh đích thực. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đang phát triển sản phẩm theo kiểu sao chép của người khác rồi gắn mác để biến thành của mình, hoặc hầu như chỉ sản xuất dựa theo các mẫu thiết kế của khách hàng mang tới. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng sao chép kiểu dáng như vậy sẽ gặp rắc rối về vấn đề pháp lý, còn chỉ làm theo mẫu mã của các nhà nhập khẩu nước ngoài thì giá trị mang lại rất nhỏ. Một số doanh nghiệp lại chỉ chú tâm vào các thiết kế sản phẩm mang tính "độc nhất" và tính chất "của riêng mình" luôn được đề cao, trong khi đó khả năng ứng dụng và tính thương mại chưa được chú ý nhiều. Các doanh nghiệp TCMN cần phải biết cách tìm hiểu kỹ về thị trường và thiết kế sản phẩm hướng tới thị trường đó. Một sự kết hợp tốt giữa tài năng độc đáo của nhà thiết kế với những hiểu biết về thị trường sẽ giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá cao và được trả giá cao hơn, tạo ra sự bền vững trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Một điểm yếu khác của hàng thủ công Việt Nam là quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu sản xuất hộ gia đình trong các làng nghề, còn nhiều các yếu tố độc hại trong sản xuất và trong các sản phẩm. Việc tạo ra các mối liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong nội bộ ngành, và với các ngành phụ trợ cho TCMN giường như là điều rất khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp đều có xu hướng hoạt động cá thể, tự làm tự bán, thậm chí còn rất phổ biến tình trạng tranh mua tranh bán, cạnh tranh nhau về giá để tìm kiếm đơn hàng. Việc sử dụng bừa bãi và không kiểm soát các chất có hại cho sức khỏe và cho môi trường đã gây mất lòng tin và sự e ngại trong người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng Châu Âu-một thị trường tiềm năng rất lớn trong tương lai gần. Điều đáng nói là những chất độc hại đó được người sản xuất sử dụng một cách rất hiển nhiên. Chính vì vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp TCMN rất lớn, số làng nghề TCMN rất nhiều, nguyên vật liệu tương đối nhiều, giá nhân công rẻ, nhưng ngành TCMN vẫn chưa có được những giá trị xứng đáng với tiềm năng sẵn có.

Điểm yếu thứ 3 của ngành TCMN là chiến lược về giá sản phẩm chưa được hiểu đúng và chưa hợp lý. Hầu hết các doanh nghiệp đều có khái niệm cạnh tranh về giá để lấy đơn hàng, từ đó dẫn tới hạ giá quá mức cho phép và thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng giảm chất lượng để đưa ra được giá thấp hơn đối thủ. Cần phải luôn nhớ rằng, giá cả tuy rất quan trọng nhưng một chiến lược giá thấp là không có tính bền vững vì trên thế giới luôn có những người chỉ cần thông qua biến động về tỷ giá ngoại hối đã có khả năng cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu.

Với những thực trạng và tiềm năng đó của ngành TCMN, SPIN là một dự án hoàn toàn phù hợp và hứa hẹn sẽ đem lại những sắc thái mới khả quan hơn cho ngành TCMN. SPIN hoàn toàn có đủ năng lực và phương pháp luận vững chắc để tiến hành các hoạt động khảo sát, tư vấn, đào tạo và xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ về chiến lược cho các doanh nghiệp TCMN.

SPIN có một đội ngũ chuyên gia mạnh về thiết kế và đổi mới sản phẩm bền vững trong nước cũng như nước ngoài, để tiến hành hướng dẫn, đào tạo nguồn nhân lực về thiết kế cho các doan nghiệp. Đưa những thông tin thị trường và những phong cách sản phẩm mới vào ngành TCMN, với tiêu chí nghệ thuật ứng dụng cho đời sống, chất lượng sản phẩm cao hơn mong đợi và giá trị gia tăng cao hơn cho toàn bộ chuỗi ngành. Đồng thời hình thành nên một trào lưu về thiết kế thân thiện môi trường có sự kết hợp đa vật liệu nhằm tạo ra các sản phẩm khác biệt với những sản phẩm truyền thống đã không còn phù hợp.

SPIN sẽ tiến hành những hoạt động xúc tiến mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau và với các ngành khác, nhằm mục đích tạo nên một hệ thống hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nỗ lực đẩy mạnh sự phát triển của ngành TCMN. Một hoạt động không thể thiếu trong việc xây dựng năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp TCMN là việc tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên về máy móc và trang thiết bị sẵn có, sử dụng năng lượng hiệu quả, khai thác bền vững nguyên liệu tự nhiên, đảm bảo tốt điều kiện lao động và đem lại sự ổn định cũng như thu nhập tốt cho người dân.

Bên cạnh việc tư vấn về xây dựng năng lực thiết kế và đổi mới sản phẩm cho phù hợp với thị trường, về nâng cao năng suất và chất lượng, về sự phối kết hợp liên ngành và giữa các doanh nghiệp trong ngành. SPIN có đầy đủ cơ sở để tư vấn cho doanh nghiệp về chiến lược giá cho sản phẩm. Cần lưu ý rằng các sản phẩm TCMN của Việt nam là những sản phẩm có nét độc đáo riêng mà không đâu trên thế giới có được. Đồng thời giá nhân công trong nước hiện đang ở mức thấp, nguyên vật liệu tự nhiên rất đa dạng. Tất cả những yếu tố đó là cơ sở cho việc hướng tới sản xuất các mặt hàng TCMN chất lượng cao, tinh xảo và độc đáo mang phong cách Việt nam. Với những sản phẩm như vậy đương nhiên giá thành sẽ cao và chủ yếu hướng tới thị trường cao cấp. Cần nói thêm rằng giá cao không phải là mục tiêu cho chiến lược về giá sản phẩm, mà một chiến lược giá tốt phải gắn liền với toàn bộ vòng đời của sản phẩm, vừa đảm bảo mức lợi nhuận cao cho doanh nghiệp vừa có khả năng kích thích mở rộng thị trường cho sản phẩm và cho ngành hàng.

SPIN đã và sẽ là một điều kiện cần để thúc đẩy sự phát triển cũng như tạo ra một diện mạo mới cho ngành TCMN. Tuy nhiên, điều kiện đủ cho những thành công vẫn còn nằm ở bản thân các doanh nghiệp cũng như nằm tại bản thân mỗi người dân. Đó là những cam kết và hành động nỗ lực của các vị lãnh đạo doanh nghiệp, sự yêu quý, trân trọng truyền thống và phát huy sáng tạo của mỗi người dân đối với ngành TCMN. Nếu có thể hội tụ đầy đủ các điều kiện như vậy thì chắc chắn thành công sẽ đến.

theo Văn phòng dự án SPIN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

89
Đang xem:
73.187.243
Tổng truy cập: