TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nghề thủ công mỹ nghệ: cần đổi mới mẫu mã, kiểu dáng
(Ngày đăng: 02/05/2012   Lượt xem: 1354)
Đồng Nai được biết đến với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như đúc gang – đồng (huyện Vĩnh Cửu), nghề đá Bửu Long, nghề gốm mỹ nghệ (Trảng Bom), nghề mây tre đan, kỹ nghệ sắt, chế biến gỗ gia dụng Tân Hòa, nghề dệt thổ cẩm ở Tân Phú… Các làng nghề tuy có truyền thống lâu năm nhưng hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
* Giải quyết việc làm nông thôn

Ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng nhiều yếu tố đầu vào sẵn có của nền kinh tế nông nghiệp – nông thôn nên đã thu hút một lượng lớn lao động ở nông thôn tham gia. Hiện cả nước có khoảng 2.000 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút 1,4 triệu hộ gia đình tham gia và hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này.

So với nhiều ngành hàng xuất khẩu khác thì kim ngạch xuất khẩu của ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ không cao (khoảng 1 tỷ USD/năm) nhưng lại là ngành có giá trị gia tăng cao bởi nguyên liệu cho ngành hàng này hầu hết là có sẵn trong nước, không phải nhập khẩu như những ngành khác.

Đồng Nai là địa phương có nhiều làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Tiêu biểu như huyện Trảng Bom, do không có đầu ra ổn định nên có thời điểm trên 100 cơ sở sản xuất giảm còn khoảng 50 cơ sở hoạt động cầm chừng. Và hiện nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, trên 80 cơ sở sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ và đan lát mây tre lá của địa phương đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động địa phương. Còn tại huyện Xuân Lộc, dù nghề thủ công mỹ nghệ xuất hiện muộn nhưng cho đến nay cũng đã có 18 cơ sở mộc mỹ nghệ nằm rải rác trên địa bàn và đã đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách địa phương.

* Cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Thực tế cho thấy, nghề thủ công mỹ nghệ đã góp phần giữ gìn và bảo tồn các làng nghề truyền thống của từng vùng, từng địa phương, nhưng hiện nay nghề này cũng gặp nhiều hạn chế trong sáng tác, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng nên sản phẩm thiếu đồng bộ, tính hoàn thiện chưa cao, độ an toàn chưa được chú trọng và phần lớn sản phẩm vẫn mang đậm nét tượng trưng của địa phương.

Phải thừa nhận rằng, ngoài những nguyên nhân trên, có một yếu tố khác khiến ngành thủ công mỹ nghệ sản xuất ra khó bán được, đó là lâu nay các hộ kinh doanh, các nhà sản xuất mới chỉ tính đến chuyện buôn bán nhỏ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ kinh doanh với các nhà sản xuất, các tổ chức Xúc tiến thương mại, các Hiệp hội Du lịch, các nhà xuất khẩu để đưa sản phẩm mỹ nghệ đến với du khách trong và ngoài nước.

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chưa nhiều

Nhận thức được những khó khăn trong phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống trong tình hình suy thoái hiện nay, Sở Công Thương Đồng Nai đã có những bước đi cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh quyết tâm duy trì phát triển mô hình làng nghề, vừa để giữ nghề, vừa để giúp khôi phục kinh tế. Theo đó, Sở Công thương đã tổ chức cho hơn 70 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong nước và đã tổ chức hội chợ triển lãm làng nghề cho các ngành nghề truyền thống có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài ra, Sở còn có các chương trình hỗ trợ khác như: các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống đăng ký chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành được hỗ trợ một phần kinh phí và hỗ trợ 100% kinh phí cho những cơ sở sản xuất gửi hàng tham gia hội chợ triển lãm do ngành chủ trì. Trong thời gian tới ngành sẽ tập trung xúc tiến thương mại ở các thị trường mới như: Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha…, xây dựng khu trung tâm ngành nghề truyền thống của tỉnh gắn với việc trưng bày sản phẩm, triển lãm và tổ chức  nhiều buổi hội thảo, giao lưu cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh…

Để ngành thủ công mỹ nghệ tồn tại và phát triển, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan chức năng thì chính các cơ sở sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý đến mẫu mã sản phẩm. Và đặc biệt là cần phải chú ý đến vấn đề xử lý các hóa chất để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với luật pháp quốc tế về vấn đề bảo vệ sinh vật biển…

Trúc Linh
theo dongnai.gov.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

91
Đang xem:
73.187.317
Tổng truy cập: