TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tạo mẫu hàng thủ công mỹ nghệ: Yếu và thiếu
(Ngày đăng: 02/05/2012   Lượt xem: 724)

Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn khó mở rộng

thị trường vì chậm đổi mới mẫu mã.

Một số doanh nghiệp hàng mây tre đan xuất khẩu nhỏ tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) gần đây đã quan tâm hơn đến đầu tư vào khâu tạo mẫu cho các loại hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp của ông Hùng chỉ có giá trị xuất khẩu chưa đầy chục tỷ đồng nhưng ông Hùng vẫn duy trì một đội thợ hơn chục người chuyên tạo mẫu mã. Ông Hùng cho biết, đây là những người thợ có tay nghề cao, những nghệ nhân của làng nghề và công ty ông phải trả lương cũng rất cao để giữ được sự độc quyền đối với họ. Những người này được bố trí làm việc tại một khu riêng biệt, kín đáo; trong công việc, họ được tương đối tự do, không phải chịu nhiều áp lực để chuyên tâm vào việc sáng tạo. Ngoài ra, giữa công ty và những người này cũng phải có những cam kết về biện pháp quản lý họ trong cuộc sống, sinh hoạt để giữ bí mật kiểu dáng hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng mây tre đan khác ở xã Phú Nghĩa cũng bỏ tiền tỷ để xây dựng một nhà trưng bày mẫu mặc dù trong năm 2010 công việc kinh doanh không mấy thuận lợi.

Đây có thể coi là một tín hiệu đáng mừng trong ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Bởi từ trước đến nay, các hộ sản xuất hoặc các doanh nghiệp tại các làng nghề vẫn chỉ tồn tại hai dạng sản xuất, thứ nhất là làm các mặt hàng truyền thống- loại hàng hóa từ hàng chục, hàng trăm năm nay họ vẫn làm. Thứ hai, họ làm các mặt hàng theo đơn đặt hàng của nhà phân phối nước ngoài, từ kiểu dáng, chất liệu đến số lượng, giá cả.

Tuy chưa có giá trị hàng xuất khẩu lớn nhưng nhiều làng nghề khác cũng bắt đầu quan tâm đến khâu tạo mẫu. Làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) cũng là một làng nghề có tiếng ở trong nước. Sản phẩm chính của gốm Phù Lãng xưa là chum vại, ấm đất, chậu cảnh, tiểu sành... Những năm gần đây, người thợ Phù Lãng cũng đã cho ra đời nhiều mẫu hàng mới mà trong đó phải kể đến nghệ nhân Vũ Hữu Nhung. Ông đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm và mẫu gốm mới như tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm gốp tường…

Gia đình ông Thanh sở hữu lò gốm nổi tiếng nhất ở Hương Canh. Trước đây Hương Canh nổi tiếng với những loại đồ gốm gia dụng với đặc điểm thô mộc, giá rẻ. Nay lò gốm của ông Thanh chuyển sang làm gốm nghệ thuật và kiến trúc là chủ yếu. Ông Thanh cũng cho con học Đại học Mỹ Thuật để về đảm nhận công việc tạo mẫu cho gia đình.

Nổi tiếng hơn là gốm Bát Tràng- một dòng gốm Việt Nam có lịch sử từ thế kỷ XIV– XV. Mặc dù có chịu ảnh hưởng của một số đặc điểm gốm sứ Trung Quốc nhưng với chất đất và sự tài hoa của người Việt, gốm Bát Tràng vẫn tạo ra phong cách riêng độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, tại chợ gốm Bát Tràng đã có bày bán rất nhiều đồ gốm gia dụng và gốm trang trí nhiều màu sắc bắt mắt với các sản phẩm sơn mài trên gốm, tranh gốm, chuông gió, các hình con vật, đồ chơi bằng gốm…

Tuy nhiên, dường như mọi việc mới đang ở vị trí bắt đầu, bởi số lượng mẫu mã mới còn ít, đa số các mẫu chưa có sự sáng tạo đột phá, chưa thu hút được sự quan tâm của khách nước ngoài, giá trị từ những mẫu mã mới vẫn còn khiêm tốn. Ông Vương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết, ở Phú Nghĩa có một CLB nghệ nhân chuyên đảm nhận khâu sáng tạo mẫu mới, mỗi năm CLB cho ra đời hàng trăm mẫu mới. Gọi là “mẫu mới” nhưng phần lớn ở đây mới dừng lại ở những cải tiến nhỏ, chủ yếu là khác biệt trong kết cấu, chất liệu sản phẩm chứ chưa có mẫu “độc”. Giá bán “bản quyền” mỗi mẫu cũng rất thấp, chỉ vào khoảng vài ba trăm nghìn đồng.

Ngay cả sản phẩm Bát Tràng, loại gốm sành trắng được người Nhật đã mến mộ và sử dụng từ lâu nhưng hiện nay cũng đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan sản xuất với giá bán rẻ, phù hợp với thị hiếu của người Nhật.

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do thiếu hụt đội ngũ nghệ nhân lành nghề, giàu sáng tạo nên sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam phần nhiều là những mẫu sao chép hoặc thiết kế theo ý tưởng chủ quan do không nắm được thị hiếu của từng đối tượng khách hàng. Nghệ nhân Vũ Hữu Nhung cho biết: "Người sáng tạo mẫu hiện nay đang bị cuốn vào dòng xoáy thị trường. Một khi đời sống vật chất của nghệ nhân chưa đầy đủ, không thể hy vọng họ sẽ dành thời gian và tâm sức để tạo nên những mẫu mới trong khi việc sao chép tiết kiệm thời gian và công sức hơn nhiều".

Thế Vũ

theo baomoi.com

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

93
Đang xem:
73.185.662
Tổng truy cập: