TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Phố nghề cổ trong dòng chảy thời gian
(Ngày đăng: 25/04/2012   Lượt xem: 1099)

Ở trung tâm của Thủ đô Hà Nội 36 phố phường, nếu không căn cứ vào tấm biển, thì không dễ dàng nhận ra phố Lò Rèn. Cả con phố toàn những cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, cửa hoa, cửa sắt... Chỉ còn duy nhất một lò rèn đỏ lửa của gia đình ông Nguyễn Phương Hùng, nhà số 26. Ngôi nhà có vị trí khá đẹp. Nếu cho thuê hoặc chuyển nghề kinh doanh mặt hàng khác, ông Hùng có thể kiếm được một khoản kha khá. Song ông Hùng vẫn trung thành với nghề cũ. Hằng ngày, ông xoay trần với đe, búa và chiếc lò than hồng rực.

So với các con phố khác, phố Lò Rèn hình thành khá muộn. Xưa, thợ rèn người làng Hòe Thị, huyện Từ Liêm đem nghề cổ truyền lên đây lập nghiệp. Họ rèn nông cụ, những đồ dùng gia đình, đồ dùng của thợ cạo, thợ mộc, thợ may... rất uy tín. Đầu thế kỷ 20, người Pháp xây dựng nhiều nhà cửa, làm cầu đường..., một số vật liệu phải đặt làm tại chỗ như bu-lông, bản lề, cửa sắt... Phố Lò Rèn được coi là thịnh đạt nhất trong thời kỳ này, với khoảng hơn trăm bễ lò rèn. Nghề rèn tiếp tục phát triển trong những năm sau đó. Đến thời kỳ mở cửa, lửa các lò rèn tắt dần, thay vào đó là những cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Dấu xưa của một nghề truyền thống cũng không còn nhiều. Ngôi nhà số 1 ở phố Lò Rèn là đình thờ tổ nghề. Xưa kia, đây từng là ngôi đình rộng trên dưới 400 m2 được xây bằng gỗ, mái đình cong vút giữa trời mây. Nay thì ở ngôi nhà hai tầng đó, tầng một là nơi ở của một gia đình, tầng hai có diện tích khoảng 20 m2 là nơi thờ ông tổ nghề. Có lẽ, tương lai của nghề rèn trên con phố này khó mà tồn tại lâu thêm nữa...

Ông Hùng là thế hệ thứ ba trong gia đình làm nghề rèn. Dưới sự chỉ bảo của ông nội và bố, ông Hùng bắt đầu phụ việc rèn cho gia đình từ khi còn là một cậu bé sáu, bảy tuổi. Nhưng một thời gian sau, ông Hùng đã bỏ nghề của gia đình để làm các công việc khác như lái xe, công nhân nhà máy... Ông chỉ trở về với nghề truyền thống khi ở tuổi 35. Biết là cái nghề không lấy gì làm cao quý lắm theo quan niệm xã hội, nhưng làm một thời gian, ông Hùng gắn bó đến nỗi không cầm búa là nhớ không chịu được. Cách đây vài năm, khu phố này có hai bễ lò rèn, nhưng gia đình kia cũng dần chuyển sang bán bún ốc. Nghề rèn vừa nóng nực vừa nặng nhọc, vất vả cho nên chẳng ai muốn làm. Ông Hùng không truyền lại nghề cho con trai, bởi các con ông đều đang học đại học. Các anh chỉ phụ giúp ông dọn đồ hằng ngày. Con gái ông thậm chí còn không thể phân biệt được giữa lò rèn và ống bễ. Điều ấy có nghĩa là ít năm nữa, khi nào ông Hùng ngừng quai búa, phố Lò Rèn chỉ còn lại cái tên.

36 phố phường là cách gọi ước lệ, chỉ số nhiều. Hà Nội có nhiều phố nghề hơn thế. Nhưng những nghề truyền thống giờ còn lại không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay như phố Lãn Ông có nghề thuốc bắc, phố Hàng Bạc giữ nghề kim hoàn, phố Tô Tịch có nghề tiện, khắc dấu, v.v. Một trong những con phố có tiếng là phố Hàng Trống, với nghề làm tranh. Thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, dòng tranh này gắn liền với tên tuổi nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông Nghiên nổi tiếng không chỉ bởi nắm vững kỹ thuật làm tranh, mà bởi một lý do nữa, hẳn ông không thích lắm: Ông là người thợ cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. Từ nhỏ, ông Nghiên đã học nghề tranh theo cách bao đời nay nó tồn tại - cha truyền con nối. Xưa, tranh Hàng Trống, ngoài dùng để làm tranh thờ, giống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống còn được người ta mua về chơi hoặc treo Tết. Nhu cầu này đã góp phần làm cho nghề làm tranh Hàng Trống phát đạt. Thời kỳ phát triển mạnh nhất, phố Hàng Trống và một phần phố Hàng Nón đều làm và bán tranh. Nay thì người chơi tranh không còn, Tết đến xuân về, người ta cũng không treo tranh Hàng Trống nữa. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên gần như chỉ làm tranh khi có bảo tàng đặt. Chuyên môn của ông cũng phục vụ cho công tác phục chế là chính. Hiện, ông bắt đầu truyền nghề cho cậu con trai là Lê Hoàn. Nhưng khi xã hội không có nhu cầu, khó có thể hy vọng tranh Hàng Trống còn tồn tại. Có chăng, chỉ tồn tại lay lắt bởi trách nhiệm với họ tộc của người nghệ nhân và tình yêu nghề của họ.

Khi trò chuyện với những người thợ trên đất Thăng Long - Kẻ Chợ, tôi cứ nghĩ, nếu ông Nguyễn Phương Hùng và ông Lê Đình Nghiên gặp nhau, họ sẽ có nhiều chuyện để nói lắm. Hai nghề khác xa nhau, một nghề cần sức vóc và kỹ thuật, một nghề cần sự tỉ mỉ, tâm hồn và tài năng nghệ thuật. Nhưng họ có điểm chung, đều là người duy nhất còn làm nghề truyền thống trên những con phố nghề truyền thống.

Cuộc sống là dòng chảy không ngừng, cùng với dòng chảy ấy là sự vận động, biến đổi và những gì thích nghi sẽ tồn tại. Có những nghề tưởng như cầm chắc việc thất truyền, thì lại đang khá phát đạt, điển hình là nghề khắc dấu. Nghề khắc dấu xưa chủ yếu có ở phố Tô Tịch. Trước thế kỷ 20, văn thơ là thú chơi phổ biến hơn cả của trí thức cũng như các bậc tao nhân, mặc khách. Mỗi người thường có vài con dấu để ghi danh mình trên những sáng tác. Khi xã hội biến đổi, các con dấu chỉ còn tồn tại trong các cơ quan nhà nước, những người thợ khắc dấu từng suýt mất nghề. Nhưng khi xã hội phát triển, con dấu trở thành một thú chơi phổ biến trong cả người trẻ lẫn người già. Người ta có thể khắc tên, hiệu để lưu danh trên những bức thư pháp. Có người khắc dấu riêng dành cho tủ sách gia đình, lại có người khắc dấu mang hình con giáp... Một thú chơi vừa thể hiện cá tính và mang tính mỹ thuật cao. Một cách tự nhiên như thế, nghề khắc dấu giờ trở nên phổ biến nhất ở phố Hàng Quạt, với sáu, bảy hiệu nghề. Nếu đặt lại tên, có lẽ cái tên phố Hàng Dấu sẽ thích hợp hơn với con phố này. Lác đác còn có ở các phố cổ như Tô Tịch, Tạ Hiện. Đặc biệt, thời gian để khắc một con dấu không nhiều, chừng 20 đến

30 phút cho nên nó nhanh chóng trở thành một món đồ lưu niệm thú vị đối với du khách, nhất là du khách phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cửa hiệu khắc dấu được nhiều người biết đến hơn cả là của nghệ nhân Phạm Toàn ở số 6 Hàng Quạt. Gia đình nghệ nhân có năm đời gắn bó với nghề chạm khắc gỗ, nay truyền thống được tiếp nối. Phần lớn các cửa hàng khắc dấu tiếp tục có những thợ trẻ học và làm nghề. Nhiều du khách rất thích thú sáng tác ảnh tại những cửa hàng này. Những dụng cụ, cách làm cho đến sản phẩm của nghề khắc dấu chẳng khác gì so với hàng trăm năm về trước, như là một Hà Nội cổ xưa thu nhỏ giữa phố phường hiện đại.

Một trong những điều tạo nên nét hấp dẫn của Hà Nội 36 phố phường chính là những nghề cổ truyền. So với cách đây khoảng một trăm năm, đã có bao chuyện mất - còn. Hà Nội sẽ ra sao nếu phố nghề cứ mai một theo thời gian? Du khách trong và ngoài nước sẽ ngắm gì khi phố cổ toàn những cửa hàng hiện đại, xe cộ đông đúc? Chẳng thể không nao lòng trước những biến động của lịch sử, khi cái hiện đại làm nhạt phai truyền thống, trong đó có nghề cổ. Nhưng khi nghĩ về nghề cổ - phố nghề, ta phải dựa trên dòng chảy của lịch sử. Xã hội có nhu cầu - nghề ra đời và phát triển. Khi xã hội không còn nhu cầu về các sản phẩm truyền thống nào đó, nghề truyền thống cũng tự nhiên mai một theo. Thật khó hình dung, giữa Thủ đô hôm nay vẫn tồn tại những tuyến phố chuyên bán bồ, bán cót ép, bán chĩnh hay mắm muối... Có thể kể ra hàng loạt cái tên trên đất Thăng Long - Kẻ Chợ mà nghề xưa không còn đi cùng tên phố. Trong số này, cùng với sự vận động của xã hội, nhiều con phố đã định hình được những đặc trưng mới, rồi trở nên thân quen. Phố Hàng Gai từ lâu đã được biết đến là nơi buôn bán sản phẩm tơ lụa. Phố Hàng Bồ là nơi bán phụ liệu may mặc. Các phố Hàng Dầu, Hàng Thùng là nơi kinh doanh giày dép. Phố Hàng Đường bán ô mai, bánh kẹo, v.v.

Nghĩ về sự mất - còn của những phố nghề, ta chia sẻ nỗi trăn trở của người thợ rèn Nguyễn Phương Hùng khi cái bễ rèn trên phố cùng tên chỉ còn là chuyện của ngày một ngày hai. Song, dẫu có nuối tiếc một nghề rèn trên phố cổ, ít nhiều nó phản ánh một giai đoạn lịch sử của Thủ đô, ta vẫn khó tìm ra câu trả lời nếu tưởng tượng, giữa khu phố cổ chật hẹp, có trăm bễ lò rèn đỏ lửa, chan chát suốt ngày bởi tiếng quai, tiếng búa... Hẳn là phố Lò Rèn sẽ bị phàn nàn bởi ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Bảo tồn nghề phố cổ cần nhìn trong dòng chảy lịch sử, căn cứ vào những quy luật xã hội, khi trong xã hội ngày nay, có những nghề không phù hợp hoặc xã hội không có nhu cầu, thậm chí khó chấp nhận. Nhưng ta không thể khoanh tay đứng nhìn cái quy luật ấy chi phối mọi nghề ở đất Thăng Long vốn trứ danh 'khéo tay nghề, đất lề Kẻ Chợ'. Ví như để mất tranh Hàng Trống, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung mất nhiều hơn cái gọi là một nghề. Kỹ thuật làm tranh Hàng Trống hội tụ tinh hoa và sự tài khéo của những con người đất kinh kỳ; đồng thời, mỗi bức tranh còn phản ánh tư tưởng, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của một thời quá khứ. Nếu mất tranh Hàng Trống, ta sẽ mất đi một mảng lớn trong nghệ thuật cổ truyền.

alt

                      Phố cổ Hà Nội xưa

Bài toán bảo tồn từng được 'nâng lên, đặt xuống' ở nhiều hội thảo và tốn kém không ít giấy mực, tiền của. Nhưng chưa có dự án nào triển khai trên thực tế. Hơn bao giờ hết, cần định vị và phân loại các nghề có nguy cơ thất truyền, cái gì nên can thiệp, cái gì để nó tự nhiên theo quy luật lịch sử. Mọi so sánh có thể là khập khiễng, nhưng có nhiều cách bảo tồn đã từng được áp dụng, có thể sẽ phát huy trong diện rộng hơn. Bảo tồn nhà cổ ở làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây bước đầu có lời giải. Chủ những ngôi nhà cổ hằng tháng nhận được một khoản tiền nhất định để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nhà cổ. Khi nhà cửa xuống cấp, hỏng hóc, chủ nhà có trách nhiệm báo cáo nhà quản lý, đồng thời, chủ nhà hợp tác khi có khách tham quan. Chúng tôi từng đến làng cổ này và thăm nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Mông Phụ. Ông Hùng cho biết: Số tiền gia đình được nhận chỉ là 400 nghìn đồng/tháng khiến gia đình cảm thấy có trách nhiệm trong việc gìn giữ nhà cổ hơn rất nhiều. Trên thế giới, không hiếm nghề không thể tồn tại, nhưng do ảnh hưởng quan trọng của nó, chính quyền cấp tiền cho những nghệ nhân, để họ duy trì nghề cổ. Vì họ, chính là những người lưu giữ một góc ký ức của đất nước, rộng hơn là của nhân loại. Nên chăng, với những nghề cổ truyền có vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà không còn cơ sở xã hội để tồn tại, chúng ta có thể áp dụng hình thức tương tự, ít nhất để những người làm nghề cảm thấy có sự quan tâm từ phía nhà quản lý thay vì họ phải 'đơn thương độc mã'.

                                                                                                                            Theo Báo Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

53
Đang xem:
73.185.677
Tổng truy cập: