TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Du lịch làng nghề "khắc khoải"
(Ngày đăng: 09/04/2012   Lượt xem: 692)
Có những bài báo ví du lịch làng nghề đang "ngắc ngoải" hay "giãy chết". Có thể cách ví von ẩn dụ như vậy là quá đáng, nhưng thực tế nhiều làng nghề đang trong tình trạng khá bĩ cực.

Tấm biển hiệu cô quạnh

Những du khách như bạn sẽ ứng xử thế nào nếu được hãng lữ hành du lịch đưa đến tham quan một làng nghề nào đó chỉ tồn tại trên biển hiệu ở cổng làng? Hoặc nếu may mắn hơn, được tiếp cận với một làng nghề đích thực, bạn sẽ tha thẩn dạo bước trên con đường làng rợp bóng tre xanh, nhìn ngắm chán chê những người thợ thủ công đang làm việc..., cho đến lúc không có gì để tìm hiểu và cũng chẳng có việc gì khác để làm. Bạn đành phải lên xe trở về khách sạn với cảm giác đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bạn đến với cái làng nghề cô quạnh ấy.

Có lẽ đó là tâm trạng phổ biến của nhiều khách du lịch nước ngoài và cả du khách trong nước trong những chuyến đi thăm thú luôn được các công ty du lịch hứa hẹn là lý thú.

Thế nhưng lại chẳng có nhiều người tổ chức tour làm được cái điều tối thiểu là cung cấp cho khách một bản thuyết minh tường tận về lịch sử làng nghề và đặc thù của những sản phẩm trong làng nghề ấy, chưa nói đến việc mô tả những điểm nhấn của làng nghề trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Còn khi đặt chân vào làng nghề, du khách còn thất vọng hơn bởi khâu thuyết minh ở đây hầu như chẳng theo bài bản gì. Hầu hết thợ thủ công của các làng nghề mang nặng quan niệm họ chỉ đóng vai trò người thợ chứ không phải là hướng dẫn viên hay thuyết minh viên.

Vả lại, họ nào biết ngoại ngữ để thuyết trình cho du khách nước ngoài về những điều cần nói. Trong khi đó, hãng lữ hành thì lại quan niệm cứ đưa khách đến, khắc có người ở địa phương phục vụ chu đáo. Cứ cái cách thức chẳng đồng bộ chút nào ấy mà du khách ngơ ngác là phải.

Có đến hơn 1.300 làng nghề ở Hà Nội và các tỉnh quanh Hà Nội như Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, song mới có khoảng 5 làng nghề được tổ chức tập huấn kỹ năng du lịch - một tỷ lệ quá thấp so với nhu  cầu thu hút khách du lịch nước ngoài. Bởi thế, nhiều làng nghề đã "mở cửa" từ nhiều năm nay nhưng lượng khách ngoại quốc đến thăm viếng thì lại chỉ khoảng vài ba chục người mỗi năm.

Không phải là chính quyền địa phương sở tại không làm gì để phát triển làng nghề. Họ cũng có làm, cũng tổ chức các cuộc họp, hội thảo bàn về nguyên nhân vì sao làng nghề chưa thu hút du khách. Những nguyên nhân thường được nêu ra là "thiếu kết nối về mặt giao thông" và "hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ". Thế là nhiều địa phương lập tức xin kinh phí tỉnh để làm cho những làng nghề của mình được "gần" Hà Nội hơn, đường sá thông thoáng êm ái hơn.

Chỉ có điều, sau một thời gian tốn không ít tiền, không hiểu sao lượng du khách đến thăm các làng nghề vẫn chưa có chiều tăng tiến. Lúc này đã xuất hiện những phản biện cho rằng đường sá hay văn phòng dù cần thiết nhưng chỉ mới là cái hình thức bên ngoài, còn cái ruột bên trong lại không được tu bổ nâng cấp thì lấy gì hấp dẫn người ta.

Tại sao người Hội An làm được?

Hình ảnh của Hội An nên được tái hiện. Chỉ là một phần nhỏ ở khu vực miền Trung, nhưng trong khi các làng nghề khác trầy trật, tiến thoái lưỡng nan trong tiến trình quy hoạch luôn luôn dang dở của Quảng Nam, thì người nước ngoài lại có được cảm giác sống thật trong "Một ngày làm cư dân phố cổ".

Thực ra chương trình này chẳng phải là một cái gì mới mẻ, càng không phải là phát minh gì cao siêu. Nhưng quả thực, nhiều du khách trong và cả ngoài nước đã rời Hội An với tâm trạng luyến tiếc.

Nếu có thể, họ còn muốn ở thêm để khám phá những nguồn cơn về sự thân thiện hiếm có của con người nơi đây, một thái độ hiếu khách tự nhiên mà hầu như không có sự ganh tỵ đố kỵ lẫn nhau hay hành động chặt chém trong kinh doanh, một bầu không khí có nét gì đó phảng phất nét gia đình mà du khách nước ngoài đặc biệt quan tâm như một biểu hiện của chỉ số "Hạnh phúc" mà các nước phát triển luôn đề cao.

Để từ đó, họ sẵn lòng bắt tay vào học nghề cùng với những người thợ thủ công Hội An, ăn cùng mâm và chẳng mấy chốc trở thành người nhà. Họ đã có được niềm vui mà không phải đồng tiền du lịch nào cũng mang lại.

Trên tất cả, đó là văn hóa trong du lịch, là cái tình cảm chân thành mà người bản xứ bộc lộ để đón tiếp người phương xa. Du khách đến và đi đều không hẳn phải chi tiền. Văn hóa du lịch không phải bao giờ cũng là một thứ dịch vụ. Có lẽ đó là triết lý căn bản nhất lý giải cho việc du khách trở lại địa phương ấy lần thứ hai, lần thứ ba và có thể còn nhiều lần nữa.

Phần lớn trong số hơn 2.000 làng nghề ở nước ta, từ Hà Nội đến TP.HCM, Đồng Nai... , chưa làm được cái điều đơn giản mà người Hội An đang làm. Nhiều nơi người ta vẫn khăng khăng giữ quan niệm là làm sao để "móc túi du khách", làm sao phải bán bằng được sản phẩm mỗi khi du khách đến, chưa kể đến việc làm sao bán những loại sản phẩm mơ hồ về nguồn gốc với giá trên trời...

Nhưng người ta đâu có biết rằng, du khách bây giờ không còn ngờ nghệch cả tin nữa. Du khách trong nước đã đành, ngay cả nhiều du khách nước ngoài cũng ngày càng giữ thái độ thận trọng trong việc hỏi giá, trả giá, đánh giá sản phẩm.

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã phải hứng chịu búa rìu dư luận nước ngoài về nhiều vấn đề về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, khiến cho tỷ lệ du khách quay lại nước ta lần thứ hai chỉ còn khoảng trên 20%.

Lại nữa, gần đây có quan niệm ghép ngành du lịch nước ta với bốn chữ B (Bẩn, Bụi, Bực, Buồn). Lý giải những chữ này như thế nào thì chắc ai bất cứ ai trong chúng ta đều có thể làm được. Với du khách nước ngoài, người này nói với người kia, người kia đồn đến người nọ, lại thêm phụ họa của mấy cái hãng truyền thông "vô trách nhiệm" trên thế giới như BBC, Reuters thì thử hỏi làm sao du lịch làng nghề không đình đốn?

Có đánh giá cho rằng chỉ có khoảng 30% khách du lịch nước ngoài quan tâm đến làng nghề. Trong cơ cấu mục tiêu du lịch, thực ra đó là tỷ lệ mơ ước, vì chỉ cần một nửa trong số 30% đó thường xuyên đến thăm các làng nghề thì tình hình sẽ được cải thiện hẳn. Vậy làm thế nào để có được 15% đó?

Lâu nay các cuộc hội thảo bàn về phát triển du lịch làng nghề vẫn chỉ thuần túy dựa vào đánh giá chủ quan của các cơ quan nhà nước hay giới nghiên cứu chuyên môn. Trong khi đó, như lời bộc bạch từ những người thợ thủ công một làng nghề kia, cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương nêu ra cho họ nhiều giải pháp, biện pháp, nhưng cuối cùng họ lại không biết bắt đầu từ đâu.

Lẽ ra, một trong những động tác tối thiểu mà các cơ quan chức năng về du lịch cần làm là tổ chức một số cuộc điều tra, khảo sát về ý kiến du khách nước ngoài đối với hoạt động du lịch của các làng nghề.

Việc này cần được khảo sát tỉ mỉ chứ không phải chỉ là vài ba nội dung chung chung như một vài công ty du lịch đã làm. Để từ đó, chúng ta mới biết nhu cầu thật sự và những lời phiền trách của du khách nước ngoài là gì.

Có những bài báo ví du lịch làng nghề đang "ngắc ngoải" hay "giãy chết". Có thể cách ví von ẩn dụ như vậy là quá đáng, nhưng thực tế nhiều làng nghề đang trong tình trạng khá bĩ cực. Sức tiêu thụ trong nước có hạn, lại từ lâu nay ít được quan tâm đầu tư, nay đành trông mong vào "ngoại lực" , , , thì liệu số làng nghề như thế còn tồn tại được bao lâu nữa?

Tác giả: Trường Sơn


theo vef.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

58
Đang xem:
73.185.682
Tổng truy cập: