PHỤ NỮ & NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT VỚI LÀNG NGHỀ
(24)- Bông hướng dương giữa đại ngàn Tây Bắc
(Ngày đăng: 06/06/2022   Lượt xem: 317)

Trong những năm qua, kinh tế-xã hội và văn hóa của đồng bào người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã thay đổi nhanh chóng; vị thế, vai trò của người phụ nữ được nâng cao.

Để có kết quả đó, phải nhắc đến sự đóng góp của bà Lý Mảy Chạn, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, người tiên phong trong việc phát triển du lịch cộng đồng, đưa thổ cẩm truyền thống ra thị trường và góp phần xây dựng thương hiệu thuốc tắm Dao Đỏ nổi tiếng.

Người cán bộ gương mẫu, dám nghĩ, dám làm

Bà Lý Mảy Chạn sinh năm 1954, trong một gia đình người Dao tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai ). Khi hợp tác xã mới thành lập với 8 đội sản xuất, ngoài 20 tuổi, Lý Mảy Chạn đã được giao phụ trách một đội sản xuất. Năm 1980, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Hằng ngày, bà tổ chức cho  đội viên đi sản xuất trên các cánh đồng ruộng bậc thang, kiểm tra các đội viên làm việc và chấm điểm cho mọi người. Sau giờ làm việc, bà lại cùng chồng con lên nương trồng trọt để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Sau ngày đổi mới, ruộng đất được chia lại cho người dân, Lý Mảy Chạn tiếp tục làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; đến năm 1995, bà được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Bà trở thành một cầu nối quan trọng trong việc triển khai các dự án xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất để cải thiện đời sống của người dân xã Tả Phìn. Từ đó, nhiều cách thức làm ăn mới được tiếp nhận và phổ biến rộng rãi trong đời sống người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho quê hương.

Từ đầu thập niên 1990, du lịch ở Sa Pa bắt đầu phát triển. Xã Tả Phìn cách trung tâm huyện (nay là thị xã) Sa Pa chưa đầy 12km, có phong cảnh đẹp, có nhiều sản phẩm bản địa quan trọng nên xã được chọn là một trong những điểm du lịch trong hệ thống du lịch Sa Pa. Cuối thập niên 1990, khách du lịch vào Tả Phìn tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, khách vào tham quan rồi đi ra Sa Pa nghỉ ngơi, người dân trong xã không thu được lợi ích gì nhiều ngoài việc bán hàng rong. Nhận thức được điều đó, Lý Mảy Chạn suy nghĩ làm sao để giữ được khách nghỉ lại trong xã nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống, bán hàng và các dịch vụ khác, có như vậy mới tăng thu nhập cho bà con. Năm 2000, bà mạnh dạn sửa sang lại nhà, chia thành các phòng nhỏ, mua chăn đệm và xây dựng hệ thống vệ sinh khép kín, sạch sẽ để đón khách du lịch (đó chính là dịch vụ du lịch tại nhà-homestay đang khá phổ biến ở Sa Pa).

Bông hướng dương giữa đại ngàn Tây Bắc
Bà Lý Mảy Chạn pha chế thuốc. 
Lúc đầu, dịch vụ chỉ có ở gia đình bà, sau đó mở rộng ra một số hộ gia đình khác. Đến nay, trong xã có hơn 40 hộ hoạt động du lịch cộng đồng, nguồn thu từ hoạt động này trở thành một phần quan trọng để phát triển kinh tế gia đình. Và đây cũng là cơ sở để giới thiệu văn hóa truyền thống với khách du lịch. Nhận thấy khách du lịch nhìn những sản phẩm của người dân như thổ cẩm, đồ bạc và các sản phẩm nông nghiệp... rất thích và muốn mua làm kỷ niệm, bà nghĩ đến chuyện phải đưa các sản phẩm này thành hàng hóa bán cho khách du lịch. Năm 1998, được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Lý Mảy Chạn thành lập Câu lạc bộ thổ cẩm Tả Phìn, tập hợp phụ nữ trong xã cùng thêu may thổ cẩm để đưa ra thị trường. Lúc đầu, câu lạc bộ chỉ có hơn 30 người tham gia, sau này lên đến hàng trăm người, doanh thu của câu lạc bộ không ngừng tăng lên. Thổ cẩm của câu lạc bộ được chuyển xuống Hà Nội bán và xuất khẩu ra nước ngoài. Thu nhập từ thổ cẩm đã góp phần cải thiện đời sống và nâng cao vị thế của người phụ nữ ở Tả Phìn.

Quá trình làm du lịch cộng đồng, bà Lý Mảy Chạn suy nghĩ mạnh dạn hơn: Người Dao qua bao đời đã để lại một di sản to lớn về tri thức y học dân gian. Nhiều loại thuốc được người Dao phát hiện, chế biến rất hữu ích trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Ví dụ điển hình là thuốc tắm của người Dao Đỏ. Khách du lịch muốn tắm thuốc không chỉ để bảo vệ sức khỏe mà còn để tìm hiểu thêm về y học của người Dao. Lúc đầu, bà cùng một số người đi lấy thuốc về nấu cho khách tắm để thu tiền. Tuy nhiên, việc nấu thuốc trực tiếp tốn cây thuốc mà hiệu quả không cao, không thể đem đi bán ở nhiều nơi khác. Năm 2007, được sự giúp đỡ của một số nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Dược Hà Nội và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, bà đứng ra cùng với 18 hộ gia đình khác tổ chức thành lập công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (Sa Pa Napro) kinh doanh thuốc tắm. Từ đó, nhà máy chiết xuất thuốc tắm được xây dựng, thuốc tắm của người Dao Đỏ được đóng chai và dán nhãn mác. Hiện nay, doanh thu của công ty lên đến hơn 5 tỷ đồng mỗi năm và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, Lý Mảy Chạn cũng luôn suy nghĩ đến việc chiết xuất các loại thuốc khác để đem ra bán cho khách du lịch. Các bài thuốc chữa viêm xoang, chữa đau lưng hay thuốc sái, thuốc chữa các bệnh đau xương khớp... được bà chiết xuất cho vào chai bán tại nhà. Bà chia sẻ: “Ông cha để lại cho người Dao Đỏ một kho tàng tri thức về y học với rất nhiều bài thuốc quý. Những bài thuốc này đã được chứng minh hiệu quả trong quá trình sử dụng qua nhiều thế hệ. Nay bước vào kinh tế thị trường, mình luôn nghĩ làm sao để nó trở thành hàng hóa, một mặt giúp người khác bảo vệ sức khỏe, mặt khác tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào”. Hiện nay, ở Tả Phìn có 87% số hộ gia đình người Dao Đỏ tham gia các hoạt động liên quan đến kinh tế dược liệu và kinh tế dược liệu trở thành sinh kế có đóng góp lớn nhất về tài chính cho các hộ gia đình.

"Pho từ điển” của văn hóa Dao Đỏ

Bà Chạn đáng được coi là một "pho từ điển" về văn hóa người Dao ở địa phương. Không chỉ nhanh nhạy trong tiếp cận các cách thức làm ăn mới, bà còn hiểu biết sâu rộng về văn hóa cộng đồng dân tộc mình. Bà biết nhiều về lịch sử người Dao, về những câu chuyện kể, các nghề thủ công hay các phong tục tập quán, nghi lễ tôn giáo và đặc biệt là tri thức dân gian về y dược học, về sản xuất. Bà cũng giao tiếp tốt với người ngoài vì có nhiều năm làm cán bộ xã. Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức hay du khách khi đến đây đều tìm đến bà để hỏi chuyện, để tìm hiểu về lịch sử-văn hóa địa phương.

Như bà cho biết, hồi trẻ, bà đã thích nghe các bậc cao niên kể chuyện, sau đó vì công việc nên bà lại dành nhiều thời gian để tìm hiểu, ghi chép và học hỏi từ những người già có nhiều hiểu biết để vừa thỏa mãn đam mê, vừa làm tốt công việc. Cũng nhờ vậy mà bà biết nhiều, biết sâu về văn hóa người Dao. TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai mỗi khi cần tìm hiểu những kiến thức liên quan đến người Dao Đỏ lại tìm đến bà Chạn, và khi người khác cần thì ông cũng giới thiệu họ tìm đến bà Chạn. TS Mai Thanh Sơn, một nhà dân tộc học có nhiều năm nghiên cứu về người Mông và Dao ở Tây Bắc cũng cho rằng: “Chị Chạn hiểu rõ về văn hóa người Dao hơn bất cứ một chuyên gia nghiên cứu về người Dao nào mà tôi biết”.

Từ những chia sẻ của bà Lý Mảy Chạn, văn hóa người Dao Đỏ đã không ngừng được quảng bá sâu rộng ra những đối tượng khác nhau, trong đó có nhiều bạn bè quốc tế. Nhiều du khách nước ngoài đã đến và ở lại nhà bà trong thời gian dài để khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương. Tại đây, họ được hiểu sâu sắc hơn qua những câu chuyện mà bà Chạn chia sẻ. Và khi rời khỏi Tả Phìn, những người khách này lại trở thành đầu mối, chia sẻ với bạn bè quốc tế, càng làm cho nơi đây trở thành điểm hứa hẹn hơn với du khách nước ngoài.

Điểm tựa cho gia đình và người Dao Đỏ ở Tả Phìn

Ở tuổi gần 70, sức khỏe ngày càng kém nhưng bà Chạn vẫn là trụ cột kinh tế lẫn tinh thần của đại gia đình, cho hơn hai chục người con và cháu. Bà Chạn tâm sự: “Mình già và yếu rồi, đáng ra phải được nghỉ ngơi nhưng giờ mình nghỉ thì con cháu lại khó khăn, thiếu thốn nên lại cố gắng. Mà nghĩ cho cùng thì làm việc cũng là niềm vui, làm việc mới được chia sẻ với mọi người và cũng được mọi người chia sẻ lại”.

Không chỉ là chỗ dựa của gia đình, bà Lý Mảy Chạn còn là điểm tựa vững chắc cho đồng bào Dao Đỏ ở Tả Phìn. Mỗi khi có việc gì đó khó giải quyết, bà con lại gọi điện cho bà Chạn để nhờ bà tư vấn, chia sẻ. Hằng ngày, bà vẫn giúp đỡ người khác nhiều việc qua những cuộc điện thoại, như: “Cô Chạn ơi, nhà cháu có ba khách hẹn tối nay đến tắm thuốc nhưng giờ họ báo lại do có sự cố nên không vào được, mà cháu đã chuẩn bị xong rồi, nên làm sao đây?”. Khi đó, bà Chạn lại đi liên hệ với các gia đình khác để họ chia sẻ giúp, không lãng phí thuốc tắm cũng như làm cho quan hệ hỗ trợ lẫn nhau của bà con được nâng lên. Hoặc mỗi khi có thứ gì đó trong một bài thuốc cổ truyền mà người mới vào nghề không hiểu thì họ cũng tìm bà để hỏi. Bà sẵn sàng chia sẻ, vì như bà tâm sự: "Đó là của cải chung do cha ông để lại, mình chết có mang theo được đâu, lớp trẻ muốn học hỏi thì phải vui mừng và truyền đạt lại đầy đủ những cái mình biết”. Vì sự nhiệt tình giúp đỡ người khác mà bà Chạn luôn nhận được sự kính trọng của người dân trong xã, hầu như những người làm du lịch cộng đồng hay kinh tế dược liệu đều yêu mến bà, coi bà như một người thầy đã không ngừng giúp đỡ họ.

Trong cả cuộc đời, bà Lý Mảy Chạn luôn trăn trở với việc làm sao để bà con trong xã giảm bớt đói nghèo, phát triển kinh tế, người phụ nữ có thêm việc làm để tăng thu nhập và nâng cao vị thế trong cuộc sống, trẻ con được đến trường đi học, quê hương ngày một khang trang. Đó là động lực để bà vươn tới tiếp thu các hình thức tổ chức sản xuất, các cách tiếp cận phát triển, đưa người Dao ở Tả Phìn đi lên cùng đất nước trong quá trình đổi mới và hội nhập. Nhiều năm liền, Lý Mảy Chạn được bầu là Chiến sĩ thi đua các cấp. Năm 2005, bà vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tới Hà Nội dự lễ và được Chủ tịch nước tặng bằng khen. Bên cạnh đó, bà vinh dự được nhận Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Huy chương Vì sự nghiệp dân vận... Đó là những ghi nhận xứng đáng đối với một người phụ nữ giỏi giang, năng động trên vùng đại ngàn. Bà đã dành phần lớn cuộc đời mình để góp phần xây dựng quê hương, góp phần truyền bá văn hóa người Dao đến với nhiều người hơn. Hiện nay, bà vẫn hăng hái đứng ra tổ chức cho nhân dân thực hiện Chương trình “Giấc mơ đỏ” (red dream) và các hoạt động tại nhà cộng đồng. Hằng ngày, ngoài việc đón tiếp khách, chiết xuất dược liệu và liên hệ với các đối tác, bà vẫn cùng bà con đi trồng cây atiso-một cây thuốc có giá trị kinh tế đang được trồng phổ biến ở đây và là nội dung quan trọng trong Chương trình “Giấc mơ đỏ”.

Dù đã dành phần lớn cuộc đời cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng, bà Lý Mảy Chạn vẫn chưa cho mình một ngày nghỉ ngơi. Như bà vẫn trăn trở: “Mình đã cố gắng rất nhiều nhưng cuộc sống bà con ở đây vẫn còn khó khăn lắm. Vậy nên phải không ngừng tìm cách thay đổi, tiếp cận với thị trường, với cuộc sống hiện đại để phát triển. Muốn vậy phải đào tạo được những người trẻ tuổi để họ thay thế mình làm việc và giao thiệp với các đối tác bên ngoài”. Đó cũng là lý do mà khi nói đến bà, mọi người trong xã đều xem bà như một tấm gương vươn lên trong công cuộc đổi mới và phát triển quê hương, là một bông hướng dương hướng đến mặt trời của sự phát triển cộng đồng.
                                   Theo: qdnd.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.459.764
Tổng truy cập: