PHỤ NỮ & NGƯỜI KHIẾM KHUYẾT VỚI LÀNG NGHỀ
Người Thái ở bản Diềm giữ nghề truyền thống
(Ngày đăng: 23/08/2018   Lượt xem: 409)
“Lưu giữ nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào dân tộc Thái và đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới là tâm huyết của tôi và chị em trong Tổ mây tre đan bản Diềm. Trải qua nhiều khó khăn, hiện nay, sản phẩm của chúng tôi đã được xuất bán ra thị trường trong nước và nước ngoài như Đức, Pháp… Những đơn hàng là “trái ngọt” tiếp thêm động lực giúp chúng tôi tiếp bước trên con đường đã chọn”. Đó là những lời tâm sự của chị Lang Thị Hoa, người sáng lập và là Tổ trưởng Tổ mây tre đan bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

Tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo

k5f7_17
       Chị Lang Thị Hoa bên lề Gala khởi nghiệp: “Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng”. Ảnh: Thu Trang

Bản Diềm nằm sát biên giới Việt - Lào, cách trung tâm xã Châu Khê khoảng 10km, là nơi sinh sống của khoảng 153 hộ đồng bào dân tộc Thái và Thổ. Sinh sống chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản nên đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù vậy, nhưng người Thái ở bản Diềm lại luôn ý thức lưu giữ những giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống mây tre đan đã có từ lâu đời.

Chị Lang Thị Hoa, người con của dân tộc Thái, luôn đau đáu việc gìn giữ nghề mây tre đan đang ngày càng mai một. Ý tưởng thành lập một nhóm những người biết và làm nghề mây tre đan để gìn giữ nét văn hóa của người Thái được chị ấp ủ từ lâu. Chị cho biết: “Tháng 6-2014, Tổ mây tre đan bản Diềm được thành lập ban đầu chỉ có 17 người tham gia, làm các sản phẩm phục vụ hoạt động sinh hoạt hằng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi... Sau này tổ tăng lên 22 thành viên và làm các sản phẩm bán ra thị trường”.

Cũng theo chị Hoa, thành viên trong tổ mây tre đan đều là những phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân nuôi con tàn tật và người cao tuổi sinh sống tại bản Diềm. Người nhiều tuổi nhất là ông Vi Văn Duyên (81 tuổi), ít tuổi nhất là chị 52 tuổi. Trong tổ còn có chị Vi Thị Thanh, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con bị tật nguyền, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhờ tham gia Tổ mây tre đan bản Diềm, chị Thanh đã có thêm thu nhập để cải thiện đời sống gia đình.

Tổ mây tre đan bản Diềm không chỉ là nơi lưu giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, mà còn tạo được sinh kế cho phụ nữ nghèo miền biên ải xa xôi của tỉnh Nghệ An. Các thành viên trong tổ còn thành lập quỹ Tương trợ để giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Hằng tháng, sau khi lấy tiền công, mỗi người đóng góp 20.000 đồng vào quỹ Tương trợ. Quỹ này sẽ lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển sản xuất hoặc giúp những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn.

5b5bdfdd22f7c7bbd5000356
Một số sản phẩm mây tre đan với hoa văn độc đáo của Tổ mây tre đan bản Diềm được khách hàng ưa chuộng.  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đưa sản phẩm mây tre đan xuất ngoại

Nhớ lại những ngày đầu gian khó, chị Thanh vui vẻ kể lại: “Ban đầu thành lập, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, nhất là về kĩ thuật và có thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên nhiều thành viên đã phải chuyển sang nghề khác. Còn có thời điểm sản phẩm tìm được đầu ra nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất. Chính vì những khó khăn đó nên đôi khi sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập cũng không ổn định”.

Đứng trước khó khăn đó, chị Lang Thị Hoa vẫn không dừng bước. Người phụ nữ hơn 50 tuổi, tự mình đi vận động, liên hệ, tìm các dự án hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chị trải lòng: “Dù gặp nhiều thăng trầm, nhưng Tổ mây tre đan bản Diềm lại may mắn khi có được sự hỗ trợ rất nhiều từ dự án VIE 028, dự án Oxfam, dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam. Tổ chúng tôi được tập huấn, hỗ trợ vốn, kĩ thuật, phổ biến kiến thức nâng cao tay nghề, tìm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu ngành nghề Việt Nam cũng mời nghệ nhân vào tận Nghệ An giảng dạy”.

Không dừng lại ở đó, chị Hoa còn trăn trở làm thế nào sản phẩm làm ra hấp dẫn người tiêu dùng hơn, để người mua tự tìm đến với mình. Không ngại khó, chị một mình sang huyện Tương Dương (Nghệ An) để học hỏi và tìm cách đa dạng hóa mẫu mã, tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm. Ý tưởng gặp ý tưởng, chị cho biết, trong Tổ mây tre đan bản Diềm có bà Vi Thị Nội, 63 tuổi, là người đầu tiên mạnh dạn duy trì và nghiên cứu thêm những hoa văn dựa trên các tấm thổ cẩm ngày xưa và đưa các hoa văn đó ứng dụng trong nghề mây tre đan. Hoa văn đầu tiên bà Nội sưu tầm là đao tèm - có nghĩa là ngôi sao. Giờ bà Nội đã có được 12 hoa văn. Những hoa văn đó đều do bà Nội tự cài lên nan rổ rá và mặt mâm, tạo nét khác biệt, thu hút người tiêu dùng.

Nhờ các dự án hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và sự tìm tòi, học hỏi của các thành viên nên sản phẩm của Tổ mây tre đan bản Diềm được xuất bán thị trường trong và ngoài nước như Đức, Pháp. Mỗi tháng tổ nhận từ 5 đến 6 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm. Thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng lên, ban đầu chỉ từ 20.000 đồng/người/ngày, nay tăng lên tới 100.000 đồng/người/ngày. Bình quân thu nhập của mỗi thành viên là 3 - 3,5 triệu/tháng.
Tháng 5-2018, chị Lang Thị Hoa được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen trong Chương trình Gala khởi nghiệp: “Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng”. Tổ mây tre đan bản Diềm được trao tặng Bằng khen của Ủy ban Dân tộc về khởi nghiệp phát triển kinh tế bản làng.

Đi lên từ nghề truyền thống của cha ông, Tổ mây tre đan bản Diềm là điểm sáng trong khai thác tiềm năng hợp lý từ rừng và gắn với phát triển du lịch. Chị Hoa chia sẻ với tôi trong niềm phấn khởi, tin tưởng vào con đường mình đã chọn, chị nói: “UBND xã đã đầu tư 1 máy chẻ mây, 1 máy vuốt mây cho tổ chúng tôi. Trong thời gian tới, chính quyền huyện sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí không chỉ cho tổ chúng tôi, mà còn để xây dựng nghề đan lát bản Diềm thành làng nghề truyền thống mang bản sắc của người Thái gắn với du lịch cộng đồng. Nghề truyền thống mây tre đan gắn liền với người Thái không chỉ ở bản Diềm nữa, mà còn vươn xa ra ngoài biên giới”.
                                                                                                  Theo: bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.406.185
Tổng truy cập: