MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(50-59)- Đồng bào Việt phục
(Ngày đăng: 15/10/2021   Lượt xem: 269)

Những bài viết với lời mở đầu “Chào đồng bào!”, nghe có vẻ xưa xưa nhưng lại thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ bởi lối vẽ minh họa trẻ trung kết hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường - AR. 

Hình ảnh trang phục đồng bào các dân tộc do nhóm “Đồng bào Việt phục” thực hiện

Hình ảnh trang phục đồng bào các dân tộc do nhóm “Đồng bào Việt phục” thực hiện

Tìm về những câu chuyện văn hóa bản địa, đặc sắc vùng miền, nhóm bạn trẻ cùng nhau kể chuyện bản sắc dân tộc qua từng nét văn hóa trong đời sống và nếp sinh hoạt của 54 dân tộc anh em.

Kể chuyện cùng đồng bào

Quét mã QR qua điện thoại, màn hình xuất hiện hình ảnh đồng bào dân tộc Mảng với chàng trai vẫy tay chào, cô gái ôm bó nứa rừng, Đỗ Hoàng Thịnh (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn) thích thú kể: “Hình ảnh trang phục đồng bào các dân tộc trên mạng khá nhiều, nhưng hình ảnh tương tác kết hợp thực tế tăng cường - AR như thế này, tôi lần đầu được trải nghiệm. Tôi chuẩn bị làm bài thuyết trình có liên quan đến trang phục các dân tộc Việt Nam, tư liệu này đưa vô bài rất hấp dẫn, đỡ nhàm chán cho người xem hơn”.

Biết đến dự án “Đồng bào Việt phục” qua mạng xã hội, cô giáo tiểu học Huỳnh Thị Thu Trang (26 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Tôi thấy các bạn tổng hợp thông tin rất kỹ, không chỉ có trang phục mà thói quen sinh hoạt đặc trưng của đồng bào dân tộc cũng được các bạn chú trọng. Tôi lưu thành tài liệu để sau này soạn giáo án sẽ sử dụng, hình ảnh càng tương tác, sinh động thì càng dễ truyền đạt tới học sinh”.

“Đồng bào Việt phục” là đề tài tốt nghiệp với chủ đề trang phục dân tộc của ba bạn trẻ Thảo Nhi, Minh Thảo, Huyền Trân (Đại học FPT Cần Thơ). Nhận được những phản hồi tích cực sau khi chia sẻ vài hình ảnh đầu tiên lên mạng xã hội, ba cô gái trẻ phát triển thành dự án phi lợi nhuận, để lan tỏa văn hóa của các dân tộc anh em tới nhiều người.

Các thành viên trong nhóm bày tỏ: “Chúng tôi nghĩ rằng, trang phục là điều mà ta có thể nhận biết một cách nhanh nhất và rõ nét nhất về nét đẹp cũng như văn hóa của đồng bào mình. Từ đó, nhóm quyết định cho ra đời dự án mang tên “Đồng bào Việt phục”. Với ý nghĩa nét đẹp bên ngoài được hình thành từ bên trong, nên nhóm mong muốn thông qua những bộ trang phục sẽ truyền tải thông tin về 54 dân tộc anh em cũng như sự đa dạng văn hóa sắc tộc ở nước ta”. 

Hiện tại, dự án “Đồng bào Việt phục” có 13 thành viên, được chia thành 2 nhóm là Design và Marketing. Mỗi tuần, sẽ có một bạn đảm nhận vai trò lên kế hoạch ý tưởng và nội dung cho tuần tiếp theo.

Những màu sắc riêng biệt

 Mỗi thành viên trong dự án “Đồng bào Việt phục” là một màu sắc, một cá tính sáng tạo khác nhau. Dựa trên bản phác thảo của Minh Thảo, Huyền Trân sẽ thực hiện một số thao tác diễn hoạt trên máy bằng phần mềm để các hình ảnh có thể chuyển động. Không chỉ tỉ mỉ và chính xác trong từng chi tiết đặc trưng trên trang phục các dân tộc, phần âm nhạc cũng được nhóm nghiên cứu nhạc cụ dân tộc phù hợp.

“Cả nhóm tuy là những cá thể với những màu sắc riêng biệt, nhưng khi tập hợp lại sẽ tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Cũng giống như sự đa dạng trong văn hóa từ 54 dân tộc tạo nên một Việt Nam đa sắc màu trong một thể thống nhất”, Minh Thảo chia sẻ.

Công nghệ cùng môi trường mạng xã hội giúp nhiều bạn trẻ có thể khai thác thương mại từ các dự án, nhưng với “Đồng bào Việt phục”, Huyền Trân bày tỏ: “Dự án không có ý định khai thác thương mại mà chủ yếu tập trung vào ý tưởng phục vụ cộng đồng. Đây cũng chính là sợi dây kết nối, mang các thành viên đến gần nhau hơn. Trong quá trình thực hiện, cả nhóm cùng tổng hợp, tra cứu chéo dữ liệu từ nhiều nguồn sách báo và trang web chính thống. Mặc dù không có chuyên gia nghiên cứu đồng hành cùng dự án, nhưng chúng tôi may mắn nhận được nhiều hỗ trợ từ thầy cô và các anh chị trong giới ủng hộ, cố vấn mỹ thuật”.

Thảo Nhi (thành viên dự án “Đồng bào Việt phục”) bày tỏ: “Nhóm mong muốn dùng cách nhìn của người trẻ để khám phá những giá trị văn hóa truyền thống bao đời của ông bà mình, từ đó có cách tiếp cận mới mẻ hơn đến các bạn trẻ thời nay. Dùng từ “trách nhiệm” thì các bạn trẻ có thể sẽ thấy hơi nặng nề một xíu, vì vậy chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản và cố gắng làm hết sức để mang những giá trị văn hóa truyền thống xưa cũ trong một lớp áo mới, làm sao vẫn giữ gìn được cái hồn, cái gốc của những giá trị văn hóa truyền thống đó. Nhóm hy vọng với những cách khám phá mới mẻ, thú vị, dự án này sẽ góp một phần nhỏ gieo hạt mầm ý thức về việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ ngày nay”.

Áp dụng mô hình thực tế ảo tăng cường AR vào tranh minh hoạ, “Đồng bào Việt phục” mang lại trải nghiệm cho người xem sự mới lạ và sinh động hơn và tìm hiểu chuyên sâu hơn về mặt hình ảnh và các nhạc cụ dân tộc.

                                          Theo: sggp.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.458.640
Tổng truy cập: