CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
Việt Yên - huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang
(Ngày đăng: 22/12/2018   Lượt xem: 382)


Việt Yên tập trung các khu công nghiệp lớn trong tỉnh. Ảnh: Việt Bách

Những điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới

Việt Yên là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với 7 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 284 doanh nghiệp đang hoạt động. Việc phát triển công nghiệp không những đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp mà còn tạo việc làm ổn định cho trên 68.160 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng chất lượng, năng suất lao động; gia tăng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Chuyển dịch cơ cấu lao động đã tạo điều kiện để thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn huyện.

Xác định nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển đúng đắn khi mà nhu cầu những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn chất lượng ngày càng tăng, đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp bởi việc phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này giảm, huyện Việt Yên đã xác định sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là bước đi tất yếu, là tương lai của nông nghiệp, từ đó đưa ra những giải pháp để kết hợp việc sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, nâng cao chất lượng, gia tăng thu nhập cho lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU, ngày 16-8-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020”; kế hoạch số 35-KH/HU, ngày 14-12-2016, của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên giai đoạn 2016 - 2020”, Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên đã rà soát, xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, kế hoạch ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên năm 2017 và 2018.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa, khoai tây, rau an toàn theo chuẩn VietGap, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới tại các xã Trung Sơn, xã Tự Lạn, xã Việt Tiến, xã Nghĩa Trung, xã Minh Đức, xã Ninh Sơn, xã Quảng Minh, Thị trấn Nếnh… với diện tích trên 840 ha, cụ thể là: Vùng rau an toàn tập trung 20ha ở thôn Minh Sơn, xã Trung Sơn; Vùng rau củ quả ứng dụng công nghệ cao ở xã Việt Tiến (sản xuất trong nhà lưới khoảng 10 ha, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm); vùng sản xuất thủy sản tập trung tại xã Nghĩa Trung với 82 ha. Các vùng sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ, cho lợi nhuận trên 300 triệu/ha/năm, trong đó khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới) lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Bình quân thu nhập của lao động từ 6 triệu - 10 triệu đồng/người/tháng.

Toàn huyện có 331 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc (trong đó 91 di tích đã được các cấp xếp hạng: 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh) điển hình như: Chùa Bổ Đà (khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, có Bộ Mộc bản Kinh Phật được công nhận là Bảo vật quốc gia và nhận 2 kỷ lục mới của Việt Nam đó là: “Mộc bản cổ nhất Việt Nam” và “Vườn tháp lớn nhất Việt Nam” với 100 ngôi tháp bằng gạch nung xếp hàng, xếp lớp theo những quy định chặt chẽ của Thiền tông), chùa Thổ Hà; đình Vân Cốc; đền thờ danh nhân văn hóa, tiến sỹ, trạng nguyên Thân Nhân Trung nổi tiếng với câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”… và nhiều vùng thắng tích, cảnh quan đẹp như Đền Mỏ Thổ xã Minh Đức; khu Khe Bàn, xã Vân Trung...

Ngoài ra, huyện còn bảo tồn và phát huy được 2 giá trị của di sản văn hóa tiêu biểu đó là ca trù và dân ca quan họ. Đối với di sản văn hóa ca trù được lưu giữ trên tấm bia đá có niên đại từ năm 1693 tại đình Thổ Hà, xã Vân Hà. Năm 2009, loại hình dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hiện toàn huyện hiện có 18 làng quan họ (5 làng quan họ cổ được UNESCO công nhận) nằm dọc theo bờ bắc sông Cầu, có 108 câu lạc bộ hát quan họ với hơn 1.800 thành viên. Theo lộ trình đến năm 2020, huyện xây dựng thành công sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn.

Để xây dựng nông thôn mới thành công, huyện luôn xác định người dân là chủ thể và Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ để triển khai thực hiện. Bởi vậy, ngay từ năm 2011, Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên rất coi trọng và quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện trong xây dựng nông thôn mới như: Chính sách hỗ trợ các hợp tác xã trong việc thu gom xử lý rác thải nông thôn; cơ chế trích lại 100% phần vượt thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã xây dựng nông thôn mới; trích ngân sách huyện để khuyến khích các xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn … Đáng chú ý là, các hợp tác xã đã hình thành được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ và hướng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Việt Yên được đánh giá là lá cờ đầu trong phong trào hỗ trợ, khơi dậy sự đóng góp của nhân dân tích cực trong tham gia xây dựng nông thôn mới, là một trong những cơ sở để tỉnh nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang.

Từ năm 2012 đến nay, huyện đã dành 54% nguồn thu ngân sách tập trung cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu đề ra; đã đầu tư xây dựng cho 940 công trình, mô hình sản xuất (50 công trình cấp huyện, 890 công trình cấp xã); cứng hóa 361,42 km đường giao thông, duy tu bảo trì 129,82 km đường giao thông; cứng hóa 12km kênh mương; xây dựng mới 309 phòng học, 116 phòng chức năng các cấp; cải tạo, xây mới 117 nhà văn hóa thôn; cải tạo sửa chữa 17 trạm y tế…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, như tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Đúc kết, nhân rộng các phong trào quần chúng trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phát động rộng rãi các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới mang tính thực chất, đi vào chiều sâu, nội dung đa dạng, hình thức phong phú, có tác dụng tạo sự đồng thuận cao và sức lan tỏa, làm thay đổi nhận thức của người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Vận động xã hội hóa thực hiện Chương trình trên cơ sở hài hòa lợi ích, huy động phù hợp với sức dân; khơi dậy, phát huy tính tự giác, tự nguyện của người dân. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia giám sát quá trình xây dựng nông thôn mới; tham gia bảo quản các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn.

Huyện ủy tập trung thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất trên địa bàn để lại cho xã đầu tư thực hiện nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp cho các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định của tỉnh Bắc Giang. Chủ động cân đối, bố trí lồng ghép, huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các tiêu chí có thể tạo nên sự phát triển đột phá với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện Việt Yên tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình theo kế hoạch hằng năm; bảo đảm việc đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo lộ trình đã đề ra trong Đề án xây dựng nông thôn mới. Thực hiện xã hội hoá đầu tư các công trình cấp nước sạch, chợ nông thôn, công trình thu gom, xử lý rác thải và một số công trình công ích khác, nhất là đối với các cồng trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các xã nông thôn mới theo quy định. Sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các khoản huy động hợp pháp khác để thực hiện xây nông thôn mới tại cơ sở. Duy trì và phát triển làng nghề mây tre đan xuất khẩu Tăng Tiến, bánh đa nem Thổ Hà, rượu làng Vân, phát triển làng nghề gắn với bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đầu tư phát triển các chợ nông thôn tại các cụm trung tâm xã theo hướng chuyển đổi mô hình khai thác, quản lý, kinh doanh cho tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước. Khuyến khích đầu tư các cửa hàng tự chọn. Thực hiện tốt quản lý thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến trong sử dụng hàng Việt Nam thay thế hàng ngoại nhập. Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 tại địa phương, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác đạt chuẩn, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm trên địa bàn huyện, nhất là các sản phẩm chủ lực của huyện, như rau củ quả, hoa chất lượng cao, khoai sọ, nếp cái hoa vàng...

Tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng cường xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, hoàn thành xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao Trung học cơ sở Thân Nhân Trung, trường học kiểu mẫu tại Trường Tiểu học Bích Sơn. Làm tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp xã đạt chuẩn; củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, ổn định, vững mạnh, có năng lực hoạt động tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.

Bài học kinh nghiệm rút ra

Một là, phát huy vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự gương mẫu, tiên phong, nòng cốt của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các ngành và từng cấp ủy viên phải thường xuyên sâu sát, tìm tòi, phát hiện những cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, đúc kết kinh nghiệm về cách làm, về giải pháp khắc phục.

Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội từ huyện đến thôn phải luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, bền vững, có kế hoạch, lộ trình cụ thể không vì phong trào và hình thức mà làm bằng mọi cách để cho đạt, từ đó huy động đóng góp quá sức dân.

Hai là, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Có cách làm phù hợp với điều kiện từng địa phương; đảng ủy các xã chỉ đạo các chi bộ thôn rà soát những tiêu chí đã đạt, chưa đạt trên địa bàn từng thôn. Bám sát điều kiện thực tế ở địa phương để kịp thời điều chỉnh, xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới ngay từ thôn, cụm dân cư. Phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, đảm nhận các phần việc xây dựng nông thôn mới ở thôn theo phương châm “cấp ủy viên bám thôn, đảng viên bám tổ đoàn kết”.

Ba là, chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp trong xây dựng nông thôn mới, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ chuyên trách nông thôn mới, bí thư chi bộ, trưởng thôn; thường xuyên tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng nhân dân, nông dân về mục tiêu thực hiện và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông thôn mới.

Bốn là, phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân làm tiền đề huy động nguồn lực trong nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả. Thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, từ đó tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất tập trung thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Năm là, thường tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá nội dung tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các cuộc giao ban tuần, tháng của UBND huyện để đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những vướng mắc, từ đó đưa ra phương hướng chỉ đạo kịp thời. Gắn trách nhiệm kết quả xây dựng nông thôn mới tới từng cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo nông thôn mới. Kịp thời động viên, khen thưởng tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới./.
                                                                                           Theo: tapchicongsan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.467.871
Tổng truy cập: