CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
Bài cuối: Tránh “vỏ” đô thị, “ruột”... nông thôn
(Ngày đăng: 05/08/2017   Lượt xem: 719)
Xây dựng nông thôn mới hôm nay chính là tạo đà cho phát triển đô thị trong tương lai gần. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn thực trạng “vỏ” là đô thị, nhưng “ruột” vẫn... nông thôn. Vì vậy để khắc phục, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiều vấn đề về an sinh xã hội, quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho từng xã, từng huyện...

Bảo đảm quy hoạch, hạ tầng đồng bộ

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, khi xây dựng đề án nông thôn mới, hầu hết các xã đều lập quy hoạch nông thôn đơn thuần, vì vậy phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với phát triển đô thị trong tương lai và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Mới đây, kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tại các huyện, thị xã, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đều lưu ý các địa phương xây dựng nông thôn mới cần có tầm nhìn, gắn chặt với đô thị hóa. Phải xác định định hướng của một số ngành, lĩnh vực, gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phục vụ dân sinh. Cùng với đó, xác định hướng phát triển, nguyên tắc áp dụng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cho các khu chức năng, cơ sở hạ tầng nông thôn để bảo đảm yêu cầu xây dựng nông thôn mới...
 
Đường làng xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai, Hà Nội) khang trang sạch đẹp. Ảnh: Đức Nghiêm

Kiểm tra tại huyện Hoài Đức, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn lưu ý huyện cần có dự báo, lường trước được những vấn đề đô thị hóa đặt ra để có biện pháp ứng phó. Bởi Hoài Đức đang có khoảng 230.000 người dân nhưng dự báo trong khoảng 5 đến 10 năm tới con số này nâng lên từ 400.000 đến 500.000 người. Do đó, huyện cần quy hoạch quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng sau khi trở thành quận. Tại huyện Thanh Oai, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chỉ rõ: Theo quy hoạch, huyện Thanh Oai thuộc vùng phát triển đô thị xanh. Khi triển khai, huyện phải tính đến việc đô thị hóa. Cùng với nỗ lực của huyện, các sở, ngành cần hướng dẫn địa phương trong xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị trong tương lai...

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, hiện nay Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn thuộc quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Đây là cơ hội để các địa phương điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bồi dưỡng cán bộ quản lý, phát huy nét đẹp văn hóa


Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, quá trình đô thị hóa, người dân các nơi nhập cư về Hà Nội ngày càng nhiều. Các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì... đều là những huyện giàu truyền thống văn hóa. Các địa phương hiện nay gần như mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng các nhà văn hóa mà chưa quan tâm nhiều đến phát huy những giá trị văn hóa ở cơ sở. Do vậy, phải tìm “lối thoát” để bảo lưu và phát triển những nét đẹp văn hóa đang bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Những điều tưởng là nhỏ như nếp ăn, nếp ở, sinh hoạt, ở nông thôn khác so với thành thị, người dân cần phải có sự dung hòa, thay đổi.

Ở một góc nhìn khác, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn lưu ý: "Riêng một khu đô thị cũng có đến hàng nghìn căn hộ. Cư dân có thể bằng cả một xã. Do vậy, cơ cấu hành chính làm thế nào để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị cũng là điều đáng bàn. Các địa phương cần phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý nhà nước có trình độ chuyên môn trong quản lý đô thị sẵn sàng đáp ứng công việc".

Bên cạnh đó, việc giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất, phát triển làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường... cũng đang là vấn đề bức thiết. Mặc dù thành phố rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên phải xác định việc nào làm trước, việc nào làm sau, cũng như đòi hỏi nguồn lực đầu tư khá lớn. Sản xuất nông nghiệp ở các huyện ven đô, dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế song lại liên quan đến nhiều hộ dân. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch sang sản xuất rau, hoa, quả theo hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết chuỗi và gắn với phát triển du lịch... để nâng cao giá trị.

Rõ ràng, để có thể chuyển từ huyện trở thành quận, các địa phương phải đáp ứng các tiêu chí về cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Mặc dù đã đạt hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, cấp huyện nhưng với yêu cầu phát triển đô thị thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi mục tiêu cuối cùng của mọi chương trình là vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cả về vật chất lẫn tinh thần.

 
Trong Quyết định số 676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18-5-2017 về “Phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020” giao: Ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia lựa chọn 8 địa phương triển khai thí điểm trong đó có TP Hà Nội lựa chọn các huyện nằm trong đô thị và các huyện có kế hoạch trở thành đô thị năm 2020 để triển khai thực hiện.
                                                                                                  Theo: hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.467.382
Tổng truy cập: