DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Gìn giữ nét văn hóa Mường
(Ngày đăng: 01/04/2013   Lượt xem: 802)
Hàng trăm năm qua, các thế hệ người Mường ở xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) đã giữ gìn, phát huy được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đối với họ, tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành âm thanh linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
 
Bà Khoai và bộ cồng chiêng cổ của gia đình. Ảnh: Đỗ Chí
Bà Khoai và bộ cồng chiêng cổ của gia đình. Ảnh: Đỗ Chí

"Cồng chiêng trong hội sắc bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà; cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; cồng chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn về xứ Mường ma; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no..." - bà Đinh Thị Khoai, năm nay đã sang tuổi 82, ở thôn Cổ Rùa, xã Phú Mãn, tự hào nói về cồng chiêng của dân tộc mình. Ở xứ Mường Phú Mãn, vợ chồng ông bà Bùi Văn Cởi (84 tuổi) và Đinh Thị Khoai là một trong số ít ỏi những người cao tuổi còn lưu giữ được bộ cồng chiêng cổ.

Theo lời bà Khoai, tiếng cồng chiêng boòng beng mang cái hồn linh thiêng của núi rừng, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những "thanh âm linh thiêng đất trời" ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường. Chính vì ý nghĩa to lớn ấy mà bộ cồng chiêng cổ của bà Khoai đã được gìn giữ như "bảo vật". Trong câu chuyện với chúng tôi về cồng chiêng, ban đầu bà Khoai "dè dặt" khi chỉ mang một chiếc cồng ra giới thiệu. Nhưng lòng hiếu khách của người Mường đã khiến chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đầu tiên là ông Cởi tìm đâu được một chai rượu nhỏ và một vài cái ly, sau đó bà Khoai vào phòng trong mở hòm khệ nệ lần lượt bê từng chiếc cồng ra cho khách chiêm ngưỡng. Tất cả 7 chiếc chiêng được đặt trên bàn uống nước, làm chúng tôi ai nấy đều phải trầm trồ khen ngợi.

Trưởng thôn Bùi Văn Linh ghé tai thì thầm: "Các anh là những vị khách quý mới được ông bà giới thiệu tỉ mỉ đến vậy đó. Chúng tôi là người dân ở đây cũng chỉ được nghe chứ chưa bao giờ được tận mắt như thế này đâu". Bà Khoai nói rằng: "Bộ chiêng cổ đã có hàng trăm năm nay, gốc tích thì không biết được, chỉ biết bảo vật được truyền từ đời này qua đời khác và cứ như vậy, các thế hệ con cháu trong gia đình luôn giữ gìn và bảo vệ cẩn thận. Tiếng cồng chiêng cổ ngân vang xa cả bản nghe được, cồng mới bây giờ thì không được như vậy". Bộ cồng chiêng cổ của bà Khoai có 7 chiếc, trong đó có 2 chiêng cái và 5 chiêng con. Khi bộ cồng được mang ra sử dụng là trong những dịp lễ tết của thôn bản và ngày hội của người Mường.
 
Đặc biệt, những dịp gia đình có giỗ chạp, con cháu tề tựu đông đủ là bộ cồng lại được các thành viên trong gia đình mang ra đánh. Bà Khoai tâm sự, mỗi dịp như vậy tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên là để thay lời cảm ơn ông bà tổ tiên, đồng thời giáo dục con cháu biết quý trọng truyền thống, chăm chỉ học hành và nghe lời ông bà cha mẹ. Nói đến đây, ánh mắt bà Đinh Thị Khoai vui hẳn lên và xen lẫn niềm tự hào về những đứa cháu nội, cháu ngoại chăm ngoan học giỏi. Bà kể: "Các cháu đều học đại học, làm giáo viên hết cả. Cháu Bùi Thị Mơ, Bùi Thị Như đang học Đại học Sư phạm; cháu Bùi Thị Hoài Thu vừa tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp đã đi làm".

Bà Khoai nhớ lại, từ hồi trẻ đam mê cồng chiêng đã ngấm vào con người bà. "Tôi nghiện chiêng lúc nào không hay, cứ nghe thấy tiếng chiêng là lại thấy náo nức khó tả. Có lúc cuộc sống của đồng bào Mường khó khăn, nhiều người mang chiêng đem bán với giá rẻ thì gia đình tôi vẫn nhất quyết giữ lại những chiếc chiêng cổ của gia tộc"- bà Khoai tâm sự. Trước khi chào tạm biệt gia đình, chúng tôi đã rất may mắn khi được nghe đích thân bà Khoai khua chiêng và được thưởng thức một ly rượu nồng ấm của ông Cởi. "Người Mường là vậy, lòng hiếu khách rất mộc mạc và đơn sơ, nó được xuất phát từ tấm lòng"- Trưởng thôn Bùi Văn Linh chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Đinh Ngọc Sơn, những bộ chiêng cổ như nhà bà Khoai ở Phú Mãn giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng không được đủ cả bộ, chỉ rải rác có 1 đến 2 cái trong một số hộ gia đình. Để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc này, xã đã thành lập 6 đội cồng chiêng ở 6 thôn (mỗi đội có 24 người cả nam và nữ). Ông Sơn cho biết, điều đáng mừng là những đội cồng chiêng đã thu hút được cả lớp người lớn tuổi và lớp trẻ nên có điều kiện truyền lại những kỹ thuật cũng như các nét văn hóa trong sinh hoạt cồng chiêng của bản làng. Băn khoăn duy nhất hiện nay chính là trong toàn xã mới có một bộ cồng chiêng duy nhất ở thôn Đồng Âm, các thôn còn lại khi có sinh hoạt văn hóa cộng đồng phải đi mượn hoặc gom góp chiêng trong dân. "Mong mỏi của người Mường Phú Mãn là được Nhà nước đầu tư cho mỗi thôn một bộ cồng chiêng cùng 24 bộ trang phục truyền thống (12 nam và 12 nữ), đồng thời mở các lớp truyền dạy để không bị mai một những làn điệu múa, những lời ca, tiếng hát cổ trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng" - ông Sơn kiến nghị.
                                                                                                       Theo: HNM
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.459.513
Tổng truy cập: