DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Cao nguyên đá Đồng Văn: Khi phố cổ sắp không còn nhà cổ !
(Ngày đăng: 01/04/2013   Lượt xem: 727)
Từ lâu nay, nhắc đến Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang là nhắc đến cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, những dãy núi đá được thiên nhiên “nhào nặn” thành những hình thù kỳ thú, những ngôi nhà trình tường, những bờ tường rào được người bản địa xếp từng viên đá, khu phố cổ Đồng Văn được tạo nên từ những căn nhà cổ và khu chợ cổ Đồng Văn tấp nập vào những ngày phiên. Nhưng giờ đây, những giá trị văn hóa đặc sắc đó đang dần bị mất đi. 

Nằm nép mình dưới chân núi đá, phố cổ Đồng Văn với 40 căn nhà cổ kính, thâm trầm có tuổi đời trên 100 năm, trong đó có ngôi nhà đã 200 năm. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn giữa hai màu sắc: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.

Tuy nằm giữa vùng sơn cước nhưng những căn nhà ở phố cổ Đồng Văn lại không xây dựng theo kiểu nhà người Mông hay Dao, Lô Lô… mà kiến trúc phố cổ Đồng Văn là sự pha trộn giữa nhà cổ Việt Nam - Trung Quốc, mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất. Riêng tại khu vực chợ Đồng Văn còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội.

Người già ở đây bảo: Kiến trúc phố cổ có sự pha trộn như vậy là bởi hoang sơ nơi này chỉ có vài gia đình người Mông, người Việt và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến.

Vì vậy, phố cổ Đồng Văn mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Việt- Hoa. Phố cổ và chợ cổ Đồng Văn mang đậm nét đặc trưng với tường nhà rất dày bằng đá, hàng cột lớn, nhà xây một hoặc hai tầng mái lợp ngói trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ chắc chắn. Đặc trưng nữa dễ nhận thấy ở đây là trước cửa nhà có đèn lồng treo cao để thắp lên khi đêm xuống, xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của Cao nguyên đá.

Anh Mua Xé Mua, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là xây tường rào chứ không xếp đá như truyền thống
Anh Mua Xé Mua, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là xây tường rào chứ không xếp đá như truyền thống

 

Bất cứ ở đâu trên Cao nguyên đá, trong các bản làng, ta đều bắt gặp những bức tường đá vô cùng chắc chắn bao quanh những ngôi nhà của người Mông. Hỏi nhiều người già trong các làng bản, không có nhiều người biết rào đá xuất hiện từ khi nào hoặc người Mông học cách làm rào đá từ đâu.

Chỉ biết, ai sinh ra, lớn lên trên Cao nguyên đá, khi lập gia đình riêng, việc thứ hai sau khi dựng nhà là làm rào đá. Rào đá nhìn có vẻ rất đơn giản, nhưng làm rào đá thì không hề đơn giản. Để có được bức rào đá bao quanh một ngôi nhà và mảnh đất rộng 200 – 300m2, có thể mất đến cả tháng trời đập đá, khuôn đá, xếp đá và làm một chiếc cổng gỗ lợp mái ngói hoặc cỏ gianh, dán giấy đỏ.

Thế nhưng những giá trị đó nay đang có nguy cơ mất dần, những hàng rào đá dần được thay thế bằng những hàng rào được xây bằng xi măng. Anh Mua Xé Mua, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn đang mải miết xây lại tường rào mới chia sẻ, để xếp được cái tường rào bằng đá cũng kỳ công lắm. Cái tường rào cũ được gia đình anh làm từ gần 20 năm nay. Nhưng tường rào xếp lại không chắc chắn, rất hay đổ nên đành phải dỡ bỏ đi để xây bằng xi măng cho chắc chắn. Cái nhà trình tường rồi cũng phải dỡ đi để xây lại bằng nhà gạch. Vì ở nhà trình tường nhiều cái cũng bất tiện lại sợ mưa gió to là bị sập. “Bây giờ xây nhà gạch, cũng chẳng đắt hơn là bao nhiêu, lại tiện cho gia đình sinh sống thì để nhà trình tường làm gì nữa” – anh Mua vui vẻ cho biết.

 Những ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn ở phố cổ Đồng Văn
Những ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn ở phố cổ Đồng Văn
 

Suy nghĩ của anh Mua cũng là tâm trạng chung của người dân nơi đây. Cả khu vực phố cổ trước đây có khoảng gần một trăm nhà cổ thì nay cũng chỉ còn chưa đầy một nửa. Nhiều nhà đã dỡ đi xây mới hoàn toàn, có nhà thì thay đổi kiến trúc, xây thêm các công trình phụ. Căn nhà của bà Hoàng Thị Tân, 75 tuổi có lẽ cổ và được gìn giữ nguyên vẹn nhất ở khu phố cổ Đồng Văn. Khi được hỏi về ngôi nhà này bà cũng buồn rầu cho biết, chẳng nhớ rõ là nhà được xây từ khi nào, chỉ biết là khi sinh ra và lớn lên bà đã ở trong căn nhà này. Trước đây nghe kể lại thì nhà đã có từ thời cụ, kỵ bà. Nhưng sống ở nhà cổ này thì khổ lắm, cứ thấy có mưa to gió lớn là phải chạy sang nhà khác trú ngay không nhỡ sập thì chết. Thấy các nhà bên cạnh nhà nào cũng sạch sẽ, sáng sủa, khu vệ sinh riêng biệt, còn nhà mình thì lúc nào cũng tối thui. “Nhiều lúc cũng muốn đập đi xây lại nhưng tiếc cái nhà cổ đã gắn bó nhiều đời nay. Mà ai cũng đập đi xây nhà tầng thì còn đâu là phố cổ Đồng Văn” – bà Tân cho biết.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, trước đây cả khu vực phố cổ có 87 nhà cổ, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 nhà là giữ nguyên vẹn được. Qua nhiều năm, các nhà cổ xuống cấp, nhu cầu của người dân nên họ tự ý xây dựng lại hoặc xây dựng thêm một số công trình trong nhà. Chính quyền huyện có biết nhưng cũng chỉ biết vận động bà con không nên tự ý xây dựng lại chứ cấm họ xây thì cũng khó. Nhà cũ mục nát hết mà không cho xây sửa gì thì không được. Như khu chợ Đồng Văn chật chội quá, người dân đề nghị xây chợ mới, rộng hơn để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Bây giờ chuyển ra chợ mới rồi thì chẳng ai vào chợ cũ nữa đành bỏ không. Tới đây, UBND sẽ phối hợp với Sở VHTTDL xây dựng kế hoạch, phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các nhà cổ, đưa một số ngành nghề thủ công vào kinh doanh tại khu vực chợ cũ.

                                                                                         Theo: Thể Thao Việt Nam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.459.508
Tổng truy cập: