DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Lưu giữ "bách khoa thư“ của người Mường
(Ngày đăng: 18/07/2022   Lượt xem: 185)

Chứa đựng tinh hoa văn hóa, phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa, mo là di sản phi vật thể vô giá của người Mường. Tuy nhiên, cơ hội thực hành và gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo này đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một. 

Nghệ nhân am hiểu, nắm giữ di sản ngày càng ít 

Mo Mường là bộ phận chủ đạo trong kho tàng văn hóa của người Mường. Trải qua lịch sử tồn tại phát triển đến nay chưa xác định được thời điểm ra đời, hầu hết cho rằng mo Mường ra đời từ khi "đẻ đất, đẻ nước", nghĩa là cùng với lịch sử tộc người Mường. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, mo Mường đã hình thành nên các dạng mo tiêu biểu: Hệ thống mo Mường gắn liền với sinh hoạt trong tang lễ, lễ cầm vía, lễ mừng nhà mới, cưới xin. 
Mo Mường đang đứng trước nguy cơ biến đổi và mai một - Nguồn: baodantoc.vn

Mo Mường đang đứng trước nguy cơ biến đổi và mai một. Nguồn: baodantoc.vn

Phát biểu tại hội thảo “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay” mới đây, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Đỗ Quang Trọng cho biết, giai đoạn từ năm 1954 - 1990, sinh hoạt mo ở các vùng người Mường Thanh Hóa sinh sống hầu như không được quan tâm, không được duy trì một cách đầy đủ. Nhiều áng mo cổ không còn điều kiện thực hành khi môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, nghệ nhân am hiểu, nắm giữ và thực hành mo thuần thục đã cao tuổi hoặc không đủ khả năng thực hành, rất ít người kế thừa một cách bài bản. Qua rà soát, kiểm kê bước đầu tại 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, kết quả hiện tại có tổng số 184 thầy mo đã và đang thực hành di sản mo Mường. Trong đó, số người có khả năng thực hành và truyền dạy là 128 người, số người đang học là 93 người. 

Khẳng định ở đâu có đồng bào dân tộc Mường, ở đó có mo Mường gắn với các nghi lễ vòng đời của con người, song Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình Vũ Thanh Lịch cũng thừa nhận, mo Mường đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Khảo sát sơ bộ về sự hiện diện của di sản văn hóa mo Mường tại Ninh Bình cho thấy sự mai một theo thời gian. Toàn tỉnh còn 12 thầy mo biết và có thể thực hành về mo Mường trên địa bàn 4 xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Thạch Bình của huyện Nho Quan. Trong đó các thầy còn nhớ và thực hành bài bản, đầy đủ nghi lễ mo trong tang ma không còn nhiều. Bên cạnh đó, sự ra đi của các ông mo lớn tuổi mà chưa có “truyền nhân” đã khiến các bản mo không còn được lưu giữ. Việc truyền dạy mo phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, luật tục, tâm linh… khiến số người nắm giữ ngày càng ít. 

Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng, giao thoa về lối sống và niềm tin, tín ngưỡng giữa đồng bào dân tộc Mường và người dân tộc Kinh ở các khu vực trung tâm có tốc độ đô thị hóa cao, khiến nhu cầu thực hành nghi lễ mo không còn nhiều, việc lưu truyền các bài mo, nghi thức mo mai một…
Bà Phạm Thị Lan Anh, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng phản ánh, các nghệ nhân thực hành mo Mường phần lớn đã cao tuổi, có cụ trên 80 tuổi, nhiều người đã mất. Theo thống kê tại 6 đơn vị thuộc 3 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai có di sản mo Mường, Hà Nội hiện có 14 nghệ nhân đang thực hành mo Mường. Các nghệ nhân hiện đều cao tuổi nhưng vẫn có khả năng thực hành.

Nghiên cứu phương thức bảo tồn khoa học và bền vững

“Các giá trị của mo mãi còn đồng hành với người Mường đi tới tương lai với tư cách là một di sản văn hóa, một yếu tố nền tảng cấu thành văn hóa Mường…” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình Bùi Thị Niềm khẳng định. Mo vẫn được người Mường trân trọng và duy trì, mặc dù số lượng roóng mo được cắt giảm tối thiểu, chỉ mo những roóng cơ bản, rất cần thiết trong thực hiện các nghi lễ... Mo không tồn tại nhất thành bất biến mà nó là hiện tượng văn hóa đang sống, đang vận động. Sự vận động ấy được thể hiện từ việc cắt ngắn lời mo, thu hẹp số lượng lễ thức, các thức đồ chuẩn bị lễ thức được đơn giản hóa, nghi thức hành lễ nhanh gọn... Nghi lễ mo được tổ chức chỉ là một giải pháp có tính thủ tục nhiều hơn là đáp ứng trọn vẹn tâm nguyện một nghi lễ vòng đời.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Trần Tân Phong bổ sung: Người Mường không có chữ viết riêng, các bài mo được truyền từ thế hệ thầy mo này qua thế hệ thầy mo khác bằng phương pháp truyền miệng và tồn tại, duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường. Chính vì vậy, trong quá trình lưu truyền thì số lượng câu mo, bài mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Số lượng cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Mường Sơn La nói chung và di sản văn hóa mo Mường của người Mường Sơn La nói riêng không nhiều. Vì vậy quá trình nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn…

Trước thực trạng trên, năm 2020, mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa để xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bà Bùi Thị Niềm góp ý, các tỉnh, thành phố tham gia xây dựng hồ sơ cần khảo sát, kiểm kê để thống kê chính xác về những hoạt động thực hành mo Mường trong đời sống, nắm lại số nghệ nhân mo Mường; nghiên cứu toàn diện và khoa học về mo Mường để từ đó có phương thức bảo tồn, phát huy một cách khoa học và bền vững. 

ThS. Vũ Thanh Lịch cho rằng, cần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn, truyền dạy, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa mo Mường; đưa di sản văn hóa đến với cộng đồng, làm cho cộng đồng trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Khuyến khích cộng đồng có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế để bảo tồn và phát huy giá trị mo Mường nói chung trong đời sống xã hội hiện nay, vừa duy trì các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. 

                                         Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.463.658
Tổng truy cập: