DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(29-33)- Khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa xứ Đoài
(Ngày đăng: 06/05/2022   Lượt xem: 195)

Du khách tham quan đình Mông Phụ tại làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. (Ảnh Duy Đăng)

Xứ Đoài rộng lớn với hệ thống di tích, di sản dày đặc và nhiều làng nghề là tiềm năng to lớn cần được khai thác để phát triển du lịch văn hóa nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa còn không ít hạn chế. Điều này đòi hỏi các địa phương, nhất là thị xã Sơn Tây-trung tâm của văn hóa xứ Đoài cần có nhiều đổi mới trong hoạt động.

Tròn 200 năm kể từ ngày bắt đầu được xây dựng (1822-2022), tòa thành quân sự Sơn Tây đã trở thành một không gian văn hóa sau khi được UBND thị xã Sơn Tây khai thác không gian làm phố đi bộ dịp cuối tuần. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức khiến không gian thành cổ trở nên hấp dẫn khách du lịch. Đây là bước chuyển lớn trong khai thác tài nguyên văn hóa xứ Đoài.

Đậm đặc di tích, di sản

Xứ Đoài chỉ một vùng rộng lớn nằm về phía tây kinh thành Thăng Long, sau nhiều biến động về hành chính, xứ Đoài xưa nay tương ứng với địa bàn các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây và một phần của các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Xứ Đoài được xác định là cái nôi của nền văn minh Việt cổ; đồng thời là vùng đất văn vật, đóng góp nhiều anh hùng, hiền tài cho đất nước như các vị Vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, các danh nhân: Tô Hiến Thành, Giang Văn Minh, Phùng Khắc Khoan... Trong suốt nghìn năm lịch sử, văn hóa xứ Đoài luôn song hành, có tác động qua lại với văn hóa Thăng Long. Nhiều danh nhân văn hóa xứ Đoài về kinh đô Thăng Long lập nghiệp, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh đô và đất nước.

Bề dày văn hóa xứ Đoài còn thể hiện ở số lượng di tích, di sản đồ sộ, với hàng loạt di tích quốc gia đặc biệt: chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Hát Môn, đình Tây Đằng…; Thành cổ Sơn Tây-tòa thành đá ong duy nhất của Việt Nam, làng cổ Đường Lâm-một trong hai làng cổ được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Xứ Đoài cũng là nơi có nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị, nổi bật là tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, lễ hội đền Hát Môn, lễ hội đền Và, hát dô ở Quốc Oai, hát trống quân ở Phúc Thọ, rối nước Chàng Sơn, rối nước Bình Phú… cùng nhiều lễ hội khác. Đặc biệt, xứ Đoài nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Xứ Đoài là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có, không thấy ở bất cứ nơi đâu. Văn hóa xứ Đoài là một kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn giá trị của văn hóa xứ Đoài còn ở dạng tiềm năng”.

Đánh thức những tiềm năng

Những năm gần đây, các giá trị di sản văn hóa xứ Đoài từng bước được khai thác phát triển du lịch. Điển hình như làng cổ Đường Lâm, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Mía, Thành cổ Sơn Tây…, các làng nghề: mộc Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá, tạc tượng Sơn Đồng… Trong đó, không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây là hoạt động mới nhất. Các tuyến phố đi bộ quanh thành cổ có tổng chiều dài 820 m, hoạt động vào dịp cuối tuần. Bên cạnh các sân khấu biểu diễn nghệ thuật, còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực xứ Đoài. Trong lần đầu ra mắt vào cuối tuần qua, hàng chục nghìn lượt khách đã đến với không gian đi bộ. Việc khai thác phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây phù hợp chủ trương khai thác các giá trị di sản để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua, việc khai thác, phát triển du lịch văn hóa tại vùng đất xứ Đoài còn nhỏ lẻ, manh mún. Ngay cả làng cổ Đường Lâm, mỗi năm mới đón vài chục nghìn lượt khách, chưa xứng với tiềm năng. Trong hội thảo về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài”, nhân kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) do Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, bên cạnh làm rõ giá trị văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây…, nhiều chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa xứ Đoài trong phát triển kinh tế-xã hội. Các chuyên gia đều đánh giá cao hoạt động của phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây. Đây chính là cách làm mới, để những giá trị di sản vật thể, phi vật thể được đưa đến công chúng, góp phần kéo du khách đến xứ Đoài, nhất là khi được kết hợp với các địa chỉ văn hóa khác.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Vũ Minh Giang cho rằng, việc khai thác giá trị văn hóa xứ Đoài cần triển khai bằng những dự án cụ thể, xây dựng điểm nhấn là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài-thị xã Sơn Tây. Trong đó, việc tôn tạo, phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây phải là một nội dung quan trọng. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý đề xuất tập trung đầu tư cho giáo dục di sản, tạo nền tảng để xây dựng các kế hoạch hoạt động phát huy giá trị; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị không gian văn hóa của Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây… Việc tổ chức các hoạt động giáo dục di sản cũng thúc đẩy du lịch di sản trên địa bàn.

                                            Theo:  nhandan.vn
Xem thêm:
>
Cần ra tay gìn giữ để biến những di sản như Chùa Mía- Đường Lâm thành những tài sản có giá trị cho Hà Nôi và du lịch.
       
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.409.187
Tổng truy cập: