DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng tiếp cận khác nhau
(Ngày đăng: 04/01/2021   Lượt xem: 613)

Hiện nay, nhiều nghề, làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng  hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện hơn.

Với việc nghiên cứu thiết kế nhiều mẫu mã mới, nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An đã được khôi phục và phát triển. Ảnh: Bích Nguyên

Khôi phục được nhiều nghề truyền thống

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề đã được công nhận. Trong cơ cấu các làng nghề được công nhận, các làng nghề sản xuất đồ mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điều khắc có số lượng nhiều nhất với 935 làng nghề (chiếm 47,9%).

Nói đến làng nghề truyền thống không thể không nhắc tới thực thể cấu thành, giữ gìn và phát triển các làng nghề là các nghệ nhân và thợ làm nghề. Đến năm 2020, cả nước có 672 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và 652 thợ giỏi làng nghề được phong tặng.

Việc công nhận nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục và phát triển được nhiều nghề truyền thống như: Thêu, ren, dệt lụa, gốm sứ, sơn mài, khảm trai, mây tre đan lá, điêu khắc. Đồng thời, phát triển nhanh các nghề mới gắn với quá trình công nghiệp hóa như bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, gây trồng sinh vật cảnh. Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn, gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn làng nghề còn gặp nhiều thách thức cần có biện pháp căn cơ để giải quyết. Đó là, mục tiêu quan trọng nhất trong bảo tồn và phát triển làng nghề là phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Thế nhưng, đây cũng là điểm nghẽn khó giải quyết nhất. Thực tế hiện nay, các làng nghề đều sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu và sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thậm chí ở mức độ trầm trọng. Trong khi đó, hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ, như khai thác và xử lý nguyên vật liệu phục vụ cho các loại ngành nghề còn yếu, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển. Mặt khác, các làng nghề còn rất thiếu lao động có tay nghề giỏi và không am hiểu về xu hướng thị trường, thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, nhất là khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống mà đây lại là yếu tố quyết định để làng nghề “sống” được và phát triển.

Phát triển theo các hướng tiếp cận khác nhau

Nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, trong đó, tập trung hỗ trợ rà soát, lập danh mục nghề, làng nghề cần bảo tồn lâu dài, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với phát triển văn hóa, du lịch; bảo tồn sản phẩm nghề, bảo tồn quan hệ xã hội làng nghề, không gian làm nghề truyền thống và các giá trị di sản văn hóa nghề như nhà thờ tổ nghề...

Một số địa phương đã xây dựng mô hình trung tâm giới thiệu nghề truyền thống như tranh thêu XQ (Đà Lạt). Doanh nghiệp kết hợp việc lập bảo tàng để thu hút khách du lịch với quảng bá sản phẩm, đồng thời cho ra sản phẩm mới, đẹp nên đã khẳng định được thương hiệu. Mô hình làng lụa Hội An (Quảng Nam) tái hiện được công việc ươm tơ, dệt lụa, mang tính trình diễn giới thiệu cho du khách xem quá trình tạo ra sản phẩm.

Trong khi đó, trước nguy cơ mai một nghề mây tre đan, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Hợp tác xã mây tre đan Bao La vào tháng 5-2007. Nắm bắt xu thế tiêu dùng, hợp tác xã chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre với 40-50 mẫu sản phẩm mới mỗi năm phục vụ trang trí nhà hàng, khách sạn và hàng lưu niệm. Hợp tác xã mây tre đan Bao La đã và đang là hạt nhân trong nỗ lực khôi phục và phát triển nghề thủ công có vai trò kinh tế quan trọng và giá trị tinh thần lớn với người dân ở địa phương này.

Cách làm ở các mô hình trên góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên, so với quy mô các làng nghề thì hoạt động này còn nhỏ, chỉ tác động trong một làng nghề hoặc một khu vực. Với không gian trưng bày tranh thêu XQ tuy thúc đẩy nghề thêu truyền thống phát triển nhưng chưa tác động được đến các làng nghề thêu khác. Do đó, bà Vũ Thị Tuệ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thêu ren Mặt trời xanh cho rằng, nên thành lập Trung tâm bảo tồn và phát triển nghề kim chỉ và giao lưu văn hóa làng nghề Việt Nam theo mô hình xã hội hóa, tự vận hành và hạch toán, nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế và chính sách. Trung tâm sẽ có vai trò lưu giữ các giá trị về công nghệ, sản phẩm tinh hoa của nghề; đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế các sản phẩm mới để tạo ra được các sản phẩm vừa kế thừa truyền thống, vừa thích hợp với cuộc sống đương đại. Trung tâm cũng là nơi giao lưu văn hóa giữa các làng nghề, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tôn vinh người làm nghề thủ công, phát triển du lịch, dịch vụ.

Trong quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề, một số nghề mới như làm tiểu cảnh phát triển rất nhanh. Ảnh: Bích Nguyên

Cùng quan điểm, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, các làng nghề cần liên kết xây dựng một ngôi nhà chung trong cả nước cho từng ngành hàng để giúp đỡ lẫn nhau.

Ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, Hiệp hội đề xuất xây dựng “Luật về làng nghề” đảm bảo hiệu lực cho những hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, nên tổ chức các hội thi sản phẩm làng nghề cấp quốc gia để kích thích sự sáng tạo, quảng bá sản phẩm làng nghề.

Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới với hàng loạt các hiệp định thương mại đã có hiệu lực. Đây là cơ hội vàng mở ra cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất khẩu mạnh mẽ ra thị trường nước ngoài. Để tận dụng tốt cơ hội này, bên cạnh các yếu tố tự thân của làng nghề, Nhà nước cần có chiến lược thúc đẩy phát triển nghề, làng nghề truyền thống thông qua chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư; mở rộng mặt bằng sản xuất; quy hoạch vùng nguyên liệu cho các ngành hàng thủ công mỹ nghệ; đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

                                              Theo: bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.455.372
Tổng truy cập: