DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(14)- Làm giàu thêm vốn cổ…
(Ngày đăng: 29/11/2020   Lượt xem: 266)

Tôi gọi việc sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Quảng Ninh chỉ đơn giản như thế, còn ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc đơn vị thì bảo đó là nhiệm vụ “sống còn” của hoạt động bảo tàng. Nói vậy nhưng khi kể chuyện, ông lại vô cùng hào hứng như thể được làm toàn việc “đắc ý” với vô số chi tiết bất ngờ, thú vị vậy.

Mỗi hiện vật có một câu chuyện riêng

Gần đây là việc vận động cụ Nguyễn Ngọc Đàm (nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng giai đoạn 1952-1961, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 1969-1980), tặng lại chiếc thống sứ Móng Cái cho Bảo tàng dịp cuối tháng 10 vừa qua.

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm trao tặng lại thống sứ cho Bảo tàng Quảng Ninh. Anh: Ta Quaan
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm trao tặng lại thống sứ cho Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: Tạ Quân.

Ông Sơn chia sẻ, thực ra việc rất tình cờ, xuất phát từ việc cụ Đàm mời anh em Bảo tàng tới nhà để tặng cho đơn vị cuốn hồi ký của cụ. Sách trân trọng nhận rồi, nhưng tình cờ ngắm sân vườn của gia đình, ông Sơn lại nhìn thấy chiếc thống sứ Móng Cái – sản phẩm của dòng gốm sứ Móng Cái nổi danh một thời, do nhà điêu khắc Lý Xuân Trường thiết kế và được sản xuất năm 1975 để dâng vào lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tất nhiên, sản phẩm hoàn mỹ nhất đã dâng vào lăng, còn chiếc thống này là một trong số ít phiên bản còn lại, nhưng do bị lỗi nên không được lựa chọn.

Vậy là ông Sơn thuyết phục cụ Đàm hiến tặng cho Bảo tàng, nhưng cụ chưa đồng ý. Đoàn cán bộ, nhân viên Bảo tàng chào cụ về nhưng ông Sơn vẫn vui vẻ bảo cụ: Mai con lại vào. - Anh vào làm gì, tôi không đồng ý cho đâu. - Con vào để xin cụ chiếc thống...

Nói vậy thôi, chứ về rồi ông Sơn đã gọi trao đổi với con gái cụ là chị Bình, để nhờ thuyết phục thêm. Hóa ra, với cụ chiếc thống này có gắn với một kỷ niệm riêng nên cụ rất quý, bình thường vẫn để nuôi cá, trồng sen. Vậy nên, cụ không muốn cho đi, tuy nhiên cụ cũng đồng ý tặng lại khi nghe con gái phân tích rằng chiếc thống không chỉ là kỷ niệm cá nhân mà còn là kỷ niệm của tỉnh, chiếc thống trưng bày ở bảo tàng sẽ phát huy ý nghĩa tốt hơn khi nơi đây hàng năm đón lượng khách rất đông tới tham quan, tìm hiểu về Quảng Ninh…

Người nước ngoài
Không chỉ người dân, tổ chức trong nước, người nước ngoài cũng hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Việc cho, hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Quảng Ninh, theo ông Sơn chia sẻ, thì thời nào cũng có, nhưng trước đây chủ yếu là nguồn từ các tổ chức, đơn vị, địa phương nhiều hơn. Các cá nhân cho, hiến tặng hiện vật vài năm trở lại đây nhiều hơn, thường xuyên hơn.

Nguyên do có lẽ là bởi Bảo tàng Quảng Ninh sau khi được đầu tư xây mới đã trở thành điểm đến du lịch, đón lượng khách lớn hơn trước rất nhiều, kể cả khách nội tỉnh, các địa phương bạn cho tới du khách nước ngoài. Các không gian trưng bày của bảo tàng kể cho du khách nghe những câu chuyện về lịch sử vùng đất, con người Quảng Ninh. Các hiện vật trưng bày với giá trị, ý nghĩa, những câu chuyện khác nhau cũng đến với du khách rộng rãi hơn thông qua việc tìm hiểu trực tiếp, qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng… Vậy là người dân khi có những hiện vật tự nhiên cũng hình thành một suy nghĩa là có thể tặng cho Bảo tàng, nơi có thể bảo vệ, gìn giữ và giới thiệu tới nhiều người hơn, tốt hơn.

Chẳng thế mà, rất nhiều người tìm thấy đồ lạ, hoặc khi soạn lại đồ cũ, dọn nhà… bỗng thấy những hiện vật cổ, có khi còn không biết đó là vật gì, lại không biết để đâu, sử dụng cho việc gì thì cũng liên lạc với Bảo tàng để tặng.

Không chỉ người Quảng Ninh mà cả người ở tỉnh ngoài cũng hiến tặng hiện vật cho Quảng Ninh. Anh Lê Hùng Cao Cường ở Gia Lâm (Hà Nội), đã tặng cho bảo tàng đôi gấu nhồi, chia sẻ: “Đôi gấu đó là của một người bạn tặng lại tôi khi ra định cư nước ngoài. Tôi làm du lịch, không có nhu cầu trưng bày trong nhà nên nghĩ nếu trưng bày ở bảo tàng thì bảo quản được lâu hơn, khâu truyền thông cũng tốt hơn. Bảo tàng Quảng Ninh có không gian trưng bày về đa dạng thiên nhiên nên rất phù hợp…”

Một số hiện vật trong bộ sưu tập ốc của nhà sưu tập Phan Thanh Toại
Một số hiện vật trong bộ sưu tập ốc của nhà sưu tập Phan Thanh Toại được Bảo tàng Quảng Ninh mua lại.

Thậm chí, có du khách nước ngoài còn tặng lại cho đơn vị một số tiền xu, tiền giấy Đông Dương. Có người mang chiếc bình vôi tặng cho Bảo tàng, nhưng khi hỏi tên tuổi thì nhất định không nói, bảo là không cần thiết. Lại cũng có người từng tìm được khẩu súng thần công dưới đáy sông, qua các bước giờ đã được trưng bày. Vậy nhưng một lần tình cờ đến tham quan, ông không còn nhận ra món đồ cũ nữa, và khăng khăng rằng nó khác cơ, nó lớn hơn…

Cần những cơ duyên...

Nghe ông Sơn kể chuyện, tôi chợt nhận ra thấp thoáng những niềm vui, niềm tự hào về nghề, về Bảo tàng Quảng Ninh bởi đã giành được tình cảm, được nhiều người nhớ đến và hơn thế là tin tưởng trao tặng lại các hiện vật cho đơn vị. Và những cán bộ, nhân viên - người góp công mang được hiện vật về với Bảo tàng, cũng không chỉ là trách nhiệm với công việc, lại càng không phải tâm thế của kẻ “săn hàng” mà thực sự là cái tâm với nghề, là sự trân quý các giá trị gắn với lịch sử vùng đất, con người Quảng Ninh.

Bởi thế, câu chuyện sưu tầm một hiện vật, có khi rất thuận lợi, rất nhanh mà cũng nhiều khi là tới… vài năm. Mỗi hiện vật, mỗi bộ sưu tập được lại có một câu chuyện để kể với không chỉ là sự tình cờ mà còn cần một cái duyên. Việc sưu tập được bộ ốc của ông Phan Thanh Toại ở Đà Nẵng mà ông Sơn chia sẻ với tôi là một ví dụ điển hình.

Bộ sò tai
Bộ sò tai tượng đang được trưng bày phục vụ khách tham quan trong không gian Bảo tàng Quảng Ninh.

Theo ông kể thì mọi chuyện chỉ bắt đầu khi ông nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Chẳng là người gọi muốn hỏi về bộ cua hóa thạch của Bảo tàng Quảng Ninh, bởi ông cũng có một bộ cua hóa thạch tới vài chục con to, nhỏ khác nhau.

Việc trao đổi, qua lại giữa hai người từ bộ cua lan sang nhiều thứ khác kéo dài tới vài năm và qua đó, ông Sơn biết được hóa ra ông Toại còn có đam mê sưu tầm ốc với bộ sưu tầm qua hơn chục năm giờ đã lên tới cả nghìn loài.

Bộ sưu tập ốc của ông Toại quả thực rất đẹp, từ những vỏ ốc to, cực kỳ quý hiếm cho đến những vỏ ốc nhỏ xíu đựng trong cả lọ, mỗi con một vân hoa khác nhau. Có những con ốc lạ, nhìn rất đặc biệt, lại có bộ “cúc đá” (ốc hóa thạch) to, lên tới vài chục con…

Cũng có đơn vị từng đề nghị được sưu tầm lại bộ ốc này nhưng ông không đồng ý. Vận động, thuyết phục và có lẽ cả vì những lý do riêng, cuối cùng ông Toại đồng ý nhượng lại cho Bảo tàng Quảng Ninh bộ sưu tập quý của mình. Nét mặt buồn, hẫng hụt, thẫn thờ khó tả của ông Toại khi các hiện vật được chuyển đi khỏi căn phòng nơi ông xếp các hiện vật, cho đến giờ đã mấy năm mà ông Sơn vẫn không thể quên được.

“Đà Nẵng có biển, Quảng Ninh cũng có biển. Các hiện vật ốc của anh về với Bảo tàng Quảng Ninh là còn mãi…” – tôi cũng chỉ có thể động viên ông Toại được như thế thôi – ông Sơn nhớ lại. Qua phút ngậm ngùi, ông Sơn lại vui vẻ bảo, ông Toại là người có duyên với ốc nên sau đó ông vẫn tiếp tục sưu tầm, thi thoảng ông lại khoe những mẫu ốc mới sưu tầm được, họ vẫn giữ liên lạc với nhau kể từ đó đến nay…

Đến với du khách...

Qua tìm hiểu, chúng tôi mới hay, hóa ra các hiện vật được sưu tầm từ nhiều nguồn, đến với Bảo tàng đều phải qua một quá trình làm hồ sơ, lý lịch hóa hiện vật thì mới có thể được mang ra trưng bày. Tuy nhiên, dạo qua các không gian của Bảo tàng Quảng Ninh hiện nay, chúng tôi nhận thấy có nhiều hiện vật mới được sưu tầm thời gian gần đây, đã ra mắt phục vụ khách tham quan chiêm ngưỡng.

f

f

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh bàn giao hiện vật là tang vật vụ án, phục vụ trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Trưng bày của đơn vị, vừa đưa tôi đi tham quan vừa giới thiệu. Chiếc thống sứ Móng Cái của cụ Đàm đã được trưng bày ở không gian trưng bày cổ vật. Đôi gấu của anh Cường ở Hà Nội trao tặng, cùng với một hiện vật gấu nữa của đơn vị từ trước, khiến tôi liên tưởng tới một gia đình gấu, được trưng bày ngay ở không gian về tự nhiên tại tầng 1.
Cách đó không xa, chúng tôi lại được chiêm ngưỡng bộ sò tai tượng rất lớn được trưng bày mô phỏng hình một đóa hoa biển trắng muốt. Còn kia là bộ hàng chục chiếc ngà voi lớn được trưng bày tự nhiên theo độ cong của ngà voi. Ở không gian trưng bày cổ vật là bộ vòng trang sức bằng đá, các loại bôn, rìu và một số đồ đồng...

Đáng nói nữa là bộ sò tai tượng, ngà voi và trang sức kể trên đều là hiện vật được các lực lượng chức năng thu giữ từ các vụ án, sau đó trao lại cho Bảo tàng Quảng Ninh lưu giữ, trưng bày. Đây cũng là một nguồn hiện vật của đơn vị. Ông Phương cho hay, đầu tháng 11 vừa qua, đơn vị đã được Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh bàn giao lại hiện vật là tang vật một vụ án, để phục vụ trưng bày, gồm tiêu bản khô của đồi mồi, vẩy của tê tê bụng trắng và tê tê đuôi dài, vòng, hạt chế tác từ ngà voi Châu Phi. Đây đều là các loài động vật hoang dã nguy cấp, bị cấm săn bắt, buôn bán…

Vậy là, dù từ nguồn nào đi chăng nữa thì các hiện vật được sưu tầm đã và đang từng ngày, từng ngày góp phần làm giàu thêm “kho hiện vật” cũng như các không gian trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh, tạo thêm nét điểm xuyết đặc sắc, tươi mới, thu hút du khách hơn…

                                             Theo: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
72.455.613
Tổng truy cập: