DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Trao truyền di sản đờn ca tài tử Nam bộ
(Ngày đăng: 15/06/2020   Lượt xem: 355)

Trong câu chuyện nhận diện xứ Đồng Nai có rất nhiều dấu chỉ được đưa ra: sự bộc trực, khí khái mà dễ thương của cộng đồng dân cư; di tích Văn miếu Trấn Biên, những vườn trái cây trĩu quả; dòng Đồng Nai mát lành… Và hẳn là rất thiếu sót nếu không nhắc đến đờn ca tài tử (ĐCTT).

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phố hằng năm đều tham gia các liên hoan, Festival đờn ca tài tử quốc gia. Trong ảnh: Festival đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bình Dương năm 2017. Ảnh: My Ny
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phố hằng năm đều tham gia các liên hoan, Festival đờn ca tài tử quốc gia. Trong ảnh: Festival đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bình Dương năm 2017. Ảnh: My Ny

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, thời gian qua Đồng Nai đã ban hành và đang thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần đưa ĐCTT thấm sâu vào đời sống cộng đồng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân.

* “Đường lớn” đã mở nhưng… vẫn lo

ĐCTT Nam bộ là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam. Trải qua hơn 1 thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, ĐCTT đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Phong trào ĐCTT tại Đồng Nai tuy không rầm rộ, phát triển bằng các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Dương… nhưng vẫn là một dòng chảy nghệ thuật được duy trì đều đặn, tạo sân chơi cho người đam mê.

Trong 2 ngày 17 và 18-6 Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh sẽ tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai năm 2020. Liên hoan có sự tham gia của 11 đơn vị đại diện 11 huyện, thành phố. Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh sẽ phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai thu và phát sóng tất cả các chương trình trên Đài. Bên cạnh đó, Sở VH-TTDL đã có văn bản giao Bảo tàng tỉnh thực hiện việc kiểm kê nghệ thuật ĐCTT tỉnh Đồng Nai năm 2020. Từ đó, có thống kê cụ thể, chính xác về ĐCTT và các hoạt động liên quan đến loại hình nghệ thuật này để có biện pháp bảo tồn và phát huy trong thời gian tới.

Theo thống kê của ngành Văn hóa, toàn tỉnh có 36 CLB, nhóm ĐCTT với 328 nghệ nhân đang hoạt động thường xuyên (trong đó có 53 nghệ nhân đờn, 232 nghệ nhân ca, 43 nghệ nhân vừa đờn vừa ca). Hầu hết các CLB đều thuộc sự quản lý của UBND các xã, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố và Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh. Trong đó, TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Xuân Lộc chiếm số lượng CLB nhiều nhất, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn.

Nhơn Trạch là địa phương có tới 6 CLB ĐCTT thuộc các xã: Long Tân, Phước Thiền, Hiệp Phước, Long Thọ, Phước An và Phước Khánh và 1 CLB của huyện với tổng số trên 130 tài tử. Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Nhơn Trạch Vũ Văn Tân, phong trào ĐCTT ở Nhơn Trạch đang phát triển khá mạnh, hầu như mỗi ấp, xã đều có từ một đến vài ba nhóm, CLB. Tuy hoạt động bảo tồn và phát huy ĐCTT được tổ chức thường xuyên nhưng do các nghệ nhân “nòng cốt” phần đông đã lớn tuổi nên việc truyền dạy cho thế hệ trẻ chưa thực sự có hiệu quả. Phần đông thanh thiếu niên ít quan tâm, tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, việc vận động xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn và phát huy ĐCTT trên địa bàn chưa mang lại hiệu quả cao.

CLB ĐCTT H.Tân Phú được nhen nhóm từ năm 1970, đông đảo bà con, không kể người Kinh hay người Chăm, Mạ, S’tiêng, nông dân hay cán bộ…đều yêu thích những bài bản tài tử và tích cực tham gia CLB. Từ năm 1998, hoạt động của CLB có phần trầm lắng cho đến năm 2014 mới chính thức “trở lại” với sự tham gia của 16 thành viên, sinh hoạt vào tối thứ ba hằng tuần. Mỗi buổi sinh hoạt khoảng 2 tiếng, đôi khi ngẫu hứng thì kéo dài hơn để hướng dẫn các bài mới và 20 bài bản tổ cho các giọng ca.

Người dân H.Định Quán theo dõi chương trình biểu diễn đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tổ chức
Người dân H.Định Quán theo dõi chương trình biểu diễn đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tổ chức

Cô Phú Vĩnh Viễn, Phó chủ nhiệm của CLB ĐCTT H.Tân Phú cho biết, nghệ thuật ĐCTT đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ nên không quá khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động bà con ở Tân Phú tham gia. Hầu hết các nghệ nhân, tài tử đều không mấy khá giả, họ đến với môn nghệ thuật này theo phong trào, từ tình yêu và đam mê. Do điều kiện kinh phí hoạt động thấp, công tác hỗ trợ từ ngân sách chưa đáp ứng kịp thời cho CLB nên bản thân các tài tử đều tự mình sắm sửa nhạc cụ và vật dụng cần thiết để hoạt động.

Từ khi đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đi vào thực hiện, phong trào ĐCTT ở Đồng Nai hồi sinh và phát triển mạnh mẽ hơn. Cụ thể, duy trì đều đặn liên hoan ĐCTT tỉnh Đồng Nai, tham gia liên hoan ĐCTT Nam bộ toàn quốc, tổ chức giao lưu ĐCTT với các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực. Đặc biệt là phát động các cuộc thi sáng tác lời mới, bài bản tài tử; khảo sát hoạt động phong trào của cơ sở… Đề án đã mở đường cho định hướng bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT trên địa bàn tỉnh nhưng so với yêu cầu của thực tiễn thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Một tiết mục dự thi đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: NGUYỄN VĂN THẠNH
Một tiết mục dự thi đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: NGUYỄN VĂN THẠNH

Nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi, Phó chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai cho biết, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các tài tử được giao lưu, sinh hoạt, các nghệ nhân có không gian truyền dạy cho người trẻ thì các CLB ĐCTT vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là trong thời đại công nghệ số. “Cái khó lớn nhất chính là tìm giải pháp khơi dậy tình yêu, trách nhiệm của người trẻ đối với âm nhạc dân tộc. Bởi nhiều người trẻ không theo học một cách chuyên nghiệp mà chỉ tham gia phong trào cho vui. Hết liên hoan, hội diễn là “ai về nhà nấy”. “Điều đó đặt ra vấn đề trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của ĐCTT hiện nay” - nghệ nhân Lê Văn Lợi trăn trở.

* Bảo tồn và phát triển bài bản, hiệu quả

Mới đây, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức lễ an vị linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại và thờ phụng ông trong văn miếu. Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn nội dung Văn miếu Trấn Biên, việc thờ linh vị của nhạc sư ở văn miếu có ý nghĩa to lớn, là điểm đến các CLB ĐCTT có dịp để thờ phụng, tôn vinh đồng thời có dịp để giao lưu với nhau. Đặc biệt, thờ phụng linh vị của ông tổ ĐCTT Nam bộ còn gắn liền với tục thờ phụng Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền ở văn miếu. Qua đó, giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT ở Đồng Nai.

Các nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Lê Văn Lợi biểu diễn và hướng dẫn đờn ca tài tử cho các bạn trẻ
Các nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Lê Văn Lợi biểu diễn và hướng dẫn đờn ca tài tử cho các bạn trẻ

Đồng hành cùng ĐCTT nhiều năm qua, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai) nhận định, trong bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT, Đồng Nai đã có kế hoạch dài hơi và phân chia thành từng giai đoạn để thực hiện. Giai đoạn đầu, ngành Văn hóa đã tổ chức và tham gia các buổi biểu diễn ở cơ sở, các cuộc thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh, phổ biến, truyền dạy những bài bản tổ cơ bản.

“Giai đoạn tiếp theo, ngành cần chú trọng đến công tác đào tạo, quảng bá ĐCTT qua việc truyền dạy và xuất bản nhiều hơn tài liệu, băng đĩa, giới thiệu về ĐCTT Nam bộ. Làm được như vậy, tôi tin ĐCTT có thể lung linh, rực rỡ hơn cả thời hoàng kim trong quá khứ” - nghệ nhân Phạm Lơ nhấn mạnh.

Chủ nhiệm CLB ĐCTT H.Long Thành Nguyễn Thị Phụng cho rằng, bảo tồn và phát huy ĐCTT cần gắn với việc ban hành chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân, hạt nhân nòng cốt có nhiều đóng góp trong nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư cho việc trao truyền di sản; tạo điều kiện cho ĐCTT có không gian biểu diễn, thực hành thường xuyên ở những địa điểm khác nhau. Lan tỏa phong trào ĐCTT trong nhân dân chính là cách bảo tồn và phát huy tốt nhất loại hình nghệ thuật này.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết: Nhiều năm nay trung tâm đã tổ chức các hoạt động biểu diễn, tập huấn ĐCTT thường xuyên. Hiện đang tập hợp sáng tác xuất sắc từ cuộc thi sáng tác những bài bản tài tử (mở rộng) của các tác giả trong và ngoài tỉnh để thực hiện CD đưa về cơ sở. Trung tâm đang kết hợp với các địa phương, các CLB giới thiệu, quảng bá nghệ thuật, thu hút sự chú ý của người dân và du khách. Đây là hoạt động cần thiết và quan trọng trong việc góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT ở Đồng Nai.

Không có loại hình nghệ thuật nào được sinh ra từ đời sống mà lại tự nhiên mất đi không có lý do, kể cả khi nó thuộc về quá khứ. ĐCTT Nam bộ cũng vậy, nó chỉ mất đi khi không có sự đón nhận của cộng đồng từ các yếu tố môi trường, khán giả và nghệ sĩ (tài tử đờn, tài tử ca). Nói như cố GS-TS Trần Văn Khê: “Dẫu UNESCO có công nhận nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể thì chính chúng ta chứ không phải ai khác phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà ông cha để lại”.

                                                Theo: baodongnai.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.463.008
Tổng truy cập: