DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo vật quốc gia chưa được bảo vệ nghiêm- Bài 2: Long sàng dầm mưa dãi nắng
(Ngày đăng: 18/05/2018   Lượt xem: 331)

Hai chiếc Long sàng đặt tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) ngoài nét độc đáo về giá trị thẩm mỹ còn có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 25/12/2017. Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn và phát huy những giá trị của bảo vật đang là vấn đề cần được bàn tới.

Bảo vật quốc gia chưa được bảo vệ nghiêm- Bài 2: Long sàng dầm mưa dãi nắng

                          Long sàng được đặt trước Bái đường tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Hai chiếc Long sàng được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Ninh Bình, một chiếc được đặt trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật độc bản do triều đình phong kiến Lê - Trịnh tạo tác, làm đồ tế khí từ đầu thế kỷ XVII còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. 

Chiếc Long sàng đặt tại Nghi môn ngoại được chế tác từ một khối đá xanh có dạng hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 1,5tấn. Mặt sập rộng 127cm, dài 187cm; chân đế hơi choãi tạo dáng chân quỳ vững chãi, rộng 134cm, dài 196cm. Ngay giữa Long sàng được trang trí hình rồng cuộn mang đầy đủ các nét đặc trưng của rồng thời Lê - Trịnh, thân uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, miệng há to ngậm viên châu, răng nanh sắc nhọn, sừng hai chạc, đuôi rồng vuốt về phía sau rất uy nghi. 

Điểm nhấn hết sức đặc sắc của Long sàng này là những chi tiết điêu khắc trên đó được nhân cách hóa khá lạ. Cả bốn chi của rồng thay vì tạo hình chân móng vuốt chim ưng như truyền thống lại mang dáng hình cánh tay người nhỏ nhắn, thon dài, nữ tính. Hai bàn tay ở vị trí chi trước nắm chặt sừng và bờm rồng; ở vị trí chi sau, một cánh tay thon mềm vít râu rồng, tay còn lại xòe ngón đạp chơi vơi trên không trung. Bốn chân của Long sàng được tạo tác với đồ án quỷ dạ xoa dữ tợn. Sự hiện diện của các ác quỷ trên thể hiện sự thần bí, thiêng liêng của ngai bệ và mang ý nghĩa nhắc nhở người ta về địa vị, quyền lực của hình tượng được biểu đạt.

Chiếc Long sàng thứ 2 được đặt trên sân chầu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, sát thềm tòa Bái đường, là một khối đá hình hộp chữ nhật nặng khoảng 2 tấn, dày 18cm, dài 188 cm, rộng 138 cm; phần chân đế được tạo từ 9 khối đá có kích thước không đều nhau, phía trước 3 khối, phía sau 4 khối, hai bên cạnh mỗi bên 1 khối.

Chính giữa bề mặt Long sàng được chạm khắc hình rồng tượng trưng cho quyền lực nhà vua, người đứng đầu Quốc gia Đại Việt. Điểm nhấn đặc biệt ở chi tiết chạm khắc rồng là ba trong bốn chi được các nghệ nhân điêu khắc nhân cách hóa mang hình dáng cánh tay và bàn tay con người đều hướng vào trong.

Ở vị trí hai chi trước, một bàn tay vít sừng rồng, một bàn tay nắm chặt bờm rồng; vị trí hai chi sau, một chi vẫn giữ kiểu móng vuốt chim ưng truyền thống, còn một chi xòe ra như bàn tay 6 ngón đang nắm giữ thân rồng. Mình rồng vặn xoắn, bụng ngửa lên trên, cổ rồng không rõ ràng mà bị râu và bờm che khuất nhưng hình ảnh rồng cuộn vẫn thể hiện được sự uy nghi, hùng dũng.

 Xung quanh mặt Long sàng được chạm khắc diềm trang trí với những hoa văn được chạm khắc rất cầu kỳ, tinh xảo và đa dạng, không theo quy tắc đối xứng. Đường diềm phía trước là hình lưỡng long chầu nhật với đao mác vần vũ uy phong; diềm phía sau lại được trang trí những con vật dân dã, sống ở sông suối, ruộng đồng. Ở đoạn giữa đường diềm là hai con tôm đang đối đầu nhau. Phía bên trái là hình chim, chồn và chuột. Phía bên phải là hình ảnh hai con cá.

Sự xuất hiện của những con vật bình thường trên sập rồng - đồ tế khí trọng yếu ở nơi tôn nghiêm, biểu trưng cho vương quyền tối thượng là một sự hy hữu, độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tạo hình của người Việt xưa nay, thể hiện địa văn hóa Hoa Lư, đồng thời cho thấy quan niệm văn hóa của người Việt về sự gắn kết không thể tách rời giữa trời và đất, giữa nhà vua và muôn dân đất Việt, giữa những điều cao quý và bình dị... 

Theo bà Nguyễn Thị Cúc- phó chủ tịch UBND huyện Hoa Lư thì về công tác bảo tồn, mặc dù địa phương không quản lý chuyên môn nhưng thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến người dân địa phương về những giá trị cũng như ý nghĩa của các bảo vật nói riêng và các di tích văn hóa chung, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ trong cộng đồng xã hội.

Nhưng do các Long sàng được đặt ngoài trời nên việc bảo tồn cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý. Nói về vấn đề này, bà Lê Thị Bích Thục- phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư cho biết: Để giảm thiểu những ảnh hưởng, tác động của thời tiết, đơn vị đã sử dụng công nghệ nano để bảo vệ bề mặt các bảo vật. Đồng thời, tạo khung, đường gianh giới để tách biệt các hiện vật với du khách đến chiêm ngưỡng, tham quan, tránh những xâm hại ngoài ý muốn. 

Thế nhưng, cách làm để bảo quản trên cũng chỉ đáp ứng cấp thời chứ về lâu dài ai dám chắc bề mặt của Long sàng không bị ảnh hưởng.
                                                                                           Theo: daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.467.370
Tổng truy cập: