DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Làng cổ Phước Tích: Tiềm năng lớn, nhưng không điểm nhấn
(Ngày đăng: 07/04/2018   Lượt xem: 355)
Những căn nhà rường làm nên vẻ đẹp của làng cổ Phước Tích. Ảnh: NĐT

Những căn nhà rường làm nên vẻ đẹp của làng cổ Phước Tích. Ảnh: NĐT

Làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là một trong những làng cổ đẹp vào loại bậc nhất của Việt Nam, với những ngôi nhà rường truyền thống xứ Huế cùng với làng nghề làm gốm tồn tại hàng trăm năm. Thế nhưng Phước Tích không thu hút được du khách về tham quan.

Chỉ sống dậy khi có Festival

Làng cổ Phước Tích là một trong hai làng cổ ở Việt Nam được đánh giá là có vẻ đẹp cổ kính được Nhà nước trao bằng xếp hạng “Di tích cấp quốc gia” từ năm 2009. Hiện nay, Phước Tích vẫn còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá với 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ họ cổ. Ngoài ra, Phước Tích còn có hàng chục đình, chùa, miếu, đền thờ… mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế cũng như miền Trung.

Những ngôi nhà rường nằm bên cạnh dòng sông Ô Lâu xanh mát, 3 phía của làng được bao bọc bởi sông nước cùng với sự che mát của những tán cây cổ thụ, một khung cảnh khiến ai đến cũng cảm thấy thích thú. Thế nhưng từ lâu nay, Phước Tích đón lượng khách du lịch rất ít.

Phước Tích chỉ thực sự sống dậy mỗi khi Festival được tổ chức. Hai năm một lần, đến kỳ lễ hội với chương trình “Hương xưa làng cổ”, Phước Tích mới thu hút được du khách về. Trong thống kê của Ban quản lý làng cổ Phước Tích, mỗi kỳ Festival thì làngTích đón hàng trăm lượt du khách mỗi ngày. Thế nhưng điều đó chỉ diễn ra trong vẻn vẹn 4 ngày tổ chức chương trình còn sau đó thì ngôi làng trở lại với sự im lặng vốn có của nó.

Ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc BQL làng cổ Phước Tích cũng thừa nhận rằng từ lúc được công nhận di tích cấp quốc gia đến nay đã gần 10 năm nhưng ngôi làng cổ này vẫn không thu hút được du khách. “Một ngôi làng có tiếng như Phước Tích mà không thu hút được du khách cũng là điều chúng tôi trăn trở, nếu cứ để vậy thì thực sự phí cho du lịch của tỉnh nhà” - ông Thắng nói.

Là người con gắn bó với Phước Tích lâu nay và đã chứng kiến từng sự đổi thay của ngôi làng, anh Lương Thanh Hiền cũng thừa nhận Phước Tích là một điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn tìm về với thiên nhiên. “Phước Tích lâu nay như bị lãng quên, nó chỉ sống dậy khi có Festival, một điểm đến như thế này mà không phát huy được là một điều đáng tiếc” - anh Hiền bộc bạch.

Sắp đến sẽ làm nhưng không biết bao giờ...

Việc làng cổ Phước Tích không thu hút được du khách cũng là bài toán khá nan giải của chính quyền các cấp. Một trong những lý do mà ngôi làng này không có nhiều lượng khách đến tham quan, du lịch là do sự cách trở về địa lý. Ông Thắng phân tích, từ TP.Huế khách du lịch muốn đến với làng cổ phải trải qua quãng đường hơn 45km, đây là trở lực làm du khách không muốn đến với Phước Tích.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả nguyên nhân. Sự kém cỏi và kém phát triển của những sản phẩm du lịch cũng là điều không mang lại sự thích thú cho du khách mỗi khi đến đây. Đến với Phước Tích, du khách chỉ đi dạo vòng quanh làng, rồi sau đó quay lại với lò gốm cũ để cùng trải nghiệm làm nghề với người dân. Tuy nhiên, sự trải nghiệm công việc làm gốm cũng không hấp dẫn là bao khi chính làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm nay và khá nổi tiếng này lại đang bên bờ lụi tàn.

Hiện tại ở Phước Tích chỉ còn mỗi anh Lương Thanh Hiền là người duy nhất còn bám lấy nghề trăm năm của cha ông. Anh Hiền cũng chỉ ra rằng du khách đến với Phước Tích rất muốn trải nghiệm với công việc làm gốm nhưng vì nhiều yếu tố mà loại hình này vẫn không phát huy được giá trị. Lý do mà anh Hiền đưa ra đó chính là do người dân ở đây không còn mặn mà với nghề, gốm không còn là kinh tế chính như trước nên nhiều người đã từ bỏ để làm nghề khác.

Việc không có một sản phẩm du lịch đặc sắc, không tạo điểm nhấn cho làng cổ cũng là điều mà chính quyền nơi đây đưa ra. Thế nhưng làm gì để tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc cho địa điểm du lịch này thì vẫn chưa có sự giải đáp. Trong buổi đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho du lịch tỉnh, nhiều người đặt câu hỏi sự phát triển nào cho du lịch Phước Tích, đại diện Sở Du lịch tỉnh khẳng định rằng tiềm năng du lịch ở làng cổ Phước Tích khá lớn nhưng khai thác còn hạn chế, dịch vụ đi kèm chưa hấp dẫn; hoạt động lưu trú Homestay chưa phát triển và có chất lượng như mong muốn, các sản phẩm truyền thống địa phương chưa được đầu tư khai thác...

Phát triển các sản phẩm du lịch làng Phước Tích được chính quyền nơi đây đưa ra, đó là tham quan nhà cổ, sinh hoạt cộng đồng, trò chơi dân gian, nghề gốm… gắn với phát triển các làng nghề truyền thống gần bên cùng với đó là liên kết với khu nghỉ dưỡng lân cận nhằm tạo sự kết nối liên hoàn về du lịch, tăng thêm sự đa dạng và hấp dẫn tại điểm đến của làng cổ Phước Tích.

“Bên cạnh những sản phẩm du lịch trong phạm vi của làng, sắp đến chúng tôi sẽ liên kết với các làng nghề lân cận để mở tour du lịch nhằm phát huy hết những sản phẩm vốn có của địa phương” - ông Thắng nói.

Thế nhưng “sắp đến” là bao giờ, bao lâu nữa thì không ai biết...

 Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.
                                                                                                 Theo: laodong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.461.633
Tổng truy cập: