DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Khánh Hòa: Nhà Dài ngày càng xa lạ với người đồng bào
(Ngày đăng: 07/12/2017   Lượt xem: 430)
Nhà Dài được xem là “đặc sản văn hóa” của người Êđê, Raglai xưa ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Theo quan niệm xưa của người đồng bào, nhà Dài là cây cột tâm linh rất linh thiêng bởi mọi nghi lễ cúng của gia đình đều diễn ra xung quanh cột chính của ngôi nhà. Trải qua hàng trăm năm, hầu hết các ngôi nhà Dài ở huyện Khánh Vĩnh đã bị hư hỏng, xuống cấp. Để lưu giữ những ngôi nhà Dài đúng mẫu của tổ tiên truyền lại là điều khó khăn.

Chúng tôi có dịp đến các xã thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa rảo quanh các buôn làng thì hầu như không còn tìm thấy bóng dáng những ngôi nhà Dài, nhà sàn của người RagLai và Ê Đê đúng nguyên mẫu.

Tại các xã Khánh Hiệp, Khánh Bình, Khánh Đông, chúng tôi vẫn còn thấy lác đác trong các bản làng bà con dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ lại những ngôi nhà Dài, nhà sàn của người dân tộc thiểu số nhưng những ngôi nhà này đa số đều lợp tôn, hoặc lợp ngói vì hiện nay đi tìm cây cỏ tranh mà lợp mái nhà thì rất khó khăn. Số ngôi nhà sàn hiện nay còn lưu giữ tuy không nhiều.

Già làng Cao Ri Năng tại xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh nói: “Hiện nay những đám cỏ tranh ngày xưa dường như không còn nữa, bà con đã đưa vào trồng cây keo, cây ăn quả nên để có cỏ tranh lợp đủ mái nhà Dài, có đủ gỗ để dựng nên ngôi nhà sàn không phải là chuyện dễ.

Vật liệu để xây dựng một ngôi nhà Dài xưa là hết sức khó khăn. Gỗ lạt giờ nó đắt đỏ, cỏ tranh lại khan hiếm tìm không ra”.

Rất hiếm để bắt gặp những ngôi nhà Dài ở các xã thuộc huyện Khánh Vĩnh.
Rất hiếm để bắt gặp những ngôi nhà Dài ở các xã thuộc huyện Khánh Vĩnh.

Những ngôi nhà Dài của bà con dân tộc thiểu số ở xã Khánh Hiệp, xã Khánh Bình còn giữ lại nhưng đã có sự biến tấu, mái lợp tôn, tường bằng bê tông xi măng không còn như nguyên thủy. Đa số các vị cao niên ở Khánh Vĩnh rất buồn những gì mà tổ tiên để lại cứ ngày lại ngày mất dần đi ngay trước mắt mà không biết cách nào để níu giữ.

Già làng Mà Giá ở xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh tâm sự: “Bây giờ hiện đại rồi, người trẻ có tiền là người ta sắm sửa ti vi, xe máy, mua tủ lạnh, nhà nào khá thì họ xây nhà ngói, thanh niên có tiền thì muốn mua điện thoại để xài chứ hiếm thấy ai có tiền mà đầu tư mua cỏ tranh, mua cây gỗ để làm nhà Dài, nhà sàn như ông bà mình ngày xưa”.

Nhà Dài, nhà sàn là một kiểu kiến trúc phổ biến trong cộng đồng các dân tộc anh em ở vùng núi cao xưa. Vật liệu để xây dựng ngôi nhà Dài, nhà sàn truyền thống theo mô hình của người Raglai phải đầu tư một khoản chi phí không hề nhỏ. Vật liệu làm nhà sàn là tre, nứa, gỗ, có tranh để lợp mái.

Nhà Dài của người Raglai hay còn gọi là nhà sàn dù lớn hay nhỏ, nhưng không thể thiếu cột cái ở giữa nhà, xuyên từ mái qua sàn xuống đất. Đối với người Raglai đây là cây cột tâm linh rất hệ trọng và linh thiêng bởi mọi nghị lễ cúng của gia đình đều diễn ra xung quanh cột chính của ngôi nhà.

Theo quan niệm xưa của đồng bào Raglai, cột cái trong nhà chính là đường lên xuống của ông bà tổ tiên mỗi khi về với con cháu trong các lễ cúng của gia tộc. Trong nhà sàn truyền thống của người Raglai luôn có bếp lửa.

Nhà Dài là nơi sinh hoạt của bà con.
Nhà Dài là nơi sinh hoạt của bà con.

Có thể có nhiều bếp lửa trong một nhà sàn, nhưng trong bếp chính của chủ nhà thì luôn có lửa cháy. Bên bếp lửa, ông bà thường hát kể cho con cháu nhưng bài sử thi, truyện cổ tích và các làn điệu dân ca của người Raglai.

Với người Ê Đê, sinh sống tập trung ở địa bàn xã Khánh Hiệp, trước đây nhà Dài hay còn gọi cách khác là nhà sàn, nhà rông, được làm bằng bằng gỗ và tre, nứa. Mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây lồ ô hay thân tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Tranh lợp từng cụm, ngọn thả xuôi mái, gốc bẻ gập xuống vào bên trong.

Riêng nhà Rông là một kiểu nhà Dài đặc trưng, đây là ngôi nhà cộng đồng của người Ê Đê được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn để dân làng đến đây tụ họp sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thực hiện các lễ nghi của cộng đồng.

Theo già làng Ê Đê thì nhà Rông được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của chính núi rừng như cỏ tranh, tre, gỗ, lồ ô... Nhà Rông là nơi diễn ra toàn bộ sinh hoạt cộng đồng, là trụ sở của bộ máy quản trị buôn làng, nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.

Những ngôi nhà Dài còn sót lại đã lợp tôn.
Những ngôi nhà Dài còn sót lại đã lợp tôn.

Nhà Rông cũng là nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống, nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ.

Ông Huỳnh Công Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay nguyên liệu để làm nhà Dài rất tốn kém, khó mua được gỗ tốt nên người đồng bào không làm nhà sàn nữa. Việc xây dựng nhà cộng đồng cũng làm theo mô hình nhà rông nhưng xây dựng bằng bê tông cốt thép để tạo độ bền và thuận lợi việc hội họp, tổ chức các lễ hội truyền thống. Hiện nay nhà Dài ở Khánh Vĩnh còn rất ít chỉ một vài ngôi nhà, những mái cũng lợp bằng tôn chứ không còn lợp bằng cỏ tranh”.

                                                                                        Theo: phapluatplus.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.465.186
Tổng truy cập: