DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Báu vật văn hóa Tây Nguyên ngày một vơi dần...
(Ngày đăng: 18/05/2017   Lượt xem: 434)


Già làng K’ Mế, người hiếm hoi tại buôn Con Ó còn lưu giữ báu vật của người Mạ. Ảnh: K’LIỆP

Những chiếc chóe cổ, bộ cồng chiêng, trống da voi, bộ ngà voi, cang tai, bộ trang phục thổ cẩm, nhẫn bạc... có từ hàng trăm năm, gắn với những câu chuyện ly kỳ khác nhau - những hiện vật quý giá của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên đã và đang dần mai một theo thời gian...

Những báu vật vô giá

Chúng tôi về Tây Nguyên tìm hiểu về kho báu vật. Tại các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum có những nghệ nhân người bản địa nhiệt huyết sưu tầm đồ cổ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa, tuy nhiên, những người như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay.

Tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), già làng Duôm Dai K’ Bát có một kho báu vật vô giá là một bộ sưu tập đồ sộ với hàng trăm vật dụng đặc trưng của người K’Ho có trên hàng trăm tuổi, như ché rượu cần, cồng chiêng, cà tùng, M’buốt, kèn bầu, trống da trâu, sà gạc, gùi… “Bộ sưu tập của già, giá trị nhất là bộ cồng chiêng 6 chiếc, ngày đó già phải đổi bằng nhiều con trâu mới có được. Chiêng thường sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng như đám cưới, làm nhà mới, đưa người chết ra mồ, bỏ nhà mồ... Còn những chiếc ché cổ màu xanh lục này, để có được, cha ông đã phải đổi hàng chục con trâu”, già Duôm Dai K’ Bát nói.

Ông Y Thim (ngụ Đắk Lắk) lưu giữ số lượng lớn chiêng, ché, hàng trăm loại nhạc cụ và vật dụng cổ quý hiếm thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều già làng người Mạ, K’ Ho... trên địa bàn Lâm Đồng cho biết: “Hàng chục năm trước, nhiều người vẫn còn giữ chiếc chóe cổ, bộ cồng chiêng, trống da voi, bộ ngà voi... thế nhưng, những hiện vật đó, bây giờ hiếm thấy và nếu có cũng không ai dám bán, có bỏ nhiều tiền những gia đình còn sở hữu cũng không bán! Hàng chục năm trước, nhiều người dân bản địa không biết giá trị của các hiện vật nên bán hết hoặc bảo quản lỏng lẻo, nay nhiều gia đình hiểu được là hiện vật tổ tiên để lại, mang ý nghĩa và giá trị lớn nên cất giấu rất kỹ”.

Tại nhiều buôn làng trong tỉnh Lâm Đồng, nhiều báu vật đã mai một theo thời gian. Rất ít gia đình người Mạ, K’ Ho... còn giữ các hiện vật như cồng chiêng, chóe, gùi, đồ thổ cẩm... Tại buôn Con Ó (huyện Đạ Tẻh), người Mạ hiếm hoi còn lưu giữ những chiếc chóe cổ, bộ cồng chiêng, trang phục thổ cẩm... có trên hàng trăm tuổi là già làng K’ Mế. “Mỗi vật dụng có giá trị khác nhau, giá trị nhất là bộ cồng chiêng 11 chiếc, già không biết chúng có từ bao giờ mà chỉ biết, đây là bộ cồng chiêng do cha ông từ nhiều đời để lại. Ngày đó, cha ông phải đổi bằng nhiều con trâu mới có được, chiêng thường sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng như đám cưới, làm nhà mới, đưa người chết ra mồ, bỏ nhà mồ...”, già làng K’ Mế nói. Hàng chục chiếc chóe cổ (người Mạ gọi là Đrắp hoặc Jăng) gồm nhiều loài, nhiều màu sắc cũng được già K’ Mế cất giữ cẩn thận. Chiếc chóe có hình con rùa ở cổ chóe (Đrắp Cọp) được mua lại của một người dân ở Đạ Tẻh cách đây hàng chục năm và đổi bằng 12 gùi lúa (loại gùi dài đựng gần cả tạ lúa). Đối với người Mạ, Đrắp không chỉ là đồ đựng đặc dụng gắn liền với tập quán uống rượu cần, mà còn là tài sản tích lũy của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực, là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là sính lễ trong cưới hỏi, là của hồi môn cho con cái, là vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng và là tài sản chia cho người đã mất..

Báu vật rơi vào những tay chơi đồ cổ

Hàng ngàn hiện vật quý giá của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trị giá hàng tỉ đồng, đa số đã rơi vào tay những tay sưu tầm đồ cổ.

Ông N. Đ. T. ngụ TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) có hơn 10.000 hiện vật, từ những cổ vật đơn sơ trong đời sống sinh hoạt đến các báu vật quý hiếm của vua chúa ngày xưa, được sưu tầm từ khắp mọi miền. Trong bộ sưu tập này, có các báu vật quý giá được cho là của vua Chăm như con dao lệnh, bộ chiêng Arap của hoàng tộc Chăm và một tấm xà rông được cho là báu vật quý giá của giới vua chúa người Chăm (!?). Ngoài ra, ông T. có số lượng cồng chiêng Tây Nguyên khá lớn với 70 chiếc và số lượng lớn các cổ vật xa xưa của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Ông Đ.M.T sở hữu hơn 3.000 hiện vật Tây Nguyên hiện được trưng bày tại nhà riêng tại TP. Đà Lạt. Ông T. có bộ trống da voi; những bộ đàn đá, tinh ning, cha pi, tơ rưng; chiếc ché “mẹ bồng con” giá trị tương đương với 11 con trâu; chiếc ghế “vua voi” làm bằng nhiều đốt xương voi kết lại bằng dây rừng và được cài hai răng nanh.

Một tay săn đồ cổ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Các báu vật của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được giới sưu tầm đồ cổ mua để bán ra thị trường với giá gấp hàng chục đến hàng trăm lần, một số có giá trị cả tỉ đồng. Hàng ngàn đồ cổ nằm trong các viện bảo tàng hiện nay, đa số có giá trị thấp hơn các cổ vật mà giới đồ cổ sở hữu”.

Do thiếu hiểu biết

Mặc dù ngành văn hóa và các địa phương đã có nhiều nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên như: Sưu tầm; bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, nhà dài; phục dựng lễ hội truyền thống; truyền dạy hát kể sử thi… , tuy nhiên, việc thực hiện chỉ mới bắt đầu và hiệu quả khá khiêm tốn.

Nhiều buôn làng tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai... mỗi ngày đang “vơi” dần đi những hiện vật quý giá như choé cổ, bộ cồng chiêng, trống da voi, bộ ngà voi, cang tai, bộ trang phục thổ cẩm, nhẫn bạc... - những hiện vật mang bản sắc văn hóa riêng biệt của người Ê Đê, Ja Rai, Bahnar, K’Ho, Mạ... Các già làng tại các địa phương Tây Nguyên cho biết, các hiện vật của họ bị mai một là do sự thiếu hiểu biết và ý thức bảo tồn của một nhóm người sở hữu chúng. Trước đây, nhiều người Mạ, K’Ho, Ê đê... còn dùng cồng chiêng, trống... trong các lễ hội cúng tế thần linh, cầu mưa… nên dù có đói ăn, thiếu mặc nhiều gia đình cũng không bán. Hiện nay, số nhà giữ được cồng chiêng và các món đồ cổ chỉ được vài hộ. Hiện nay, bà con sắm nhiều phương tiện nghe nhìn nên cồng chiêng, bộ đàn đá, tơ rưng, M’ Buốt... bị bỏ ở xó nhà. Ngoài thu mua những món đồ có giá trị lớn, giới đồ cổ còn tìm các loại vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào như nồi niêu, chén bát, chày cối giã gạo, cung, nỏ, thuyền độc mộc… để hỏi mua. Nhiều người thấy được giá, lại thấy những món đồ cổ xù xì, không đẹp bằng các sản phẩm công nghiệp nên “bán tống bán tháo” và hầu hết, những con buôn mua lại với giá rất thấp...

“Để phát triển bền vững Tây Nguyên, không thể không quan tâm công tác bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc. Những chiến lược, giải pháp mang tính quy mô, trọng tâm, cấp thiết là điều đang đặt ra; cần được cả cộng đồng chung tay góp sức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên”, một cán bộ viện Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng nói.

Thống kê mới nhất của Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk về hiện vật văn hóa các dân tộc: Toàn tỉnh chỉ còn 2307 bộ chiêng đủ chiếc, trong đó chiêng dân tộc Ê Đê có 2.064 bộ, M’Nông 146 bộ, J’Rai 62 bộ, Xê Đăng 8 bộ, Bru-Vân Kiều có 9 bộ.

 

Trước đây, để có được chóe quý, bộ cồng chiêng và nhiều vật dụng có giá trị phải có trâu, ngà voi, sừng nai, đồ thổ cẩm... phải đi bộ theo lối mòn rất nhỏ trong rừng già tìm đến nơi người Chăm ở. Mỗi lần đi đổi chóe, có đến hàng chục người trong buôn làng rủ nhau mới dám đi, ai cũng mang theo ná, lao, sà gạc để chống chọi với thú dữ... Hiện nay, tìm mua những chiếc chóe cổ, bộ cồng chiêng rất khó.

                                                                           Theo: laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.462.558
Tổng truy cập: