DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Để ca trù không còn tình trạng phải bảo vệ khẩn cấp
(Ngày đăng: 28/04/2016   Lượt xem: 405)

Chỉ còn 2 năm nữa, đến năm 2017, Việt Nam sẽ báo cáo UNESCO về tình trạng bảo vệ ca trù, trả lời câu hỏi ca trù đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp hay chưa. Còn hiện nay các nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân ca trù vẫn đang rất nỗ lực để gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa được cha ông truyền lại.


Ảnh minh họa

Quyết tâm bảo tồn vốn ca trù

Năm 2009, UNESCO đã vinh danh, công nhận ca trù của Việt Nam được xếp vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Là địa phương hiện có 14 CLB ca trù, là số lượng đông nhất so với các tỉnh thành khác, Hà Nội đang trăn trở và hết sức nỗ lực để đưa ca trù thoái khỏi tình trạng khẩn cấp.

Cô Đỗ Thị Hảo, Hội văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết, nghệ thuật ca trù của Thăng Long Hà Nội có bề dày lịch sử lâu đời, vô cùng phong phú.

Xưa kia, hình thức hát cửa đình là hình thức sinh hoạt phục vụ cho nghi thức tế lễ Thần Thánh ở các đền hay đình làng. Trong các dịp lễ hội đình làng, các giáo phường đều cử những ả đào, kép đào đến cửa đình để trình diễn. Từ đó hát cửa đình hình thành và phát triển ở khắp nội ngoại thành Thăng Long Hà Nội và vùng lân cận.

Hát cửa đình có thể diễn ra cả ngày hoặc vài ngày vì thế người ta hay dùng các thẻ mang chữ Hán là “Trù” làm bằng tre để tính điểm thưởng cho đào kép, hát xong theo số điểm để lĩnh thưởng, vì thế người ta gọi hát cửa đình là “Ca trù”.

Hát cửa đình vốn dĩ là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng thể gồm ca, múa nhạc, cho đến đầu đời Nguyễn đã phát triển hẳn thành hát ca trù. Sau, phần múa của hát cửa đình bị tước bỏ, giữ lại phần ca là chủ yếu. Ca trù từ thế kỷ 19 đã trở thành thú chơi tao nhã rất được ưa chuộng của các thi nhân mặc khách tại kinh thành Thăng Long.

Cốt lõi của ca trù là lối hát nói bằng cách phổ nhạc cho các bài thơ. Thời điểm ca trù phát triển tại thành Thăn g Long, nhiều tác giả các bài thơ đều là những thi nhân nổi tiếng của Hà thành như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… Trong phong trào cứu nước, chống ngoại xâm, nhiều chí sĩ đã đặt ra các bài hát nói để động viên tinh thần nhân dân và giác ngộ quần chúng như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng…

Hà Nội xưa đã nổi tiếng với những nhà hát từ phố Hàng Giấy, Khâm Thiên, Ấp Thái Hà, Ngã Tư Sở cho đến các đình trấn ven Hà Nội. Đến nay, sau nhiều thăng thầm, những nghệ nhân ca trù chân chính của Hà Nội vẫn giữ được phong cách, lề lối xưa và bảo tồn được vốn tra cù độc đáo của cha ông để lại.

Sự hồi sinh của nghệ thuật Ca trù tại Hà Nội trong vài năm trở lại đây đây ít nhiều ghi dấu ấn của các CLB Ca trù. 14 CLB và nhóm ca trù đang hoạt động tại Hà Nội chính là tâm huyết của bao thế hệ nghệ nhân ca trù tại đất Thăng Long gây dựng lên hoàn toàn bằng tình yêu nghệ thuật. Các CLB ca trù Hà Nội, CLB ca trù Thái Hà, CLB ca trù Lỗ Khê, Đồng Trữ, Ngãi Cầu, Chanh Thôn… hiện hoạt động khá sôi nổi với hơn 50 người truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học.

Các CLB ca trù hiện còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ. Đồng thời, trong quá trình thực hành nghề, các CLB đã sáng tác thêm được 18 làn điệu biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.

Hiện nay, Hà Nội đang có 3 địa điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần là Bích Câu đạo quán, Đền Quan Đế, Đình Kim Ngân… thu hút số lượng không nhỏ các du khách thưởng thức bộ môn nghệ thuật dân gian này. CLB ca trù Thăng Long biểu diễn ca trù hàng tuần lúc 20h vào thứ 3, 5, 7 tại 28 phố Hàng Buồm.

Cần sự vào cuộc ở tầm Quốc gia

Để bảo vệ di sản ca trù, Hà Nội là một trong những địa phương đã có nhiều quan tâm chăm lo cho hoạt động bảo tồn ca trù từng bước phát triển. Trong vòng 6 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã 2 lần tổ chức Liên hoan ca trù mở rộng. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, toạ đàm để tìm giải pháp bảo tồn ca trù Hà Nội.

Trong năm 2015, Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Trong 39 nghệ nhân được Hội đồng xét tặng danh hiệu cấp Nhà nước thông qua có 17 nghệ nhân ca trù.

Tại cuộc tọa đàm của Sở Văn hóa và Thể thao để tìm giải pháp bảo vệ ca trù, đại diện CLB Thăng Long và Thái Hà đã chia sẻ, là đại diện cho những nghệ nhân đang nắm giữ loại hình di sản cần được bảo vệ, các CLB rất tự hào và luôn tâm niệm phải có trách nhiệm gìn giữ, trau dồi và bảo tồn để di sản ca trù có bước phát triển. Sau khi nhận danh nhiệu, một số CLB ca trù nhận được sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hỗ trợ về địa điểm, hỗ trợ nhạc cụ, tạo điều kiện thao dự các cuộc liên hoan ca trù toàn quốc và đã gặt hái được nhiều giải thưởng cao…

TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa nhận xét, Hà Nội đã làm được nhiều việc và rất nỗ lực trong việc bảo vệ ca trù, sức sống ca trù Hà Nội đứng nhất nhì trong 14 tỉnh thành có ca trù.

Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi di sản đã thoát khỏi cần bảo vệ khẩn cấp hay chưa thì Hà Nội cần có đánh giá toàn diện việc bảo vệ ca trù trong 6 năm qua. Nếu đánh giá ca trù Hà Nội đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp thì phải chỉ ra các biện pháp nào đã giúp thoát khỏi khẩn cấp; việc thoát khỏi tình trạng khẩn cấp có bền vững không hay chỉ ở thời điểm nhất định, chỉ là giải pháp tình thế mà không phải giải pháp chiến lược…

TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, việc đưa ca trù ra khỏi tình trạng khẩn cấp là việc không chỉ của Hà Nội mà còn cả các địa phương có ca trù đang thực hành. Đến nay, ca trù cũng chưa có đề án mang tầm Quốc gia để có chiến lược cụ thể trong bảo vệ ca trù. Trong khi từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ đến năm 2020. Hà Nội cần là địa phương then chốt trong việc xây dựng đề án bảo tồn ca trù.

Vì vậy, trước mắt, Hà Nội cần xây dựng kế hoạch thực hiện ngay từ nay đến năm 2017 để có có báo cáo tổng hợp cấp Quốc gia để trả lời ca trù Hà Nội đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp có thể chuyển sang danh sách khác hay chưa.

Việc xây dựng kế hoạch cần chú ý đầu tư vào việc trao truyền cho các thế hệ sau, hiện Hà Nội có 50 nghệ nhân truyền dạy tại các CLB không phải là con số lớn. Muốn bảo tồn phát huy di sản ca trù cần trú trọng đào tạo lớp trẻ vì chính họ là lớp kế cận, là người truyền lại cho thế hệ mai sau.

Cô Đỗ Thị Hảo, Hội văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng, cốt lõi ca trù là lối hát nói, xưa kia ông ca ta đã sử dụng các bài thơ của các thi nhân nổi tiếng có giá trị sử dụng trong nghệ thuật ca trù. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại hôm nay thì ca trù với những bài đã cũ, đã xưa không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại mà cần lồng ghép với hơi thở mới của cuộc sống hiện nay. Như vậy ca trù mới có thể phát triển rộng rãi và phục vụ được nhiều đối tượng khán giả.

                                                                               Theo baoxaydung.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.464.459
Tổng truy cập: