DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Lời khẩn cầu thống thiết cho những “mái đình làng Việt”.
(Ngày đăng: 05/02/2016   Lượt xem: 799)
Là một người yêu tha thiết các giá trị di sản văn hóa trên quê hương Việt Nam, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình đã cùng các cộng sự đứng ra thành lập câu lạc bộ “Đình làng Việt”. Lúc đầu chỉ là một sự nhóm họp của vài người tâm huyết trên mạng xã hội Facebook. Nhưng rồi, số thành viên lên tới 4.800 người và các vấn đề nóng, cấp thiết, những lời khẩn cầu của di sản văn hóa cổ Việt Nam đã thôi thúc các thành viên cùng chung tay “làm một cái gì đó cho kho tàng di sản mà lịch sử, văn hóa và nhiều thế hệ cha anh đã hun đúc nên”. Những gì CLB Đình làng Việt làm được, cũng như khát vọng của họ đã khiến nhiều người cảm thấy ngưỡng mộ và xúc động.

Lời khẩn cầu thống thiết cho những “mái đình làng Việt”

                                                        Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (trái)

“Lao vào điểm nóng” bằng tình yêu trong sáng với di sản

Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Câu lạc bộ "Đình Làng Việt" đã có những hoạt động gì và đang có những khát vọng gì cho di sản đình làng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung?

- CLB Đình làng Việt trong thời gian vừa qua đã tổ chức một số hoạt động chủ yếu là thực hiện công việc kết nối, khơi dậy tình yêu di sản của cộng đồng, gắn liền với các hoạt động quảng bá di sản, tập trung vào kiến trúc và không gian văn hóa của ngôi đình làng Bắc Bộ. Chúng tôi tổ chức các chuyến đi điền dã để các thành viên được tiếp cận trực tiếp với di sản, cùng nhau trao đổi thông tin và các kiến thức liên quan tới văn hóa truyền thống. Hiện nay, chúng tôi liên tục có những thông tin trao đổi liên quan tới di tích cổ, thông tin về di tích đang xuống cấp hoặc bị xâm hại. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông vừa tuyên truyền về các giá trị của di sản, vừa thực hiện kêu cứu di tích đang bị xuống cấp, phát hiện được một số vụ việc trùng tu ẩu, làm biến dạng di tích.

Với mục tiêu cùng cộng đồng bảo vệ di sản, tháng 8.2015, CLB Đình làng Việt đã tổ chức sự kiện “Đình làng Việt - những điều còn - mất”, tại sự kiện này chúng tôi đã tổ chức triển lãm hình ảnh đặc sắc về kiến trúc và điêu khắc cũng như những giá trị không gian văn hóa xung quanh ngôi đình làng, đồng thời trưng bày những hình ảnh về sự xuống cấp của nhiều ngôi đình làng hiện nay, đặc biệt phản ánh sự xâm hại của con người trong quá trình trùng tu, quản lý, sử dụng các ngôi đình làng. Song song với triển lãm là các cuộc tọa đàm xung quanh vấn đề đình làng đang dần mai một trong bối cảnh làng xã có nhiều biến đổi, các giải pháp bảo vệ và phát huy các giá trị của nó cho thế hệ sau.

Thời gian tới đây, chúng tôi đặt mục tiêu tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tới các thành viên và cộng đồng, đặc biệt hướng tới đối tượng thanh, thiếu niên và những người dân trực tiếp sống bên cạnh di sản. Chúng tôi sẽ kết hợp với các trường tiểu học và trung học để tổ chức cho các em được đi điền dã, được trực tiếp tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, điêu khắc ở các địa phương. Chúng tôi cũng đã thường xuyên liên hệ chặt chẽ với người dân tại các di tích, để tuyên truyền, nắm bắt thông tin về quá trình quản lý di tích, tư vấn cho họ cách xử lý tình huống trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của quê hương mình.

Những gì anh vừa nói, vẫn thường được hiểu là “công việc của các cấp các ngành, đã được Đảng và Nhà nước phân công”. Vậy mà, tại sao công việc cấp thiết như vậy lại "đến tay" một câu lạc bộ do anh khởi xướng?

- Trước hết phải nói chúng tôi không có ý định và không thể làm thay công việc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các thành viên của chúng tôi mỗi người một ngành nghề, trình độ học vấn và chuyên môn khác nhau, nhưng đều có điểm chung là người biết yêu di sản, biết hưởng thụ và trân trọng tài sản văn hóa mà tiền nhân đã để lại, họ đau đáu với những thay đổi của làng quê Việt và vì thế mỗi thành viên đều có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nói chung và đình làng nói riêng. Các thành viên CLB Đình làng Việt tham gia các hoạt động đều rất nhiệt tình và trách nhiệm, vì thế khi chúng tôi tổ chức các hoạt động đều nhận được sự hưởng ứng của các thành viên, đặc biệt sự kiện “Đình làng Việt - Những điều còn - mất” 100% kinh phí do các cá nhân hăng hái đóng góp.

“Chính những người được giao quản lý và bảo vệ lại thường làm hỏng di tích”!

Đình làng cổ VN là hệ thống di sản quý, nhưng hiện nay đang dần mất đi và nhiều nơi biến dạng sau khi tu sửa. Qua tìm hiểu, anh thấy nỗi lo của di sản này là gì?

- Thực ra qua các biến thiên của lịch sử, ngôi đình làng Việt đã chịu nhiều mất mát, tuy nhiên hệ thống đình làng còn lại đến ngày nay vẫn rất phong phú và có giá trị. Trong thời buổi hiện nay, những ngôi đình không thể giữ được sự nguyên vẹn như hàng trăm năm nay vẫn tồn tại. Chúng tôi thường xuyên về địa phương khảo sát các di tích, mỗi chuyến đi đều thấy di tích bị biến dạng. Cuối năm 2014, chúng tôi tới tham quan đình Vường (xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang) ngôi đình thế kỷ 17 đã được xếp hạng di tích Quốc gia, bao quanh đình là hệ thống tường trình rất đẹp, không gian cảnh quan thoáng - đặc trưng chỉ có nơi đây. Vì là di tích còn giữ được nguyên nét cổ kính và đặc trưng nên chúng tôi đã trao đổi với nhân dân và chính quyền địa phương về giá trị di sản đình Vường, đặc biệt là giá trị của hệ thống tường trình bằng đất nện. Nhưng chỉ 3 tháng sau, chính quyền đã cho xây toàn bộ tường gạch bao xung quanh đình, hệ thống tường trình đất nện đã bị phá, việc này đã bị sự phản đối của người dân sống xung quanh đình. Các cơ quan quản lý văn hóa của tỉnh Bắc Giang và Bộ VHTTDL không biết. Chúng tôi đau xót vô cùng nhưng đành bó tay. Và gần đây, áp sát phía sau đình Chu Quyến mọc lên một ngôi nhà tầng cao vượt lên trên mái đình, ngôi nhà kiên cố, hiện đại này đã chiếm lĩnh không gian của tòa đình tuyệt đẹp này. Hay sự việc trùng tu như phá ở đình Tiên Canh, trùng tu như mới ở đình Thụy Phiêu, trùng tu cẩu thả, vô trách nhiệm ở đình Quang Húc... Đáng lo hơn nữa là sự thiếu hiểu biết của Ban Quản lý di tích về chính ngôi đình của mình, là sự thờ ơ của chính những người dân xung quanh khi mối quan hệ của họ với ngôi đình dần trở nên lỏng lẻo, không quan tâm tới những sai phạm đang diễn ra. Hiện nay di tích nào cũng tồn tại mong manh và trong sợ hãi. Cứ bảo tồn là biến dạng, làm sai, làm hỏng. Nguyên nhân theo tôi là con người. Tôi lo nhất là yếu tố con người, tác nhân quan trọng trong việc bảo tồn. Đặc biệt là những người được giao nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp tới quản lý và bảo vệ di tích thường là những người bằng cách này hay cách khác mang đến tai họa cho di tích.

Việc trùng tu vụng về, cẩu thả, luộm thuộm, thậm chí khuất tất gần đây đã tàn sát không ít giá trị của di sản đình làng Việt, anh thấy biểu hiện của điều này cụ thể ra sao? Anh có thể ví dụ vài câu chuyện tiêu biểu?

- Khi lợp mái Đình Cam Thịnh (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) người ta định dùng gạch lỗ để thay lớp ngói lót, và khi xử lý lớp ngói đầu đao đã thay việc phải lợp ngói bằng cách dùng gạch vữa để tạo đường cong cho đầu đao; ở đình Quang Húc, những thanh dép hoành đã bị đặt sai. Tại một số đình sau khi trùng tu thì các mảng chạm khắc đã bị thừa ra, hoặc để sai lệnh so với ban đầu như tại đình Phùng, sau khi trùng tu mảng chạm rồng ở trước hậu cung bị đặt ngược.

Và một hiện tượng tu bổ đang có chiều hướng được phổ biến là “cưa chân cột”. Trước đây cưa và nối chân cột là giải pháp để trùng tu thì nay giải pháp này đã “biến thái” thành phương thức của đơn vị thi công trong việc tu bổ. Chân cột nào bị mục mà không có khả năng thay cột mới thì người ta dùng giải pháp cưa chỗ mục và nối bằng đoạn cột mới, một di tích chỉ có một hoặc vài cột xử lý cách đó, nhưng hiện nay tôi có cảm giác giải pháp này đang được người ta lạm dụng. Kiến trúc sau khi trùng tu rất mất thẩm mỹ, những chân cột bị chắp nối chẳng khác nào các chiến binh bị thương sau trận chiến ác liệt với quân thù.

Tại đình Quang Húc, có 48 cột thì 35 cột bị đè ra cưa và nối chân cho dù các cột chưa đến mức phải dùng giải pháp này, hoặc người ta có thể dùng các phương pháp khác xử lý chống mục chân cột. Cũng ở đình Quang Húc, một số cột của đình trong phương án thi công có xử lý tiêu tâm, nhưng trên thực tế người ta đã không thực hiện như phương án.

Đặc biệt là trong công việc trùng tu, có những cấu kiện, thành phần kiến trúc cổ tuy còn tốt đã không được sử dụng lại, thay vào đó là những thành phần được làm mới với tay nghề non kém và thậm chí sai lệch về số đo, chất liệu như ngói lợp, các mảng chạm và chân tảng... Ở đình Hương Canh và Ngọc Canh tất cả các tảng đá kê chân cột vốn rất lớn, rất hài hòa và mang nhiều chỉ dấu lịch sử, thì sau khi trùng tu hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những chân tạc được đẽo tạc cứng nhắc và xa lạ. Những người trông nom di tích và nhân dân đã thẳng thắn bày tỏ những nghi ngờ của mình về các yếu tố tiêu cực, khuất tất của đội trùng tu. Tất cả các hiện tượng trên phản ánh việc kiến thức, trình độ và quan trọng là tâm của người làm công tác quản lý và liên quan tới tu bổ còn thiếu và rất kém, nếu không nói quá là không có kiến thức về trùng tu thì mới để xảy ra tình trạng di tích trùng tu như chúng ta thấy ở trên.

Những liều “thuốc đắng” và các lời khẩn cầu của các tòa đình cổ

Vậy thì, theo anh, để bảo vệ được các tòa đình cổ, quý giá và có giá trị "muôn một" kể trên, thì chúng ta phải làm gì?

- Những ngồi đình làng đã tồn tại từ đời này qua đời khác, là dấu ấn sâu đậm của biết bao nhiêu thế hệ, mỗi ngôi đình là một bảo tàng, nó gắn bó mật thiết với cộng đồng, chính vì vậy công việc bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị của đình làng trách nhiệm phải thuộc về người dân gắn bó với nó.

Hiện nay, do quy định thì các di tích đã được xếp hạng thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà đã được phân cấp, chính vì lẽ đó khi di tích bị hư hại thì người dân không được tự ý thực hiện công việc tu sửa, hoặc nếu muốn tu bổ thì phải thực hiện đúng trình tự thủ tục, qua rất nhiều cấp. Nếu người dân tự ý làm thì sẽ sai Luật Di sản. Một tình huống khá phổ biến, đó là di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp Bộ thì đương nhiêm việc tu bổ tôn tạo là do các đơn vị cấp trên thực hiện. Việc tu bổ, chỉnh trang, xây mới, hay phá bỏ người dân địa phương không được tham gia đóng góp ý kiến, hoặc nếu được tham gia chỉ là nửa vời… chính vì vậy mà nhiều di tích khi trùng tu xong người dân thấy xa lạ, trùng tu xong các đơn vị thi công rút đi để lại hậu quả biến dạng di tích mà không được sửa chữa kịp thời - đình Hương Canh, đình Ngọc Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là các ví dụ tiêu biểu. Như vậy, hiện nay cần phải rà soát lại các quy định trong công tác quản lý và tu bổ di tích, trong đó cần chú ý đến vấn đề giám sát của người dân, để người dân cùng tham gia.

Theo tôi, đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành rà soát lại các vấn đề sau:

Cần rà soát lại năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ các cấp làm công tác quản lý về di sản. Hiện nay theo quy định các đối tượng này phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được tham gia tu bổ, nhưng rất nhiều di tích tu bổ xong là hỏng, là sai. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc rà soát và kiểm tra lại các cá nhân và đơn vị tham gia công tác tu bổ. Đơn vị, cá nhân nào thực hiện công việc tu bổ mà gây ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm túc, rút giấy phép và chứng chỉ hành nghề. Nhà nước khẩn trương mở ngành đào tạo chuyên sâu về tu sửa phục chế di tích ở cấp đại học. Trong các công trình tu bổ di tích, tỉ lệ thợ lành nghề rất ít, nhiều công trình sử dụng thợ mộc giản đơn (thợ mộc đóng bàn ghế mà chúng tôi gọi là thợ mộc đinh 5 phân), thợ nề giản đơn (thợ xây nhà) vào việc tu bổ di tích. Điều này đã dẫn đến tình trạng kiến trúc sau khi tu bổ bị sai, bị hỏng. Chúng ta cần chấn chỉnh điều này khẩn cấp. Các dự án tu bổ cần được công khai về hồ sơ thiết kế, thi công, kinh phí, quy trình thực hiện. Các cơ quan quản lý cần phối hợp với nhân dân giám sát chặt chẽ quá trình tu bổ. Tránh sự khuất tất, rút ruột công trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng di tích.

Điều đặc biệt cần lưu ý, năm 2010, Dự án Trùng tu đình Chu Quyến - tác phẩm đoạt giải cao nhất về Bảo tồn di sản Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Tây An (Trung Quốc). Đây là một trường hợp điển hình, thông qua đó, những chuẩn mực, quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã được xây dựng để áp dụng với các di tích khác nhằm nâng cao chất lượng khoa học và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích. Thật đáng buồn, tuy là mẫu mực cho phương pháp trùng tu nhưng từ năm 2010 đến nay chưa có một ngôi đình nào được tu bổ đúng quy trình như đình Chu Quyến.

Ngoài ra chúng ta cũng cần nhận thấy hệ thống đình làng ngày nay rất ít được đưa vào trong các tuyến du lịch, quảng bá hay những chuyến tham quan của học sinh, sinh viên. Mặc dù so với các công trình văn hóa khác đình làng hoàn toàn có vị thế tương đương thậm chí nổi trội. Điều này rất cần tầm nhìn hoạch định của các nhà quản lý Văn hóa và Du lịch cấp Trung ương và địa phương.

Cuối cùng, anh và nhóm Đình làng Việt mong muốn gì qua hội thảo tổ chức cùng VTC và cơ quan hữu trách (Đình làng xứ Đoài - những điều còn - mất)?

- Tôi mong muốn qua Hội thảo này, chúng ta tiếp tục rung lên hồi chuông báo động về việc di sản của cha ông đang mất dần bởi thời gian, đặc biệt là bị hủy hoại bởi bàn tay con người. Điều đáng nói ở đây, rất nhiều kiến trúc cổ nói chung và kiến trúc đình làng nói riêng bị biến dạng và hủy hoại bởi bàn tay những con người nhân danh quản lý và bảo vệ di sản. “Thuốc đắng dã tật...” tại Hội thảo này, tôi mong muốn chúng ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề của công tác quản lý và bảo tồn di tích, đặc biệt là những bất cập trong công tác trùng tu di tích hiện nay. Tôi hy vọng các vị “thuốc đắng” tại Hội thảo này sẽ ít nhiều được các nhà quản lý di sản sử dụng.

Cảm ơn anh, chúc anh và các thành viên CLB Đình làng Việt sẽ thành công hơn nữa!

                                                                                      Theo laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.464.264
Tổng truy cập: