Dấu tích xưa trong rừng hoang

Xuất phát từ ý tưởng là những khu nghỉ, từ những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đã cho xây dựng tại đây hàng loạt những công trình mang đậm dấu ấn Pháp. Từ trường học, nhà thờ, nhà nghỉ... Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những dấu tích cổ, rêu phong với những câu chuyện lịch sử còn in đậm dấu nơi đây. Những khu nghỉ dưỡng, những bếp lò, những bức tường, tất cả đều được bao phủ bởi cây rừng. Ở cốt 600, khu dinh đại tá là một công trình tiêu biểu của Pháp tại vườn hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Nơi đây có hàng rào dây thép gai, tường đá bao quanh, cao hơn 2 m, dày 0,5 m và một số ụ súng trung - đại liên. Khu trại hè dành cho con em người Pháp và các quan lại chính quyền thuộc địa, gồm 4 khu nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố bằng đá. Đặc biệt, điểm nhấn của khu di tích là Nhà thờ đổ nằm ở độ cao 800 m, giữa tán rừng già cổ thụ. Bị bỏ hoang nhiều năm, nhà thờ không còn nguyên vẹn, nhưng dấu ấn của kiến trúc, văn hóa Pháp vẫn in đậm lên những dấu tích còn lại. Cô nhi viện được người Pháp xây dựng sau năm 1945, bị bỏ phế khi chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng vì tình hình chính trị bất ổn ở Đông Dương. Sau 70 năm bị bỏ hoang, toàn bộ cô nhi viện đã đổ nát và bị cây rừng bao phủ.

Theo ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Ba Vì) ngày 15.11 vừa qua, Tổ chức kỷ lục Giness Việt Nam đã trao tặng công nhận Vườn quốc gia Ba Vì là top 5 vườn quốc gia đông khách khám phá và top những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam. “Chúng tôi hi vọng rằng, với những tiềm năng sẵn có, cộng với hiệu ứng truyền thông lan tỏa, Vườn quốc gia Ba Vì sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của du khách hơn nữa” - ông Thế cho biết. Tính đến hết tháng 11.2014, vườn đã đón 14 vạn lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kì năm 2013. Không dừng lại ở những điểm nhất là dấu tích cổ, cảnh quan trong rừng, hiện, Vườn quốc gia Ba Vì cũng đang phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến với mục đích nghiên cứu, khám phá về những bí ẩn trong rừng. Xu hướng các bạn trẻ tìm đến vườn để chụp ảnh cưới cũng ngày càng phổ biến.

“Cứu” lấy di tích

Theo ông Thế, trong quần thể Vườn Ba Vì, khu di tích xưa đã được đưa vào danh sách bảo tồn, phát triển du lịch. Tuy nhiên, điều dễ thấy khi tìm đến đây, đó là qua mỗi năm, khi di tích độc đáo trên càng trở nên xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, dù chủ trương chung là bảo tồn di tích, song đến giờ, chưa có một phương án bảo tồn khả thi nào được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một cao niên tại xã Tản Lĩnh (Ba Vì) cho biết, nếu không có phương án bảo tồn, chỉ ít năm nữa các di tích sẽ trở thành bãi hoang phế. “Là cựu binh, nên các di tích cách mạng, di tích kháng chiến là những kỉ niệm mà chúng tôi luôn mong được níu giữ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để giữ gìn di tích” - ông Hùng cho biết.

Cứ điểm Cốt 600 Ba Vì là Di tích lịch sử quốc gia do Bộ Quốc phòng quản lý đang bị xuống cấp. Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì không có thẩm quyền can thiệp, nên qua nhiều năm, đơn vị này phải phó mặc tác động xấu của thời gian, tự nhiên và con người đến di tích. Đối với các điểm di tích như: Cô nhi viện, nhà thờ trong rừng cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, tuy nhiên, do liên quan đến các vấn đề tôn giáo và các yếu tố nước ngoài nên đến nay, Ban quản lý Vườn cũng chưa thể lên phương án bảo tồn thích hợp. Lực lượng của Ban Quản lý di tích “Địa điểm chiến thắng cứ điểm 600 Ba Vì” hiện chỉ được phép thực hiện nhiệm vụ dọn dẹp, làm sạch tại điểm di tích, ngoài ra không được can thiệp gì thêm. Trước những thực trạng và khó khăn kể trên, ông Thế đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp và sớm đưa ra phương án xử lý, nhằm bảo tồn di tích độc đáo vốn có. “Nếu không khẩn trương, chỉ ít năm nữa thôi, các di tích sẽ không còn nữa” - ông Thế cho biết.

                                                                 Theo : laodong.com.vn