DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
“Xẻ thịt” di tích
(Ngày đăng: 15/11/2014   Lượt xem: 451)
Không chỉ bị xuống cấp trầm trọng do không được tu bổ, hiện nay nhiều chùa chiền, lăng tự, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TPHCM đang bị “xẻ thịt” làm nơi buôn bán, sinh hoạt.

Thi nhau chiếm dụng

Mỗi ngày di tích Chùa Ông (còn gọi là Nghĩa An hội quán, nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5) phải chịu cảnh hàng trăm người và xe nhồi nhét, chen chân nhau trong sân chùa. Không chỉ gồng mình chịu cảnh người, xe chen lấn ồn ào, nhiều người thiếu ý thức còn bấm còi inh ỏi, mặc dù ngay cổng chùa đã gắn tấm biển “đề nghị không đậu xe trước cửa chùa”. Cạnh bên chùa là một trường tiểu học, có lối đi riêng, nhưng ngày nào phụ huynh cũng vô tư chen nhau chạy, đậu xe ngay trong khuôn viên chùa để đưa đón con em. Một người giữ xe ở đây cho biết, tình trạng này diễn ra từ lâu nay nhưng không thấy chính quyền địa phương can thiệp để lập lại trật tự tại chốn tôn nghiêm.

Xung quanh lăng tả quân Lê Văn Duyệt 

Đến di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), chúng tôi cũng gặp cảnh nhếch nhác tương tự, thậm chí còn tệ hơn. Cả bốn đoạn đường bao quanh lăng đều bị người dân và các phương tiện vây quanh buôn bán, xả rác. Đường Vũ Tùng nằm bên hông lăng bị các hộ dân lấn chiếm, bày biện đủ mặt hàng để buôn bán trên bờ rào. Đây còn bị biến thành bãi tập kết, trung chuyển rác nên rác và nước thải ngập ngụa, người có ý thức kém còn vô tư tiểu tiện vào bờ tường. Mỗi khi đến viếng lăng, khách hành hương phải bịt mũi bởi mùi hôi thối. Trong khuôn viên lăng, phía đường Trịnh Hoài Đức đã bị người dân chiếm dụng làm bãi giữ xe với mức phí 4.000đ/xe máy. Họ còn nhận giữ các loại ôtô và xe máy qua đêm hay theo tháng.

Tương tự, trên đường 3 Tháng 2 (quận 10) có khu di tích Việt Nam Quốc tự luôn bị xe hàng rong vây quanh dẫn đến tình trạng lộn xộn, bát nháo. Nhiều hành khách cảm thấy khó chịu vì bị chèo kéo mua hàng, thậm chí mắng chửi khi trả giá. “Tôi đến đây vài lần đều phải né mấy người bán hàng ở đây. Họ chắn ngay trước cổng, thấy ai vào cũng nài nỉ, chèo kéo mua nhang, hoa quả... Mình không mua bị họ “tặng” cho một tràng chửi tục”, chị Hoài, một hành khách thường đến đây bức xúc.

Cũng trên đường 3 Tháng 2 (quận 11), di tích quốc gia chùa Phụng Sơn (còn gọi là chùa Gò) bị xâm hại nghiêm trọng. Ở đây có hàng chục hộ xây dựng lấn chiếm khuôn viên chùa. Một vị hòa thượng cho biết: “Tuy số người vô gia cư tập trung sinh hoạt, xả rác, trộm cắp, gây mất an ninh trật tự đã giảm nhưng tình trạng lộn xộn vẫn còn. Hai bên cổng ra vào còn xuất hiện những quán cà phê nhếch nhác làm ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích. Ngoài sự quan tâm của các ban ngành địa phương, nhà chùa cũng linh hoạt, tự tổ chức các hoạt động từ thiện, giữ xe miễn phí vào ban đêm... nhưng ý thức bảo quản di tích của một số người vẫn chưa cao”.

Xuống cấp nghiêm trọng

Mỗi khi đến thăm những di tích kiến trúc nghệ thuật, ai nấy đều trầm trồ ngợi khen nét cổ kính, họa tiết nghệ thuật độc đáo của các di tích. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, lòng tự hào ấy là những nỗi lo canh cánh...

Nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển đang xuống cấp nghiêm trọng

Quán nhậu mọc, hàng ăn trước lối ra vào nhà cổ cụ Vương Hồng Sển

Ai có dịp ghé thăm nhà cụ Vương Hồng Sển (số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh) đều không khỏi xót xa trước thực trạng hoang tàn, bị xâm hại và xuống cấp trầm trọng. Trong những ngày mưa gió, di tích này còn thê thảm hơn bởi mái ngói hư hỏng nặng, nước mưa dột tứ tung. Ngay cổng ra vào là một quán nhậu đã mọc lên từ lâu, các bờ tường dùng phơi quần áo, trông rất phản cảm. Mặt trước nhà cụ là nơi các quầy hàng rong mọc lên, tạo cảnh nhếch nhách khó coi. “Đây là một di tích cổ nhưng chưa được chú trọng để tu sửa, hiện các cột nhà bị mục, các thanh xà gỗ sắp gãy, ngôi nhà có thể đổ xuống bất cứ lúc nào”, ông Lê Lâm, người dân sống ở đây cho biết.

Di tích chùa Giác Lâm trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình) - một trong những ngôi chùa cổ nhất ở TPHCM, có đến 265 tuổi, hiện đang lưu giữ 113 pho tượng cổ được chế tác từ đầu thế kỷ XVIII, 19 bức hoành phi, 86 câu đối, một số bàn thờ và đồ thờ cổ. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chứng nhận là “di tích lịch sử văn hóa” năm 1988. Dù đã được nhà chùa dốc sức bảo quản, gìn giữ nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hại, một số cột gỗ và pho tượng cổ đã bị mối mọt xâm hại, vỡ nứt...

Nhiều hạng mục trong chùa Giác Viên hư hỏng

 Chùa Giác Viên (quận 11) cũng xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí nhiều hạng mục đã đổ nát, đây là ngôi chùa có tuổi thọ gần 300 năm lưu giữ nhiều hiện vật, tượng cổ quý hiếm, có giá trị nghệ thuật cao. Ngoài khuôn viên chùa có quá nhiều rác, gạch, đá, xà bần, cỏ mọc um tùm. Xung quanh khu tháp tổ Khai Sơn bị lấn chiếm làm quán cà phê, phơi quần áo, chuồng nhốt gà chọi... “Hiện chùa đang chờ kinh phí để trùng tu, nhưng vì kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng nên sẽ lâu mới được phê duyệt”, một vị sư trong chùa cho biết. Ngoài ra, một số di tích khác đang xuống cấp như đình Thông Tây Hội, chùa Sắc Tứ Trường Thọ (quận Gò Vấp),  Đình Phong Phú (quận 9), Đình Chí Hòa (quận 10)....

Tính đến nay, toàn TPHCM có 144 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 57 di tích cấp Quốc gia và 86 di tích cấp thành phố. Với số lượng như vậy, nếu chúng ta biết phát huy đầy đủ giá trị các di tích thì chẳng những giúp cho các thế hệ mai sau biết về lịch sử Việt, văn hóa Việt mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu của du khách nước ngoài. Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, ngoài một số di tích phát huy được hiệu quả thì chúng ta đang lãng phí, chưa khai thác, phát huy hết giá trị của khá nhiều di tích.

                                                                     Theo : congan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.459.026
Tổng truy cập: