DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Lai Châu: Bảo tồn văn hóa dân tộc Si La
(Ngày đăng: 15/09/2014   Lượt xem: 377)

Các chương trình, dự án cùng sự quyết tâm bảo tồn bản sắc văn hóa của người Si La ở Lai Châu đã giúp cho một số sắc thái văn hóa cổ truyền của dân tộc này được gìn giữ và phát huy khá tốt.


Đầu tư bảo tồn văn hóa Si La

Là một dân tộc rất ít người, dân tộc Si La được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Hơn 10 năm qua, đã có nhiều chương trình, dự án về bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Si La tỉnh Lai Châu được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau như: Truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống và truyền dạy ca - vũ - nhạc dân gian dân tộc Si La bản Seo Hai (2010) từ nguồn tài trợ của Quỹ trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch - Việt Nam; sưu tầm, biên soạn và giới thiệu ấn phẩm “Dân tộc Si La tỉnh Lai Châu” (2013) và hỗ trợ tổ chức, bảo tồn lễ cúng bản (plạ khớ thú) của người Si La bản Sì Thau Chải (2014) từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Dự án mở 6 lớp truyền dạy các tri thức, tập quán cổ cũng đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đề xuất trong chương trình đột phá năm 2014...

Trang phục nữ cho đến nay vẫn được bảo tồn và sử dụng trong đời sống, đặc biệt là trong các dịp lễ trọng. Lớp trẻ người Si La thuộc lòng các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Các nghi lễ cộng đồng được duy trì theo đúng tập quán cổ xưa... Đó là những kết quả đáng ghi nhận trong điều kiện cộng đồng người Si La gần như “lọt thỏm” giữa các tộc người khác có dân số áp đảo và trình độ kinh tế - xã hội có phần phát triển hơn.

Văn hóa Si La trong thời kỳ hội nhập

Cũng như các dân tộc khác, văn hóa truyền thống người Si La đang chịu những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, đô thị hóa. Bản tái định cư Sì Thau Chải được xây dựng giống một “tiểu khu phố” đã làm mất đi các yếu tố truyền thống liên quan đến tập quán cư trú và tín ngưỡng cổ truyền. Các gia đình thuê thợ người Kinh từ miền xuôi lên làm nhà khiến cho kiểu dáng ngôi nhà ít nhiều mang dáng dấp nhà của người Kinh, người Thái. Trong văn hóa ẩm thực, nhiều món ăn và ứng xử trong ăn uống của người Si La không còn nét riêng mà bị đồng hóa với người Thái, người Hà Nhì và người Kinh. Sự tương trợ cộng đồng trong ăn uống mất dần và được thay thế bởi cơ chế thị trường. Sự biến đổi còn ở cả tín ngưỡng dân gian và các nghi lễ gia đình, nghi lễ nông nghiệp. Lễ cưới, lễ tang ít nhiều chịu ảnh hưởng của người Kinh. Các nghi lễ tín ngưỡng trong sinh đẻ ngày càng ít được tổ chức. Trong canh tác nương rẫy, người Si La ngày nay sử dụng kỹ thuật cày lật đất và chăm sóc, bảo vệ cây trồng bằng hóa chất thay cho các phương pháp canh tác cổ truyền thân thiện với môi trường (chọc lỗ tra hạt, nhổ cỏ bằng tay, ủ cỏ rác làm phân bón thúc…). Các nghi lễ tín ngưỡng trong nông nghiệp để cầu xin thần linh “cho mưa thuận gió hòa, đừng để thiên tai” với tư cách là một mắt xích trong chuỗi kỹ thuật canh tác nông nghiệp dân gian “biến mất” từ nửa cuối thế kỷ XX. Trong tâm thức của người Si La, vẫn còn đó những vị thần ấy nhưng niềm tin và sự tôn kính, nể sợ của người dân trước thần linh đã suy giảm đáng kể…

Trong xu thế phát triển, hội nhập hiện nay, văn hóa truyền thống của người Si La đang đứng trước những cơ hội và những thách thức không nhỏ trong công cuộc “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần của Nghị quyết hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã đề ra.
                                                                                  Theo : dulichvn.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.467.982
Tổng truy cập: