KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2024 dự kiến đạt khoảng 2 tỷ USD
(Ngày đăng: 20/10/2024   Lượt xem: 35)

Do những khó khăn về thị trường, cũng như những yếu tố nội tại của ngành, dự kiến, xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ năm 2024 chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD.

Vẫn đối diện với nhiều thách thức

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 774.392 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tập trung nhiều ở nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, cơ khí nhỏ; với 2.107 nghệ nhân, thợ giỏi; 571 nghệ nhân cấp tỉnh và 1.322 thợ giỏi thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Số lao động trong các làng nghề là hơn 1,4 triệu lao động.

Làng nghề gốm sứ Bình Dương là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời tại vùng đất này
Làng nghề gốm sứ Bình Dương là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời tại vùng đất này
Gốm sứ là nghề truyền thống tại Bình Dương. Ông Vương Siêu Tín - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương – chia sẻ, số cơ sở sản xuất gốm sứ tại Bình Dương đã giảm tới 70 - 80% so với thời kỳ phát triển hoàng kim, số lao động trong mỗi cơ sở cũng giảm đáng kể. Các cơ sở sản xuất đang đối mặt với bài toán khó cả về thị trường tiêu thụ, lao động và nguyên liệu sản xuất.

“Giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, chi phí sản xuất tăng và nhu cầu thị trường thấp khiến doanh số mặt hàng gốm sứ tại nhiều cơ sở đang giảm 50% so với giai đoạn trước”, ông Vương Siêu Tín chia sẻ và cho hay, nhu cầu thị trường có thể sẽ khả quan hơn trong thời gian tới nhưng nếu không có giải pháp căn cơ về nguồn lao động cũng như nguyên liệu sản xuất lâu dài thì ngành gốm sứ Bình Dương khó có thể duy trì và cạnh tranh được trên thị trường.

Khó khăn của làng nghề tại Bình Dương cũng là bức tranh chung của cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – nhận định, ngành thủ công mỹ nghệ cũng đang đứng trước nhiều thách thức như: thiếu liên kết ngành trong tổ chức sản xuất, thiếu sự liên kết giữa các hiệp hội với các doanh nghiệp, các trường đào tạo, làng nghề, nghệ nhân. Phát triển nghề, làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tận dụng lao động và không gian trong các hộ gia đình là chủ yếu. Chưa có mô hình toàn diện để phát triển làng nghề gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuy đã cải tiến về mẫu mã nhưng tính thẩm mỹ, nghệ thuật chưa cao; sử dụng nguyên liệu ảnh hưởng đến môi trường, chưa rõ nguồn gốc… việc truyền nghề cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn khiến không ít làng nghề bị mai một.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, mục tiêu của Việt Nam là gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hướng tới kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 6 tỷ USD đến năm 2030. Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực song song với bảo tồn, phát triển làng nghề.

Hiện, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỉ USD (2015) lên đến 2,23 tỉ USD (2019) và phấn đấu đạt 4 tỉ USD vào năm 2025.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - cho biết, đối với nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, có tính độc đáo và cá nhân hoá, kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Một xu hướng đang chú ý là mua sắm trực tuyến và quốc tế hoá thị trường. Đây là cơ hội để sản phẩm của làng nghề vươn xa ra khỏi làng, biên giới quốc gia và tiếp cận với khách hàng toàn cầu.

“Để khai thác được thị trường hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh, các làng nghề, cơ sở sản xuất phải đảm bảo việc thực hành sản xuất bền vững, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, xây dựng được câu chuyện hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm”, ông Nguyễn Minh Tiến khuyến nghị.

Dự kiến thu về 2 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, năm 2024, thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn cầu hướng đến con số 1.107 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 2.394 tỷ USD vào năm 2032. Điều này cho thấy, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều tiềm năng và là cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Các nghệ nhân làng nghề thao diễn sản phẩm
Các nghệ nhân làng nghề thao diễn tay nghề chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong khuôn khổ của Hội chợ quốc tế hàng trang trí và quà tặng LifeStyle năm 2024
Trong Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 4 tỷ USD; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường. Đến năm 2030, có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ và OCOP với hệ thống khách hàng Chiến lược tại Việt Nam”
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ và OCOP với hệ thống khách hàng chiến lược tại Việt Nam”
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định, sức sáng tạo của nghệ nhân, của doanh nghiệp rất dồi dào; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng và có thể tiếp tục mở rộng thị trường ra các nước. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, đòi hỏi yêu cầu về thẩm mỹ, về tính sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Sản phẩm làm ra phải phục vụ cuộc sống.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ba vấn đề trong chuỗi giá trị ngành hàng thủ công mỹ nghệ phải kết nối, hỗ trợ nhau, đó là: vùng nguyên liệu - nghệ nhân - doanh nghiệp. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước với những cơ chế, chính sách sẽ mang lại hiệu quả trong phát triển ngành hàng này trong thời gian tới.

Do đó, rất cần sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia nước ngoài về thị trường, các kỹ thuật mới, công nghệ mới để các nghệ nhân nâng cao tay nghề, nắm bắt được nhu cầu thị trường quốc tế để thổi hồn vào sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đặt hàng các trường đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đào tạo công nhân có tay nghề.

"Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp hợp sức lại với nhau thông qua các hiệp hội ngành hàng để có tiếng nói chung. Khi đó, mới có thể đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP giới thiệu với quốc tế", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói và đề nghị, các hiệp hội cần tập hợp các doanh nghiệp, xây dựng các catalogue giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để có thể gửi cho các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để giúp quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

"Bộ mong muốn khôi phục lại ngành nghề nông thôn, đó là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc. Nếu chúng ta đồng lòng, cùng nhau hành động thì ngành hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới", ông Trần Thanh Nam chia sẻ và nhận định: Với tình hình khó khăn hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Nhưng nếu chúng ta cố gắng, năm sau vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ 4 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

                                    Theo:  congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

55
Đang xem:
74.215.037
Tổng truy cập: