Sốc với mức lãi "khủng"
Công
việc của những tiểu thương ở đây bắt đầu từ khoảng 5h sáng và kết thúc
vào khoảng 23h trong ngày. Ngô bán cho khách là các loại ngô nếp, ngô
tẻ, đại đa số là những bắp ngô đang còn non, có thể luộc hoặc nướng.
Trao đổi với PV, chị Phương, một người bán ngô cho biết: "Chúng tôi phần
lớn là những người nông dân, công việc chủ yếu là làm ruộng. Việc trồng
và bán ngô chỉ rộ lên khi vào mùa vụ nhất định nên tranh thủ kiếm tiền
trang trải cuộc sống".
Quan sát dọc tuyến quốc lộ 2, cứ cách
vài mét lại có lều hàng bán ngô. Đội ngũ bán ngô kéo dài hàng km nhưng
vẫn luôn đông khách, do đoạn đường này lượng người qua lại nhiều. Hai
bên đường là cánh đồng ngô đang độ thu hoạch. Chị Phương cho biết thêm:
Khách hàng mua ngô là những hành khách trên các chuyến xe tải, xe khách
hoặc xe du lịch, khách đi xe máy qua đường. Theo quan sát của PV, khách
mua ngô nhiều nhất chủ yếu là các tài xế xe tải, hành khách trên các
chuyến xe khách. Người lấy ít cũng 5 - 10 bắp, có người mua hàng chục,
thậm chí hàng trăm bắp làm quà biếu. Hầu hết khách hàng này đều chọn ngô
còn tươi, sống để mua. Trên tuyến đường này có khá nhiều các bến xe
buýt, nên đối tượng sinh viên cũng là những vị khách quen thuộc của các
cửa hàng ngô.
Ngoài ngô tươi thì ngô luộc và ngô nướng khá "hút" khách, đặc biệt là trong những ngày rét
Anh Tuấn, một hành khách mua ngô cho biết: "Gia đình tôi có nhiều người
thích ăn ngô, nên mỗi lần qua đây, tôi thường mua về làm quà cho cả
nhà". Còn anh Thái lại mua ngô vì lý do khác: "Nhìn những người bán ngô
ngày ngày chịu nắng gió vất vả để kiếm chút tiền nuôi gia đình, thấy
thương họ quá nên lần nào đi công tác qua đây, tôi cũng ghé mua một ít
ngô, vừa là để làm quà, vừa là để giúp đỡ và chia sẻ với những người
nông dân vất vả này!".
Cũng theo chị Phương, nguồn ngô từ các
ruộng ven đường không đủ để cung cấp ổn định nên phải huy động thêm ngô
từ các xã lân cận của huyện Đông Anh, Hà Nội. Giá ngô mua vào khoảng 600
- 800 đồng/bắp. Khi bán cho khách mua ngô sống, người bán sẽ đóng sẵn
mỗi túi 10 - 12 bắp và "hét" giá 25.000 - 30.000 đồng/túi...
Theo chị Phương, trung bình mỗi ngày, lượng ngô chị tiêu thụ khoảng 300 -
500 bắp, hôm nào gặp khách đông, con số này có thể cao hơn nữa. Như
vậy, sau khi trừ đi các khoản chi phí, chỉ cần làm một phép tính đơn
giản: Với mức lãi 2.000 đồng/bắp, mỗi ngày có thể kiếm được một triệu
đồng, thậm chí có thể gấp đôi, gấp ba.
Chị Phương kể, các chủ
hàng cứ quảng cáo ngô tươi vừa bẻ ở ruộng ngay cạnh quốc lộ nhưng kỳ
thực đứng ra thu mua tận gốc rồi bán lại cho khách thu lãi lớn hơn gấp
nhiều lần trồng ngô mà lại không vất vả nên chị quay sang chuyên thu mua
ngô về bán. "Bây giờ, người nông dân ở khu vực này, trồng ngô nhiều hơn
trồng lúa, vừa đỡ tốn công sức lại vừa cho thu nhập cao. Nhiều nhà ở xã
tôi đổi đời cũng nhờ trồng ngô".
Tuy nhiên, việc khách hàng bị
"chặt chém" về giá không thấm vào đâu so với "quả đắng" do chủ quan
không kiểm tra ngô trước khi mua. Hầu hết loại ngô sống đều được đóng
túi sẵn nên chủ cửa hàng tha hồ trà trộn ngô non chưa đủ tuổi thu hoạch
vào. Có những túi khi về nhà mở ra kiểm tra thấy có tới một nửa là những
bắp non, mới nẩy lác đác được ít hạt.
Còn theo một tiểu thương
kinh doanh ngô dọc quốc lộ, trà trộn ngô non, ngô xấu để thu lãi khủng
là chiêu trò của hầu hết các cửa hàng bán ngô dọc đường. Hầu hết ngô ở
trong túi đóng sẵn đều được "ngụy trang" dăm ba bắp chuẩn ở bên trên,
còn bên dưới hầu hết đều là ngô non, thậm chí có bắp còn bị "chột" hoặc
bị sâu đục khoét. Khách phần lớn là những người "một đi không trở lại"
nên rất dễ bị dính bẫy. Tinh vi hơn nữa, ngay bên cạnh đó là ngô được đổ
đống để đề phòng trường hợp khách hàng kỹ tính phát hiện ra sẽ được chủ
hàng lấp liếm bằng cách cho chọn lại để bù vào.
Mặc dù bị lật
tẩy chiêu trò bán hàng gian lận nhưng với mức giá trung bình 1.500 -
2000 đồng/bắp, cao hơn rất nhiều so với giá nhập vào nên người bán vẫn
ung dung thu lãi "khủng". Cũng theo chia sẻ của người bán lâu năm này,
để đảm bảo an toàn, khách nên mua loại ngô chín (ngô luộc, ngô nướng...)
với mức giá 3000 - 4000 đồng/bắp, bởi thành phẩm mình tận mắt nên không
bị "qua mặt".
Một điểm bán ngô ven quốc lộ 2
Hiểm họa khôn lường
Công việc bám dọc quốc lộ để bán ngô mặc dù thu được nguồn lợi lớn cho
người lao động nhưng bên cạnh đó cũng ẩn chứa nhiều những hiểm họa khó
lường. Theo một người dân sống ở khu vực dọc đường, có nơi cả làng cùng
nhau đi bán ngô khi vào vụ. Chị Phương cho biết, ngoài việc làm ruộng,
sau khi cấy xong, chị gần như không có công việc gì để làm. Chị có con
đi học đại học, giờ chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không đủ tiền
trang trải. Tranh thủ kinh doanh thêm thế này, thu nhập có hôm lên tới
tiền triệu. Tuy nhiên, cả ngày "phơi mặt" ngoài đường, hít khói bụi cũng
ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là các bệnh về hô
hấp...
Thế nhưng những hiểm họa đó không thấm vào đâu so với
rủi ro về tính mạng khi mật độ xe cộ lưu thông trên đường khá cao. Theo
quan sát của PV, phương tiện qua lại chủ yếu là các loại xe có trọng tải
lớn hoặc xe khách chạy liên tỉnh nên việc xe đột ngột dừng đỗ để phục
vụ khách mua ngô khiến tuyến đường càng trở nên tắc nghẽn hơn.
Trên tuyến quốc lộ 2, không chỉ có các xe tải, xe khách mà còn có cả xe
buýt. Lượng người chọn xe buýt là phương tiện đi lại khá lớn, đối tượng
chủ yếu là học sinh, sinh viên tranh thủ trong lúc chờ xe ghé ào chọn
ngô để làm quà vào mỗi dịp cuối tuần. Tất cả đã tạo nên cảnh tượng giao
thông hỗn loạn thường xuyên trên trục đường quan trọng này. Đặc biệt,
vào những giờ cao điểm, lượng phương tiện di chuyển nhiều và chậm là cơ
hội cho các tiểu thương đổ xô đến tiếp thị tận cửa kính từng xe. Họ sẵn
sàng luồn lách để tiếp cận, chèo kéo khách hàng mặc cho còi xe inh ỏi để
mong "chớp" được một vài khách mua vội với giá "chát". Nhiều người
nhanh chân sẵn sàng vác cả bao tải ngô đến tận xe để tranh thủ chào bán
trong lúc chờ thông đường khiến con đường đã tắc lại càng tắc hơn.
Chị Phương cho biết thêm, sở dĩ họ quây hàng gần nhau để vừa bán vừa
trò chuyện, vừa để hỗ trợ nhau trong những lúc lực lượng chức năng xuất
hiện. "Những lúc đó, nếu bỏ của chạy lấy người thì coi như mất trắng cả
vốn lẫn lãi nên rất cần đến sức người để giải cứu...".
Anh Phạm
Thắng, người bán ngô ở đây thành thật chia sẻ: "Công an đuổi thì mình
chạy, chả khác nào "bắt cóc bỏ đĩa". Khi có công an đến dẹp, chỉ cần một
cuộc điện thoại là có người nhà ra ứng cứu”. Nói rồi, anh Thắng dẫn
chứng: "4 - 5 điểm bán ngô quanh tôi đều là anh em trong nhà. Cả nhà
chúng tôi chỉ việc ngồi bán, còn việc thu mua đã có hai cậu em rể khỏe
mạnh đảm nhiệm".
Việc biến tuyến đường quốc lộ trở thành "con
đường ngô" với hàng trăm người bám trụ để mưu sinh sau một thời gian lại
được nối dài hơn, bất chấp những nguy hiểm về giao thông đang rình rập
có thể cướp đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào.
Bất chấp hiểm nguy rình rập Theo
ghi nhận của PV, các lực lượng chức năng đã nhiều lần cấm, thậm chí là
tịch thu hàng hóa, để vừa tránh những tai nạn không đáng có, vừa để giảm
thiểu việc cản trở, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Tuy
nhiên, tình hình vẫn đâu vào đó, những người bán ngô chỉ tạm lánh khi
thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng. Và sau khi, bóng dáng công an
khuất đi thì họ lại tiếp tục công việc hàng ngày của mình, bất chấp sự
nguy hiểm… |
Theo: Người Đưa Tin