KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tháng này, làng không ngủ
(Ngày đăng: 20/01/2013   Lượt xem: 760)

Hà Nội có khá nhiều làng nghề, có những làng nghề tấp nập quanh năm, suốt tháng nhưng cũng có làng nghề chỉ sôi động vào những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Làng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì nổi tiếng với sản phẩm bánh chưng đón Tết là một làng như thế.

Người dân nơi đây chẳng ai hiểu rõ lịch sử của làng nghề mình có từ đời nào. Cụ bà Nguyễn Thị Tít, 88 tuổi, mẹ của Trưởng thôn Tranh Khúc Nguyễn Văn Thanh, nói rằng: “Tôi chỉ biết đời ông, rồi đời cha, đến đời tôi và các con cháu bây giờ vẫn cứ tất bật vào dịp trước Tết với nghề gói bánh chưng. Có lẽ trời phật cho làng nào làm nghề gì thì dân làng được làm nghề đó để kiếm sống và truyền lại cho con cháu. Ngay gần đây thôi, làng Họa chỉ biết đan đó, còn chúng tôi chỉ biết gói bánh chưng”.
Tháng này, làng không ngủ 1
Tháng này, làng không ngủ 2
 Cả nhà tíu tít cùng nhau gói bánh.
Ông Nguyễn Văn Thanh lý giải: “Vì làng ở ngoài bãi, nước lũ cuốn trôi hết tài liệu qua các đợt lũ lớn, dân làng cứ thế mà truyền nhau thế hệ này sang thế hệ khác giữ lấy nghề là chính”. Nhiều người trong làng cho rằng, chính vì ở ngoài bãi sông, ruộng đất ít, lại chỉ có thể trồng cấy một vụ cây hoa màu, cuộc sống thiếu thốn, vất vả nên cha ông đã tự tìm thêm một nghề để trang trải cuộc sống, đến nay, nhiều gia đình đã tới thế hệ thứ năm, thứ sáu gắn bó với nghề.
 
Nói là làng nghề nhưng trước đây cũng chỉ làm nghề vào dịp Tết. Đến những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống khá hơn, nhu cầu bánh chưng mới rải rác cả năm vào các dịp tuần rằm hoặc các tháng có nhiều lễ cưới xin. Do vậy, gần như 180 hộ gia đình đều làm nghề gói bánh chưng, kéo theo các dịch vụ buôn bán gạo, đậu, thịt, lá dong từ các vùng làng miền về. Gạo nếp do các đại lý vận chuyển từ Hải Hậu, Nam Định về, đó là loại nếp hạt tròn, thơm, dẻo, hạt đều không gãy, trắng đều. Đậu tách vỏ phải là loại vàng ong, khi nấu lên phải dẻo. Để đảm bảo chất lượng cho bánh chắc cũng có thêm những bí quyết riêng, theo họ chẳng phải việc dùng đến 8 tàu lá dong là để độn cho bánh to lên mà tấm bánh càng kín, càng giữ được lâu, không bị nhanh thiu, mốc do vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào. Bí quyết để luộc bánh mau nhừ cũng đơn giản, khi luộc bánh cứ sau khoảng 1 giờ lại pha thêm một ít nước lã vào nồi đang sôi, khi nước nóng gặp nước lạnh thì bánh sẽ chóng nhừ hơn chứ đâu có việc cho cục pin vào như một số tin đồn. Bà cụ Nhân, hơn 70 tuổi, nói: “Chúng tôi làm nghề phải giữ chữ tín để bảo đảm hàng còn bán được cả năm, cả đời chứ đâu dám làm liều để mất nghề kiếm sống, nếu các bác có thời gian, cứ ở đây từ sáng đến tối đêm mà xem chúng tôi chuẩn bị gạo, đậu đến thịt, lá dong đều rửa sạch sẽ và luộc khoảng 8 tiếng đồng hồ mới vớt bánh ra rửa cho sạch, sáng sớm xuất hàng là vừa”.
Tháng này, làng không ngủ 3
  Đãi gạo gói bánh.        
Tháng này, làng không ngủ 4
 Khênh thùng bánh vào bếp nấu.       
Tháng này, làng không ngủ 5
Xả nước vào thùng luộc bánh.
 
Ông Thanh - Trưởng thôn Tranh Khúc, là bộ đội nghỉ hưu về tham gia công tác cho biết: “Vào dịp cuối năm âm lịch như thế này, làng nghề chúng tôi thường được tiếp các nhà báo, nhà đài đến đưa tin. Anh xem bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp đến hết Tết, cả làng hầu như không ngủ, nhà nào cũng lo làm bánh để kịp trả hàng cho khách”. Làng Tranh Khúc chiếm 50 - 60% thị phần bánh chưng cho Hà Nội, những năm gần đây còn xuất cả bánh đi nước ngoài, những nước có người Việt đi làm ăn, sinh sống cũng cần có bánh chưng đón Tết cổ truyền. Ước tính một vụ Tết, làng Tranh Khúc sản xuất khoảng hơn 100 nghìn chiếc bánh chưng, nhà nhiều khoảng trên cả chục ngàn bánh, nhà ít cũng 5-7 ngàn bánh đủ các cỡ. Nói về lời lãi, người làm bánh cho biết, với một chiếc bánh trung bình khoảng 0,4kg gạo nếp; 0,1kg đậu xanh; 0,15kg thịt lợn, lấy công làm lãi được từ 1.000 - 2.000 đồng, đây là khoản thu nhập chính của các gia đình trang trải cho cuộc sống. Vậy nên, nói là làng nghề truyền thống nhưng làng Tranh Khúc vẫn còn nghèo, vẫn ít nhà tầng, nhà mái bằng. Người dân làng mấy năm gần đây mới thoát khỏi cảnh đôi quang gánh trên vai đi mua gạo, lá dong rồi lại gánh bánh lên các chợ ở Hà Nội bán hàng, giờ đây, họ đã có xe máy, ôtô các đại lý về chuyển hàng lên Hà Nội vào các dịp lễ Tết. Từ năm 2009, được sự đầu tư của huyện và địa phương, làng Tranh Khúc đã trang bị được máy hút chân không để đóng, ép bánh vào túi nilon có in mẫu mã, tên người sản xuất, địa chỉ, số điện thoại giúp người tiêu dùng yên tâm không lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Dân làng nghề vẫn giữ nếp chân chất mến khách đường xa tới thăm nhà, thăm làng nghề, sẵn sàng bóc bánh mời khách, biếu khách 1-2 tấm bánh mang về làm quà hay ăn thử vào dịp Tết để nhớ năm sau đến đặt hàng. Người viết bài này cũng như ông Thanh và một số người dân làng Tranh Khúc mong rằng làng nghề truyền thống về một món ăn ẩm thực của Hà thành sẽ được đón khách du lịch tới tham quan vào dịp Tết đến, xuân về, dân làng mở hội thi gói bánh nhanh, bánh ngon hàng năm; những ai đó vào đêm giao thừa, những bữa tiệc ngày Tết, khi bóc tấm bánh chưng với hương vị riêng biệt của bánh chưng Tranh Khúc, để rồi trên thương trường có một loại thương hiệu riêng: Bánh chưng Tranh Khúc - Duyên Hà - Thanh Trì - Hà Nội.

Theo: SK&ĐS


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

134
Đang xem:
74.213.689
Tổng truy cập: